Không gian chính trị của các nước lớn và nhân vật lớn
Phóng viên: Quan sát tình hình hiện nay, chúng tôi thấy dường như thế giới đang bị chi phối bởi ba nhân vật chính trị nổi bật: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin. Chúng tôi muốn cùng với ông giải mã về các nhân vật này, bắt đầu bằng Tổng thống Donald Trump. Khi nói về nhận thức chính trị của các lãnh đạo thế giới, ông từng cho rằng “người nhận ra sự thay đổi mang tính bản chất của thời đại này chính là tổng thống đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ”. Ông có thể lý giải tại sao?
-Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Câu hỏi các anh đặt ra cho tôi rất hay! Trước đây chúng ta cứ tưởng rằng thế giới gồm gần 200 quốc gia bình đẳng với nhau, có thể cùng nhau thảo luận trong Đại hội đồng LHQ. Nhưng có một thời kỳ dài, theo dõi các hoạt động của LHQ, tôi băn khoăn không biết thật ra họ làm gì, bởi tôi chưa bao giờ thấy họ dàn xếp thành công các vấn đề chính trị thế giới. Thế giới giai đoạn vừa qua tưởng là mình dân chủ, cổ vũ một nền dân chủ, nhưng chính nền dân chủ ấy đã làm hỏng thế giới, làm cho người ta tưởng rằng chính trị dễ và đơn giản.
Sau một thời gian nghiên cứu và quan sát, tôi rút ra kết luận: về bản chất, không gian chính trị tổng thể của thế giới là không gian được hoạch định bởi các nước lớn. Nền chính trị nước lớn là cái mà gần đây Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình nói ra, nhưng người đầu tiên khẳng định nó trên thực tế lại là người Mỹ. Càng ngày vai trò của các nước lớn càng hiện hữu rõ ràng, nên đã đến lúc chúng ta phải hiểu lại thế giới.
Tuy nhiên, hiểu thế giới như là không gian chính trị của các nước lớn cũng chưa đủ. Trong giai đoạn lịch sử gần đây, tôi thấy không gian chính trị thế giới cũng không đơn thuần là của các nước lớn, mà còn là của các nhân vật chính trị lớn. Hiện tượng dàn xếp giữa ông Putin và ông Medvedev để thay nhau làm Tổng thống nước Nga là một trong những biểu hiện đầu tiên của sự thao túng của các nhân vật chính trị lớn.
Các nhân vật chính trị lớn chỉ cần một vài thủ thuật, ví dụ đánh tháo Crưm ra khỏi Ukraina, là có thể làm ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự chính trị quốc tế. Sự xuất hiện của yếu tố Putin trong nền chính trị thế giới đã kích thích sự xuất hiện tiếp theo của yếu tố Tập Cận Bình.
TT Donald Trump hứa hẹn khôi phục lại triều đại vàng son cho nước Mỹ
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thấy rằng, nếu cứ quanh quẩn để tìm kiếm sự đồng thuận lặt vặt thì khó thực hiện các chiến lược lớn, cho nên ông ấy bắt đầu tập trung quyền lực. Tập trung quyền lực là một trong hai mặt của nền dân chủ tập trung mà ở Việt Nam cũng đang áp dụng. Đảng ta ở giai đoạn hiện nay cũng đã nhận thức khá sâu sắc về vai trò của “tập trung” và “dân chủ”, nếu dân chủ mà không tập trung được thì dân chủ ấy không có giá trị.
Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình đã xây dựng được một chế độ tập quyền hợp lý. Sự tập quyền hợp lý ấy đã làm cho Trung Quốc trở thành một nguy cơ thật sự đối với sự phát triển của thế giới, đặc biệt là phát triển về kinh tế. Chính vì thế mới xuất hiện nhân vật thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump là một hiệu ứng của sự xuất hiện các nhận vật chính trị tập quyền quan trọng trên thế giới. Có thể nói rằng Donald Trump, Tập Cận Bình và Putin đang tháo ra để lắp lại nền chính trị thế giới. Nếu không ý thức được về những thay đổi này thì chúng ta sẽ trở thành kẻ nói leo trong bối cảnh nền chính trị thế giới đang ngày càng hiện hình rõ nét.
Truyền thông thế giới gọi hiện tượng xuất hiện các nhà chính trị lớn ở các quốc gia lớn là “chính trị độc tài” nhưng tôi không nghĩ vậy. Hôm qua Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã giải thích các tư tưởng kinh tế của Tổng thống Trump không phải là chủ nghĩa biệt lập, mà là ông ấy đang muốn thiết lập lại một nền thương mại tự do và công bằng.
Thế giới xưa nay đã quen với việc “cưỡi lên lưng nước Mỹ” một cách đương nhiên và coi nó như một con voi có sức khỏe vô tận. Người ta chỉ nhớ đến bản thân mình, nhớ đến tất cả yếu tố trên lưng con voi mà quên mất rằng con voi ấy là một đối tượng chính trị nằm trong tập hợp lực lượng chính trị chủ chốt của thế giới.
Với những chính sách mới của mình, Tổng thống Donald Trump đã làm cái việc nhắc nhở thế giới rằng các anh đang ở trên lưng nước Mỹ. Hiểu được như vậy mới có được chính sách đối ngoại phù hợp với nước Mỹ trong giai đoạn Donald Trump.
Thế giới bao giờ cũng ở trạng thái lưỡng cực, cho dù có phân hóa thế nào rồi cuối cùng nó cũng tiệm cận về trạng thái ấy. Tôi xác định rằng nước Mỹ có địa vị vĩnh viễn là một cực của thế giới, còn cực thứ hai thì có sự thay đổi theo thời gian. Có một gian đoạn khá dài từ năm 1945, Liên Xô đóng vai trò là cực thứ hai. Cho đến năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới lại vận hành để tìm đối tác mới cho quan hệ lưỡng cực với Mỹ.
Dù cực thứ hai ấy có thay đổi như thế nào, rơi vào Trung Quốc hay quốc gia nào khác thì cực thứ nhất vẫn là nước Mỹ. Chính vì thế, trong nhận thức của tôi nước Mỹ có một địa vị cực kỳ quan trọng. Tôi nói như vậy với tư cách là một nhà khoa học chính trị độc lập chứ không nói với tư cách là một người Việt Nam, vì khi nói với tư cách người Việt Nam thì tôi lại buộc phải chiếu cố một số yếu tố khác.
Trump là một nhà chính trị thông minh, biết tìm kiếm, tập hợp các lực lượng của mình, và biết chọn các vấn đề cơ bản để thiết lập lại một tình trạng chính trị có lợi cho mình và hơn nữa là chọn một thái độ quốc tế phù hợp.
|
Donald Trump là một nhà chính trị thông minh
Có lẽ trong lịch sử nước Mỹ chưa có Tổng thống nào trúng cử một cách đặc biệt như vậy. Khi cuộc bầu cử 2015 bắt đầu khởi động thì Trump vẫn chưa xuất hiện. Cho đến tháng 6-2015, Trump xuất hiện nhưng giới chính trị và giới truyền thông Mỹ đều cho rằng đấy là một trò vui vẻ. Lúc đó thăm dò dư luận cho thấy Hillary có 80% sự ủng hộ của đảng viên đảng Dân chủ trong khi Trump chỉ nhận được sự ủng hộ của 2% đảng viên đảng Cộng hòa, tức là chưa đến 1% dân số ủng hộ. Sau đó thì chính Đảng cộng hòa cũng chống Trump, cho đến tận bây giờ, chừng mực nào đó họ vẫn có sự chống lại Trump. Trong một bối cảnh như vậy mà Trump vẫn thẳng tiến vào Nhà Trắng. Theo ông, vì sao người Mỹ lại chọn Trump? Phải chăng người Mỹ cần một nhân vật đổi mới vì họ đã chán phong cách chính trị cũ? Hay là người Mỹ nhìn thấy ở Trump một tố chất nào đó mà nước Mỹ hiện nay đang cần?
-Tôi nghĩ không có phép màu nào giúp Donald Trump trúng cử Tổng thống. Nếu không hiểu được chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những thay đổi lớn về nội dung thì không hiểu được hiện tượng Donald Trump. Ông ấy là người rất hiểu tình thế chính trị của nước Mỹ. Chính thu nhập quá cao của giới tư bản tài chính và công nghệ ở Mỹ đã làm khoảng cách giàu nghèo trở nên quá lớn, làm cho 1% giới siêu giàu chiếm giữ 50% giá trị tài sản nước Mỹ.
Donald Trump hiện nay là điểm tập trung sự quan trắc đầy lo lắng của tất cả các lực lượng trên thế giới.
|
Thực tế ấy làm người lao động Mỹ hiểu ra rằng, nếu như chủ nghĩa tư bản cổ điển được đại diện bởi những người có vốn lớn, thì chủ nghĩa tư bản hiện đại được đại diện bởi tầng lớp tinh hoa về mặt học vấn (đâu đó người ta đã gọi đấy là tầng lớp Davos). Tầng lớp Davos của nước Mỹ bỏ rơi một chuỗi rất dài người lao động từ tầng lớp trung lưu lớp dưới xuống đến tầng lớp cần lao. Người lao động Mỹ đã chán đến tận cổ tầng lớp Davos, phương pháp Davos.
Do đó, điều kiện để hoạt động chính trị thành công ở giai đoạn này chính là chọn khúc nào trong toàn bộ cái phổ giai cấp vô sản dài như vậy làm lực lượng chính trị của mình. Donald Trump đã thành công bằng sựa lựa chọn tầng lớp trung lưu cấp thấp. Ông ấy biết chọn yếu tố quan trọng nhất trong cấu thành động cơ chính trị của tầng lớp này là việc làm.
Chính vì vậy mà một trong những ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của Trump là việc làm cho người Mỹ, gọi các nhà đầu tư Mỹ quay trở lại đất nước của mình. Và cũng chính vì kêu gọi xúc tiến việc làm mà Trump buộc phải có thái độ đối với các nền kinh tế có tác động tiêu cực lên kinh tế Mỹ. Điều đó lý giải tại sao Trump lại có thái độ gay gắt với châu Âu (gọi châu Âu là đối thủ), với NATO… và nhiều đối tác khác, kể cả các đồng minh truyền thống.
Trump là một nhà chính trị thông minh, biết tìm kiếm, tập hợp các lực lượng của mình, và biết chọn các vấn đề cơ bản để thiết lập lại một tình trạng chính trị có lợi cho mình và hơn nữa là chọn một thái độ quốc tế phù hợp. Trump hiểu rằng phải khôi phục lại trật tự xã hội, khôi phục lại nền kinh tế Mỹ, khắc phục tình trạng các quá trình sản xuất, dòng tiền vốn, dòng công nghệ bị đưa ra bên ngoài và sửa chữa lại cả những quan hệ thương mại gây thua thiệt cho nước Mỹ, nếu không nước Mỹ sẽ trở nên bị động, phụ thuộc và sẽ tan rã.
Đứng trên lập trường lợi ích cụ thể của nước Mỹ ông ấy không thấy tính đồng minh của châu Âu. Châu Âu từng là đồng minh của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, nhưng bây giờ không còn là đồng minh của Mỹ trong sự phát triển hòa bình. Cộng đồng châu Âu chỉ có giá trị vào thời kỳ nước Mỹ đối đầu với Liên Xô, lúc mà nước Mỹ cần các đồng minh quân sự, mà thật ra thì người ta cũng không biết là thời kỳ ấy Mỹ cần châu Âu hay chính châu Âu cần Mỹ.
Còn việc hình thành cộng đồng châu Âu, mở rộng NATO là việc của châu Âu, không phải việc của nước Mỹ. Trump đã nhìn ra tính bấp bênh, tính “trẻ con” của giới chính trị Mỹ ở các nhiệm kỳ từ Tổng thống Obama trở về trước, khiến cho nước Mỹ bị lôi kéo vào những việc không mang lại lợi ích thực sự cho người Mỹ.
Donald Trump trong kinh doanh cũng lãng mạn và liều một cách rất tự tin như trong các kế sách chính trị của ông ấy
|
Tất cả những người tài hoa đều “quá trớn”
Nhưng có vẻ như trong khi hành động Donald Trump cũng có những lúc bị đánh giá là nóng vội, chủ quan hoặc thiếu kinh nghiệm. Cuộc gặp thượng đỉnh với Putin tại Hensinki là một ví dụ. Ông đánh giá thế nào về mặt này?
-Về mặt tính cách thì Trump là một người “liều”, một người dễ “quá trớn” trong phong cách. Đoạn “quá trớn” của Trump từ lý trí đến sự liều lĩnh khá xa, vượt quá sức tưởng tượng của những người có kinh nghiệm chính trị trên thế giới. Khi thấy ông ấy trượt ra khỏi các ngưỡng truyền thống quá xa như vậy thì nước Mỹ lo lắng, châu Âu lo lắng, Nga lo lắng và Trung Quốc cũng lo lắng.
Donald Trump hiện nay là điểm tập trung sự quan trắc đầy lo lắng của tất cả các lực lượng trên thế giới. Nếu để ý các anh sẽ thấy cách ông ấy xử lý sự “quá trớn” của mình trong vấn đề quan hệ Mỹ-Nga cũng vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tất cả giới chính trị và giới nghiên cứu thế giới. Đôi khi tôi cũng phải thả cho mình lo lắng theo để tưởng tượng xem năng lực khiến thế giới lo lắng của Trump đến mức độ nào và tôi thấy ông ấy rất đáng nể.
Theo ông, sự “quá trớn” đấy có phải là điểm yếu của Trump không?
-Tất cả những người tài hoa đều “quá trớn”! Anh cứ nghĩ mà xem, các bài thơ hay nhất đều “quá trớn”, các bức vẽ vĩ đại nhất đều “quá trớn”, cả các giải pháp chính trị ngoạn mục cũng có sự “quá trớn”. Ví dụ, tôi có xem một bộ phim của Nga mô tả cảnh tướng Zhukov chỉ huy trận đánh giải phóng Stalingrad. Họ thống nhất với nhau khi nào phía Đức bắn đại bác thì ông ấy mới phát lệnh phản công, nhưng đến giờ hành động mà người Đức vẫn không bắn, Zhukov toát mồ hôi và đến phút cuối cùng ông ấy nói “thôi đành liều cho số phận” và ra lệnh tấn công.
Xử lý “quá trớn” là tài hoa của tất cả những người sáng tạo, kể cả sáng tạo chính trị. Phần nghệ sĩ trong sự nghiệp chính trị của Trump chính là phần “quá trớn” của ông ấy.
Nguyễn Trần Bạt: "Tất cả những người tài hoa đều “quá trớn”! Các bức vẽ vĩ đại nhất đều “quá trớn”, cả các giải pháp chính trị ngoạn mục cũng có sự “quá trớn”.
|
Bây giờ nghiên cứu chính trị hiện đại là phải nghiên cứu cả những đoạn mà các nhà chính trị vượt ra khỏi các giới hạn thông thường. Năm 1987 khi tôi rời nhà nước để lập công ty, mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ rằng rôi sẽ không tồn tại được, kể cả thầy của tôi là giáo sư Đặng Hữu, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng ngạc nhiên, thế mà bây giờ chúng tôi có một mức thu nhập tiên tiến hàng đầu Việt Nam. Đoạn trượt ra khỏi khả năng ước lượng của thiên hạ chính là phần lãng mạn của cả nhà kinh doanh lẫn nhà chính trị.
Có lẽ Donald Trump trong kinh doanh cũng lãng mạn và liều một cách rất tự tin như trong các kế sách chính trị của ông ấy, phần lãng mạn thể hiện sự sáng tạo và tự do của ông ấy. Tôi không tin Trump trở thành nhà chính trị độc tài, Trump có cái liều lĩnh của kẻ tự do chứ không phải là một kẻ độc tài.
(còn nữa)
Nguyễn Trần Bạt (sinh năm 1946 ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) - doanh nhân, luật sư, nhà tư vấn, học giả, nhà sáng lập Invest Consult Group (công ty tư vấn chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam về đầu tư và kinh doanh ngay sau khi Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới năm 1987). Hiện ông đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty này. Ông Bạt đã được nêu danh trong các cuốn sách Barons "Who’s Who in Vietnam”, “Who’s Who in Asia Pacific”, “Who’s Who in the World” và “The Global 500 Leaders for the New Century” như một luật sư và nhà tư vấn xuất sắc. |