Bài 1 - Bất cập đèn tín hiệu giao thông tại Thủ đô: Đã đến lúc chuyển đổi số?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đèn tín hiệu giao thông tại một số tuyến phố chưa được thiết lập khoa học, cộng với ý thức tham gia giao thông của người dân còn yếu, khiến cho việc ùn tắc trở nên thường xuyên hơn.

Ùn tắc do thời lượng đèn xanh quá ngắn, đèn đỏ lại dài

Phóng viên VietTimes đã rong ruổi trên đường phố Thủ đô và đã nhận thấy những bất hợp lý trong việc điều tiết giao thông bằng hệ thống đèn tín hiệu ở một số tuyến phố.

Những tuyến phố bị ùn tắc nhiều là do thời lượng dành cho đèn xanh quá ít trong khi đèn đỏ lại quá dài. Chẳng hạn như giao thông từ đường Bưởi và đường vành đai 2 trên cao hướng xuống ngã tư Cầu Giấy (hướng đi tiếp xuống đường Láng) vào giờ cao điểm luôn gặp tình trạng tắc nghẽn, do đèn đỏ ở đây dài tới hơn 100 giây trong khi đèn xanh chỉ hơn 30 giây. Độ rộng của làn đường này không lớn, lại có nhiều xe buýt lưu thông nên tình trạng tắc nghẽn là không tránh khỏi. Người tham gia giao thông thường phải mất từ 2 đến 3 nhịp đèn mới có thể thoát ra khỏi ngã tư này.

Đoạn đường Bưởi và vành đai 2 trên cao hướng về Cầu Giấy thường xuyên tắc nghẽn vào giờ tan tầm

Đoạn đường Bưởi và vành đai 2 trên cao hướng về Cầu Giấy thường xuyên tắc nghẽn vào giờ tan tầm

Anh Thắng, một người dân sống tại Cầu Giấy nói rằng để về nhà, anh sẽ né không đi vào đường Bưởi mà đi vào đường Quan Hoa. Anh cho biết sở dĩ đèn đỏ ở ngã tư này có thời lượng dài là để ưu tiên cho luồng xe cộ di chuyển từ hướng La Thành, Kim Mã đi xuống Cầu Giấy.

Làn đường hẹp trong khi có xe buýt lưu thông khiến lượng xe tắc nghẽn kéo dài hơn

Làn đường hẹp trong khi có xe buýt lưu thông khiến lượng xe tắc nghẽn kéo dài hơn

Cũng trên cung đường quận Cầu Giấy, đoạn từ Vũ Phạm Hàm di chuyển tới Nguyễn Khang và Cầu 361. Ở đây lắp đặt 2 hệ thống đèn tín hiệu gần nhau tại 2 đầu cầu 361. Trong khi thời lượng đèn xanh dành cho hướng di chuyển từ Vũ Phạm Hàm đi thẳng vào cầu 361 chỉ là hơn 30 giây thì thời lượng đèn đỏ lại tới 70 giây, chưa kể hướng rẽ trái sang Nguyễn Khang tới 99 giây.

Các phương tiện khi di chuyển qua hệ thống đèn ở Nguyễn Khang cắt với đầu cầu 361 để tiến vào đường Láng lại gặp tiếp một cột đèn phía giao cắt giữa cầu 361 và Láng, khiến cho các phương tiện bị ùn lại. Hai cột đèn tín hiệu cách nhau chưa đến 100 mét đôi lúc "lạc điệu" khiến cho dòng xe ùn tắc ở đường Vũ Phạm Hàm trở nên dài hơn, đặc biệt vào khung giờ cao điểm.

Đoàn xe nối dài hướng từ Vũ Phạm Hàm tới cầu 361

Đoàn xe nối dài hướng từ Vũ Phạm Hàm tới cầu 361

Hai hệ thống đèn tín hiệu chỉ cách nhau chưa đầy 100 mét

Hai hệ thống đèn tín hiệu chỉ cách nhau chưa đầy 100 mét

Người dân sống tại phố Nguyễn Ngọc Vũ giao cắt với đường Lê Văn Lương, Láng Hạ không lạ gì cảnh xe cộ chen nhau vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều. Do đường Nguyễn Ngọc Vũ nhỏ hẹp, lại là đường lưu thông 2 chiều, trong khi thời lượng đèn xanh chỉ bằng 1/3 so với đèn đỏ nên tình trạng ùn tắc dài là không tránh khỏi. Thêm nữa, một số người tham gia giao thông thường xuyên lấn sang chiều lưu thông đối diện khiến việc di chuyển càng thêm khó khăn.

Đoạn chân cầu vượt Nguyễn Chí Thanh rẽ trái sang Đào Tấn cũng đang có nhịp đèn chưa khoa học. Vào buối sáng đèn đỏ ở đây được cài tới 90 giây và buổi đêm là 86 giây, trong khi đèn xanh chỉ hơn 30 giây.

Đặc biệt vào buổi tối muộn, lưu lượng giao thông từ chiều Kim Mã xuống Đào Tấn đã giảm nhưng nhịp chờ đèn đỏ từ Nguyễn Chí Thanh đi Đào Tấn vẫn rất dài. Phóng viên VietTimes đã gặp cảnh người dân đứng chờ đèn đỏ tới hơn 80 giây trong khi chiều cắt ngang đường không hề có bóng phương tiện di chuyển.

Vào tối muộn, có những chiều lưu thông không có người di chuyển nhưng ở chiều ngược lại người tham gia giao thông vẫn phải chờ đèn đỏ từ 80-99 giây. Nếu hệ thống đèn tín hiệu được cài đặt thời gian thích hợp hơn vào tối muộn sẽ giúp nhiều người giao thông di chuyển nhanh hơn.

Gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh rẽ Đào Tấn, người dân phải chờ đèn đỏ hơn 80 giây trong khi chiều di chuyển cắt ngang hầu như không có người qua lại

Gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh rẽ Đào Tấn, người dân phải chờ đèn đỏ hơn 80 giây trong khi chiều di chuyển cắt ngang hầu như không có người qua lại

Cũng giống như tình trạng trên, ở nút giao hướng Big C đi Đại lộ Thăng Long hoặc hướng từ đường Phạm Hùng đi Khuất Duy Tiến, vào buổi tối, đèn đỏ ở đây được cài đặt 76 giây trong khi đèn xanh chỉ 28 giây, khiến các phương tiện phải dừng chờ đèn đỏ khá lâu.

Các phương tiện chờ đèn đỏ tại đường Phạm Hùng hướng đi Khuất Duy Tiến

Các phương tiện chờ đèn đỏ tại đường Phạm Hùng hướng đi Khuất Duy Tiến

Đèn tín hiệu màu xanh chỉ 18 giây tại một ngã tư

Đèn tín hiệu màu xanh chỉ 18 giây tại một ngã tư

Tại nút giao Nguyễn Thái Học rẽ phải sang Lê Duẩn cũng có tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm. Do hướng Nguyễn Thái Học đi Phan Bội Châu có đèn xanh hơn 60 giây và đèn đỏ 32 giây, trong khi hướng rẽ sang Lê Duẩn có đèn đỏ 55 giây còn đèn xanh chỉ hơn 30 giây, nên trong khi chiều đi Phan Bội Châu đã lưu thông được thì một nửa phần đường còn lại vẫn ùn tắc bởi các phương tiện chờ rẽ sang Lê Duẩn. Nhiều phương tiện trong khi chờ đèn đỏ đã lấn làn vượt lên phía trên, khiến chiều lưu thông đi Phan Bội Châu bị cản trở.

Hướng di chuyển từ Nguyễn Thái Học đi Phan Bội Châu và Lê Duẩn

Hướng di chuyển từ Nguyễn Thái Học đi Phan Bội Châu và Lê Duẩn

Cần áp dụng chuyển đổi số trong nhịp đèn giao thông

Những điểm tắc nghẽn nêu trên chỉ là một vài ví dụ điển hình cho tình trạng tắc nghẽn vào giờ cao điểm ở nhiều tuyến phố trên khắp địa bàn Hà Nội, mà nguyên nhân một phần là do thời lượng đèn tín hiệu giao thông chưa được thiết lập một cách khoa học.

Các nguyên nhân tắc nghẽn khác như làn đường nhỏ, lưu lượng giao thông lớn, ý thức kém khi tham gia giao thông của người dân, quy hoạch đô thị không khoa học...

Tắc nghẽn tại nút giao Cầu Giấy - Kim Mã

Tắc nghẽn tại nút giao Cầu Giấy - Kim Mã

Chúng tôi cho rằng để cải thiện tình trạng tắc nghẽn, vấn đề có thể xử lý nhanh nhất là đơn vị chuyên trách giao thông của thành phố cần nghiên cứu thực tế, điều chỉnh nhịp đèn một cách khoa học hơn.

Đồng thời, tiến hành lắp đặt các cảm biến và camera trên các cột đèn giao thông để có thể tự động chuyển màu đèn khi lưu lượng giao thông tăng hoặc giảm.

Cảm biến được đặt trên một đèn giao thông ở Anh

Cảm biến được đặt trên một đèn giao thông ở Anh

Tại một số thành phố ở Anh và Mỹ, người ta đã sử dụng các cảm biến trên đèn giao thông để điều tiết xe cộ. Có khá nhiều công nghệ có thể hỗ trợ thay đổi tín hiệu trên đèn giao thông, đó là vòng cảm ứng (được chôn dưới mặt đường), camera, radar, tia laser...

Vòng cảm ứng có thể cảm nhận được có chiếc xe nào đỗ gần đèn giao thông hay không. Hệ thống radar được lắp đặt gần nút giao có thể phát hiện vật thể đang di chuyển và kỹ thuật laser sẽ đo khoảng cách của phương tiện từ giao lộ (hoặc mặt đường).

Tất nhiên đây là những công nghệ đòi hỏi sự đầu tư lớn về tiền bạc, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thí điểm ở một vài nút giao trọng điểm.

Hy vọng chính quyền thành phố có sự quan tâm đầu tư cũng như chỉ đạo để giảm thiểu tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm ở nhiều nút giao thông hiện nay.

Đón xem Bài 2: Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội nói gì về giải pháp thay đổi nhịp đèn, tránh ùn tắc?