Bắc Kinh đang trở thành trung tâm phát triển AI của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bắc Kinh hiện đang là nơi tạo ra một nửa số mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do Trung Quốc phát triển.

Bắc Kinh đang trở thành trung tâm phát triển AI của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Bắc Kinh đang trở thành trung tâm phát triển AI của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Bắc Kinh hiện đang là nơi tạo ra một nửa số mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do Trung Quốc phát triển – đại diện cho công nghệ được sử dụng để đào tạo các chatbot thông minh như ChatGPT.

Jiang Guangzhi, Cục trưởng Cục Kinh tế và Công nghệ thông tin Bắc Kinh cho biết, thủ đô của Trung Quốc, nơi có hơn một phần ba “các công ty AI cốt lõi” của đất nước, chiếm 40 trong số khoảng 80 mô hình LLM đã được ra mắt.

Ông Jiang cho biết Bắc Kinh đang cung cấp khoản trợ cấp khoảng 40 triệu nhân dân tệ (5,5 triệu USD) cho các đơn vị sở hữu máy tính được sử dụng để đào tạo các mô hình và ứng dụng AI, đồng thời cam kết thúc đẩy các mô hình AI bằng cách triển khai các ứng dụng LLM trên một loạt các ngành công nghiệp.

“Bắc Kinh dẫn đầu các thành phố của Trung Quốc [về phát triển LLM] vì những lợi thế đáng kể của thành phố về sức mạnh tính toán, bộ dữ liệu, các khoản đầu tư và nhân tài", ông Jiang cho biết. “Chúng tôi hy vọng sẽ tập trung hơn nữa các nguồn lực của mình vào đổi mới AI và điều chỉnh chúng sao cho phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và xã hội".

LLM là các thuật toán AI học sâu có thể nhận dạng, tóm tắt, dịch, dự đoán và tạo nội dung bằng các tập dữ liệu rất lớn. Các thuật toán AI sẽ được sử dụng để hỗ trợ các chatbot như ChatGPT, giúp chúng có thể tạo ra các nội dung mới, bao gồm âm thanh, mã, hình ảnh, văn bản và video.

Cam kết của Bắc Kinh đối với đổi mới AI phản ánh sự đặt cược lớn của Trung Quốc vào công nghệ này như một chất xúc tác chính để chuyển đổi và nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp truyền thống, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế vào thời điểm phục hồi sau Covid-19.

“AI là một xu hướng quan trọng trong sự phát triển công nghệ ngày nay và là động lực cho vòng cách mạng công nghiệp tiếp theo,” Jiang nói, đồng thời cho biết thêm rằng các LLM dự kiến sẽ phát triển hơn nữa.

Ông cho biết Bắc Kinh cũng sẽ thúc đẩy việc mua sắm các mô hình AI “an toàn và đáng tin cậy” để giúp các cơ quan thuộc chính quyền thành phố, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức công khác nhau nâng cao năng suất.

Sau khi công ty khởi nghiệp OpenAI do Microsoft Corp hậu thuẫn phát hành ChatGPT vào tháng 11, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã gấp rút phát triển các dịch vụ tương tự để cạnh tranh.

Các công ty công nghệ lớn đã tham gia phát triển LLM bao gồm nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm internet Baidu, công ty trò chơi điện tử và truyền thông xã hội Tencent Holdings, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei Technologies và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding và JD.com.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý internet - Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc vẫn chưa cấp giấy phép cho bất kỳ sản phẩm AI nào ở nước này, ngay cả khi các công ty công nghệ lớn như Baidu, Alibaba và iFlytek đã triển khai các dịch vụ giống như ChatGPT trên cơ sở thử nghiệm.

Tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) vào tuần trước tại Thượng Hải, Trung Quốc thông báo đã thành lập một cơ quan chính phủ mới chịu trách nhiệm thực hiện tiêu chuẩn quốc gia cho LLM.

Viện Tiêu chuẩn hóa Điện tử Trung Quốc, trực thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (MIIT), cho biết họ đã mời Baidu, Huawei, công ty an ninh mạng 360 Security Technology và Alibaba lãnh đạo một nhóm có nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn LLM mới.

Tại sự kiện WAIC, Thứ trưởng MIIT Xu Xiaolan nhấn mạnh cam kết của chính phủ Trung Quốc trong việc tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp AI trong nước, hiện ước tính bao gồm hơn 4.300 công ty.

Theo SCMP