Đại dịch COVID-19 đã và đang hoành hành dữ dội, tàn phá kinh tế, xã hội khủng khiếp trên toàn thế giới. Trước đại dịch lịch sử của nhân loại, đến nay Việt Nam vẫn đang đứng vững cả trong phòng chống dịch bệnh, cả trong hạn chế tác động của dịch bệnh đối với đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng dịch bệnh đã mở ra thời cơ cho một số lĩnh vực phát triển, trong đó có hoạt động trực tuyến.
Mấy năm nay, ở Việt Nam chúng ta nhắc nhiều đến “cách mạng công nghệ 4.0”, “chính phủ điện tử”, “phát triển kinh tế số”. Tuy nhiên so với kỳ vọng, việc ứng dụng thành tựu của công nghệ thông tin trên một số lĩnh vực của đời sống ở nước ta còn hạn chế.
Thời gian qua, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; tỉnh, thành cách ly với tỉnh, thành.
Tuy nhiên, với dịch bệnh thì phải cách ly nhưng cuộc sống, công việc, học tập… thì không thể dừng lại. Bởi vậy, cách ly xã hội đã trở thành “cú hích” cho hoạt động trực tuyến phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Các cuộc họp, giao ban trực tuyến; dạy - học, làm việc, kinh doanh, mua bán trực tuyến; văn bản điện tử; khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe trực tuyến… phát triển hơn bao giờ hết.
Có thể nói, việc phòng chống đại dịch Covid-19 đã tạo ra bước phát triển vượt bậc ở Việt Nam về thay đổi thói quen, sở thích, hoạt động đảm bảo đời sống của người dân cũng như thay đổi phương pháp quản trị, làm việc của các cơ quan hành chính, doanh nghiệp từ trực tiếp sang trực tuyến.
Sau khi thực hiện Chỉ thị chống dịch của Chính phủ, ngoại trừ những công việc đòi hỏi phải làm việc trực tiếp, còn lại đa số các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp đã tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà qua online.
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), lưu lượng dữ liệu tháng 3 tăng tới 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, ứng dụng Zoom (phần mềm hội nghị trực tuyến đa điểm cho phép người dùng triển khai các cuộc họp online) tăng 67% do các trường học, cơ quan, doanh nghiệp … [1]
Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống COVID-19, đa số các cơ quan hành chính sự nghiệp trong cả nước đã triển khai làm việc trực tuyến.
Từ ngày 1/4, các cơ quan công sở của TP. Hồ Chí Minh, chỉ có lãnh đạo chủ chốt làm việc tại trụ sở, còn lại 2/3 cán bộ, công chức làm việc trực tuyến tại nhà. [2]
Các cuộc họp của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội đã chuyển sang hình thức online.
Các doanh nghiệp cũng đã có bước chuyển mình tích cực trong thực hiện nền kinh tế số. Công ty Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI, ngay sau khi có dịch bệnh, ban lãnh đạo FSI đã áp dụng hình thức làm việc online. Theo đó, 80% nhân sự FSI đã áp dụng làm việc trực tuyến từ ngày 9/2.
Đến nay, Trung tâm giới thiệu việc làm TP. Hà Nội đã dừng hoàn toàn các phiên giao dịch việc làm offline (không kết nối internet), thay vào đó kết nối người lao động với doanh nghiệp qua hình thức online.[3]
Trong các ngành nghề, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực có số lượng người tham gia hoạt động trực tuyến đông nhất trong đại dịch COVID-19. Một trong những trường tổ chức dạy học trực tuyến sớm nhất trong mùa dịch nCoV là Trường đại học Kinh tế thuộc đại học Đà Nẵng. Sáng ngày 07/02/2020, đồng loạt các tài khoản cá nhân của giảng viên cùng đăng thông báo đến sinh viên thông điệp: Đã hết thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, các lớp sẽ học online trên Elearning và nhấn mạnh sẽ “vẫn có điểm danh, vẫn có bài tập chấm nhanh cộng điểm”. [4]
Thực hiện Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy học qua Internet và truyền hình đối với giáo dục phổ thông và giáo dục từ xa trong thời gian thực hiện cách ly xã hội để phòng chống Covid-19, trừ những địa phương vùng sâu vùng xa chưa thể sử dụng online, từ đầu tháng 4/2020, hầu hết các trường khối phổ thông và giáo dục từ xa đã tổ chức dạy - học trực tuyến.
Làm việc qua online trong đại dịch COVID-19 là giải pháp tình thế, vì vậy từ lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp, trường học … đến người trực tiếp làm việc trực tuyến không thể tránh khỏi những lúng túng, bỡ ngỡ. Tuy nhiên đã cho thấy hình thức làm việc này đã khẳng định hiệu quả, ưu thế vượt trội nhiều mặt so với làm việc trực tiếp; quan trọng hơn là đã tạo ra “cú hích” cho việc xây dựng chính phủ điện tử và nền kinh tế số của thời đại công nghệ 4.0.
Làm việc trực tuyến đã mang lại hiệu quả to lớn ai cũng thấy, đó là tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí của người lao động, của doanh nghiệp và tiết kiệm ngân sách nhà nước; hạn chế được ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhiều công việc được giải quyết nhanh gọn như đăng ký các loại hồ sơ, nộp thuế, đăng ký thủ tục hải quan …Đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, thủ tục hành chính; giảm tình trạng sách nhiễu của công chức, viên chức đối với người dân trong giải quyết các thủ thục hành chính …
Hoạt động trực tuyến ở Việt Nam từ trước tới nay, nhất là trong đại dịch COVID-19 là rất đáng khích lệ, tuy nhiên so với mục tiêu xây dựng nền kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử thì còn có khoảng cách.
Để đạt mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử theo tinh thần của Nghị quyết 36A năm 2015 của Chính phủ về xây dựng chính phủ điện tử, trước hết cần phải hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng chính phủ điện tử, trước hết là cơ chế kết nối tập trung, chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin, bảo vệ dữ liệu; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo nền tảng phát triên chính phủ điện tử. Nâng cao kiến thức, kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin; tác phong khoa học, ý thức kỷ luật, tự giác trong làm việc trực tuyến cho mọi người, trước hết là cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước; những người làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ công, các doanh nghiệp...
Chúng ta đã, đang nói nhiều về thời đại công nghệ 4.0, về kinh tế số nhưng điều đó chỉ được hiện thực hóa trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước khi hoàn thành mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử. Bởi vậy, xây dựng chính phủ điện tử cũng là một trong những giải pháp quan trong trọng hàng đầu để đất nước phát triển nhanh, mạnh hơn nữa.
Tài liệu tham khảo:
[1].https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/no-ro-ung-dung-truc-tuyen-lam-viec-online-mua-dich-covid-19-1206143.html
[2].https://doimoisangtao.vn/news/tphcm-doanh-nghip-cng-s-khng-ngi-lm-vic-online-trong-ma-dch
[3].https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-dong-loat-lam-viec-online-tranh-lay-nhiem-dich-1630661.tpo
[4].https://giaoducthoidai.vn/mua-dich-corona-day-hoc-truc-tuyen-len-ngoi-3843560.html