Australia tố Google “tiếp tay” cho thông tin sai lệch trả phí nội dung tin tức

VietTimes – Trước đó, Google đã cảnh báo người dùng Australia rằng luật yêu cầu trả phi nội dung tin tức của Australia là mối nguy hiểm đối với các dịch vụ tìm kiếm miễn phí trên nền tảng.
Ảnh: Apple Insider
Ảnh: Apple Insider

Australia đang trong quá trình chuẩn bị triển khai luật mới, yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản đối với bất kỳ nội dung nào xuất hiện trên kết quả tìm kiếm và các tính năng tin tức của các nền tảng.

Bức thư ngỏ của Google


Trong nỗ lực chống lại dự luật, Google đã xuất bản một “bức thư ngỏ” cảnh báo rằng: “Chức năng” của Google Search (Google Tìm kiếm) và YouTube có thể suy giảm, điều này “có thể dẫn đến việc dữ liệu của bạn được chuyển giao cho các nhà xuất bản tin tức lớn trong khi các dịch vụ miễn phí mà bạn sử dụng có nguy cơ đối mặt với rủi ro”.

Bức thư của Google tuyên bố rằng đạo luật của Australia buộc Google phải đưa ra những lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp truyền thông tin tức trong việc xác định điều gì là phù hợp và hữu ích nhất trên các kết quả tìm kiếm.

“Các doanh nghiệp truyền thông tin tức sẽ được đưa ra những thông tin giúp họ có thể thổi phồng xếp hạng một cách “giả tạo” trong các công cụ tìm kiếm so với những người khác ngay cả khi người khác có thể cung cấp các nội dung tốt hơn (...). Những thay đổi được đề xuất không công bằng và điều này có nghĩa là kết quả của Google Tìm kiếm và YouTube sẽ kém hiệu quả hơn” - thư ngỏ của Google nêu vấn đề.

Ảnh: Mashable India
Vào tháng 6, Google từng tuyên bố sẽ trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức có nội dung chất lượng cao. (Ảnh: Mashable India)

Bên cạnh đó, Google cũng không quên nhấn mạnh rằng: Hãng đã trả “hàng triệu USD và gửi cho các nhà xuất bản tin tức hàng tỷ lượt nhấp chuột miễn phí mỗi năm (...). Thay vì khuyến khích các loại quan hệ đối tác này, luật được thiết lập giúp các công ty truyền thông lớn có nhiều ưu đãi đặc biệt và khuyến khích họ đưa ra những yêu cầu phi lý, điều có thể khiến các dịch vụ miễn phí của chúng tôi gặp rủi ro”.


Bức thư được ký bởi Giám đốc điều hành của Google tại Australia Mel Silva và kết luận rằng Google sẽ “làm mọi thứ để có thể thay đổi đề xuất này”. Các thông tin bổ sung sẽ được công bố trong vài ngày tới.

Australia đáp trả


Đáp trả động thái của Google, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) Rod Sims nhấn mạnh bức thư ngỏ chứa “thông tin sai lệch” về luật, trong đó có một bản dự thảo đã được công bố vào tháng 7/2020.

Ảnh: Digital Trends
Mâu thuẫn giữa các công ty công nghệ lớn và các nhà xuất bản tin tức về vấn đề bản quyền và nội dung trả phí vốn đã xuất hiện từ lâu. (Ảnh: Digital Trends)

“Google không bắt buộc phải tính phí cho người dùng Australia các dịch vụ miễn phí của mình như Google Tìm kiếm, YouTube trừ khi họ chọn như vậy. Công ty cũng không nhất thiết phải chia sẻ bất kỳ dữ liệu bổ sung nào với các doanh nghiệp tin tức của Australia trừ khi hãng lựa chọn làm như vậy” - ông Rod Sims nói.


Về mục đích của quy định, ông Sims nhấn mạnh rằng chúng sẽ “giải quyết sự mất cân bằng khả năng thương lượng đáng kể giữa các nhà xuất bản và các công ty công nghệ. Một lĩnh vực truyền thông tin tức lành mạnh là điều cần thiết cho một nền kinh tế vận hành tốt” – ông nói.

Hồi tháng trước, Australia tuyên bố các công ty công nghệ như Google và Facebook sẽ phải trả tiền cho các hãng truyền thông nếu sử dụng nội dung tin tức của những hãng này. Tuyên bố được đưa ra sau tiến trình đàm phán kéo dài 18 tháng giữa Chính phủ Australia và các hãng công nghệ không mang lại kết quả.

Theo Apple Insider