“Cần phải chuyển từ lời nói sang hành động; vì lý do đó, tôi cảm thấy cần phải kiên quyết tạm nghỉ và rời bỏ chức vụ lãnh đạo Đảng “Mặt trận Quốc gia” - Bà tuyên bố.
Được biết, vòng một bầu cử tổng thống Pháp vừa diễn ra ngày Chủ nhật 23/4. Theo kết quả cuối cùng được Bộ Nội vụ công bố, bà Le Pen được 21,30 % số phiếu bầu, xếp thứ hai. Ngày 9/5 tới, bà sẽ cùng ông Emmanuel Macron, người về nhất với 24,01% số phiếu bầu, bước vào vòng hai, vòng quyết định chọn ra tổng thống mới của Pháp.
Sau khi kết quả được công bố, nhiều cựu ứng viên đã kêu gọi cử tri của mình dồn phiếu cho ông Macron vì lo ngại đường lối dân tộc cực đoan của bà Le Pen. Đương kim Tổng thống Francois Hollande cũng thúc giục người dân Pháp không bỏ phiếu cho bà Le Pen.
Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, trong vòng hai, ông Macron sẽ giành được hơn 60% số phiếu bầu và sẽ trở thành vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Cộng hòa Pháp.
Thấy trước được những thử thách trong vòng hai, bà Le Pen đã chủ động từ bỏ chức lãnh tụ Đảng Mặt trận Quốc gia, nhằm tăng tính thuyết phục trong đường lối của mình đối với các cử tri còn do dự lựa chọn một đường lối ôn hòa hơn.
Bà làm như vậy còn là để tránh lặp lại những sai lầm của cha mình, ông Jean - Marie Le Pen, lãnh tụ Đảng Mặt trận Quốc gia năm 2002. Khi đó ông Le Pen đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người khi lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống. Do các ứng viên khác kêu gọi tẩy chay đường lối dân tộc cực đoan của đảng này mà ông Le Pen đã hứng chịu thất bại với cách biệt rất lớn trước ứng viên cực hữu là ông Jacques Chirac.
Bà Le Pen đã có những hành động làm mềm hóa hình ảnh của Mặt trận Quốc gia, thu hút được sự ủng hộ của lớp trẻ, nhất là số thanh niên thất nghiệp bằng lời hứa sẽ đưa công ăn việc làm trở lại cho họ, chống lại chính sách “toàn cầu hóa tràn lan”.