Doanh nghiệp hưởng lợi từ cơ chế một cửa quốc gia
Công nghệ thông tin (CNTT) đang được ứng dụng ngày một phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở Việt Nam, đặc biệt là các thủ tục về thương mại và vận tải quốc tế. Việc xây dựng và vận hành Cơ chế Một cửa quốc gia (MCQG) có thể xem là một ví dụ điển hình.
Đây là hạ tầng cho phép các bên liên quan đến thương mại và vận tải đệ trình hoặc tiếp nhận các thông tin cũng như tài liệu chuẩn hóa qua một điểm duy nhất khi thực hiện thủ tục hành chính.
Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ vnsw.gov.vn. Ảnh: Trọng Đạt
|
Kể từ khi chính thức vận hành vào tháng 11/2014 cho tới thời điểm tháng 1/2020, hệ thống Cơ chế Một cửa Quốc gia đã số hóa được 198 thủ tục hành chính của 13 bộ ngành, xử lý được 3 triệu hồ sơ của 39.000 doanh nghiệp. Nhờ hệ thống này, thời gian thực hiện thủ tục thông quan đã giảm từ 7 – 8 ngày, doanh nghiệp tiết kiệm được 2.000 USD tiền lưu kho cho mỗi lô hàng hóa theo ngày. Tổng số tiền tiết kiệm được ước tính khoảng 4,55 tỷ USD, tương ứng 106,9 nghìn tỷ đồng.
Theo Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đa số các chức năng cơ bản trên Cổng thông tin MCQG hiện hoạt động tốt.
Cuộc khảo sát này được tiến hành với 12 thủ tục hành chính có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng MCQG thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế.
Kết quả khảo sát của VCCI về một số tính năng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia dưới góc nhìn của các doanh nghiệp.
|
Theo đó, những nhóm tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ”, “quản lý hồ sơ”, và “xem và in giấy phép/chứng nhận” khá dễ thực hiện với đại đa số doanh nghiệp đã trải nghiệm (hơn 90%).
8 thủ tục hành chính ghi nhận chi phí giảm đi trên một nửa so với trước kia. Cao nhất là thủ tục “cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất” (giảm 93% chi phí), “đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu” (giảm 82%) hay “cấp giấy phép xuất/nhập khẩu tiền chất công nghiệp” (giảm 73%). Trong khi đó, “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” của Bộ Y tế là thủ tục hành chính duy nhất đi ngược lại xu hướng chung khi chi phí trung bình lại tăng 19% so với chi phí tiến hành theo phương thức truyền thống.
Sự vận hành của Cổng thông tin một cửa quốc gia giúp cải thiện đáng kể chi phí cho doanh nghiệp.
|
Ngoại trừ hai thủ tục hành chính của Bộ Y tế, Cơ chế một cửa quốc gia cũng giúp giảm đáng kể số ngày làm việc so với phương thức truyền thống.
|
Nhận xét về lợi ích của cơ chế MCQG, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp đã tiết giảm được đáng kể thời gian và chi phí trong quá trình xử lý thủ tục hành chính qua Cổng thông tin MCQG. Đây là những lợi ích rất quan trọng mà cơ chế này đã mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Gặp khó với thủ tục của Bộ Y tế, Bộ GTVT và Bộ KHCN
Trong số các thủ tục được khảo sát, thủ tục thuộc Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được đánh giá là dễ thực hiện hơn so với các thủ tục thuộc 3 Bộ còn lại (Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ).
Hai thủ tục phổ biến nhất với doanh nghiệp là “cấp chứng nhận xuất xứ ưu đãi C/O” và “cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa”. Đây cũng là 2 thủ tục dễ tiến hành nhất với chỉ khoảng 15% doanh nghiệp cho biết gặp phải khó khăn.
Tỷ lệ này thấp đi đáng kể khi đánh giá thủ tục “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” (34%). Đây cũng là thủ tục duy nhất có chi phí không giảm đi khi được đưa lên hệ thống Một cửa quốc gia.
Ngoại trừ thủ tục cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, các thủ tục hành chính còn lại đều có chi phí doanh nghiệp bỏ ra giảm đi rõ rệt.
|
Nếu lấy ngưỡng 25% doanh nghiệp gặp khó khăn làm giá trị tham chiếu, 2 thủ tục thuộc Bộ Giao thông Vận tải gồm “cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” và “cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng” hiện cũng có vấn đề với 28% doanh nghiệp gặp khó. Tương tự, 26% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục “kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu” của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nguyên nhân của những vướng mắc chủ yếu đến từ ba lý do. Thứ nhất, hệ thống xử lý thủ tục của Bộ quản lý chuyên ngành chưa “điện tử” hoàn toàn. Điều này xảy ra khi tồn tại song song việc doanh nghiệp vửa làm thủ tục trên Cổng MCQG, vừa phải nộp hồ sơ giấy tại Bộ ngành quản lý.
Buổi chia sẻ Báo cáo “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia”. Ảnh: Trọng Đạt
|
Thứ hai, tình trạng xử lý hồ sơ không được thông báo rõ ràng. Ví dụ điển hình là việc doanh nghiệp bị trả hồ sơ lại mà không có những giải thích rõ ràng và không được tổng hợp một lần tất cả những lỗi trong hồ sơ cùng một lần. Hệ quả là doanh nghiệp phải rút và chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần mới được chấp thuận.
Cuối cùng, quá trình xử lý hồ sơ ở các Bộ ngành bị chậm trễ, nhiều lúc không xuất phát từ những lý do hợp lý khiến doanh nghiệp chịu tổn thất về thời gian và chi phí.
Điều này dẫn tới một kết luận đáng buồn rằng việc triển khai Cơ chế MCQG đem lại những thay đổi tích cực về thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tuy nhiên sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các Bộ ngành.
Một cửa quốc gia và cơ hội với các FTA
Về những đề xuất để cải thiện, các chuyên gia cho rằng, cổng thông tin MCQG cần tích hợp chức năng thanh toán điện tử, hoàn thiện chức năng hỏi đáp vướng mắc cũng như xử lý các vấn đề có liên quan. Điều quan trọng nhất là phải bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đóng góp của cơ chế MCQG về mặt thủ tục hành chính là rất đáng ghi nhận. Tuy vậy, Cổng thông tin MCQG cần đồng bộ hóa các phần mềm và trang thiết bị giữa các bộ, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tập trung thay vì phân tán như hiện tại thì mới có thể giúp sức được cho doanh nghiệp.
Chuyên gia này cho rằng cần phải đặt việc thực hiện kết nối một cửa là điểm mấu chốt trong mối quan hệ hội nhập kinh tế quốc tế, trong cuộc đua cạnh tranh toàn cầu. Ông Doanh khẳng định các doanh nghiệp trong nước dù có cơ hội với CPTPP, EVFTA, nhưng tình hình sẽ không quá lạc quan vì phải chịu sức ép rất lớn về giảm thiểu chi phí, đẩy nhanh tốc độ để có thể cạnh tranh được với thế giới.
Theo Vietnamnet
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu