Ngày 18/10, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và người đồng cấp Australia Anthony Albanese đã có cuộc gặp tại Canberra để ký kết một thỏa thuận thương mại bền vững nhằm hỗ trợ các mục tiêu bền vững trong thương mại, đầu tư và biến đổi khí hậu.
Chính phủ australia cho biết, trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại xanh, hai quốc gia sẽ cùng thực hiện 17 sáng kiến nhằm thúc đẩy vận tải biển xanh, hàng không thương mại bền vững, chính phủ mua sắm những hàng hóa và dịch vụ từ những nguồn phát thải thấp, hệ thống thực phẩm bền vững, dán nhãn sinh thái bền vững cho sản phẩm và những kế hoạch kinh doanh sản xuất thân thiện môi trường.
Ông Albanese cho biết, hiệp ước thể hiện một "quyết tâm tập thể" nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính thông qua một dự án năng lượng đầy tham vọng, nhấn mạnh hiệp ước sẽ "hỗ trợ đổi mới nguồn năng lượng sạch, mở ra những cơ hội kinh doanh và tạo việc làm, đồng thời thúc đẩy thực hiện những mục tiêu bền vững trong sứ mệnh của 2 quốc gia".
Một dự án then chốt trong những dự án được đề cập là các bên phối hợp hình thành mạng lưới điện liên lục địa giữa 2 quốc gia, mục tiêu mà công ty khởi nghiệp năng lượng sạch Sun Cable đã và đang hướng tới. Tầm nhìn là một đường dây tải điện siêu cao thế, được sử dụng để chuyển khối lượng điện mặt trời khổng lồ từ các sa mạc phía Bắc Australia đến vùng nhiệt đới Singapore.
Sun Cable tuyên bố, nếu thành công, đây sẽ là lưới điện liên lục địa đầu tiên trên thế giới.
Thủ tướng Albanese trả lời các phóng viên, nhấn mạnh. “Nếu dự án này thành công - và tôi tin là có thể - chúng ta sẽ thấy trang trại năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Triển vọng của Sun Cable chỉ là một phần trong những gì trong tương lai khi tôi nói rằng, Australia sẽ là một siêu cường năng lượng tái tạo cho thế giới.”
Dự án AA PowerLink / SunCable Media |
Australia là một trong những nước xuất khẩu than và khí đốt lớn nhất thế giới và thường xuyên bị chỉ trích toàn cầu vì không cắt giảm được đáng kể lượng khí thải carbon.
Trong những năm gần đây, Australia đã cam kết giảm lượng khí thải xuống mức bằng 0 vào năm 2050, Singapore cũng đang xem xét áp dụng mục tiêu tương tự. Cả hai quốc gia đã ký kết hiệp định khí hậu Paris, cam kết giữ giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Thủ tướng Albanese cho biết: “Đây là một mô hình thương mại năng lượng, sẽ hỗ trợ cả Australia, Singapore và các đối tác trong khu vực Đông Nam Á, nắm bắt các cơ hội kinh tế trong quá trình chuyển đổi phát thải ròng toàn cầu về 0”.
Ông Albanese mô tả Singapore là “một trong những nền kinh tế sáng tạo nhất trên thế giới” và cho biết Australia có tiềm năng trở thành “siêu cường năng lượng tái tạo” do có không gian mở rộng lớn và dân số tương đối nhỏ.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, thỏa thuận kinh tế xanh là “thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này”, bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ trở thành “ thỏa thuận mẫu mở đường cho các quốc gia khác đơn giản là hợp tác để cùng giải quyết vấn đề toàn cầu”.
Hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa Australia và Singapore được ký kết vào tháng 7 năm 2003. Australia hiện đang vận chuyển khí hóa lỏng (LNG) cho Singapore và dự kiến trong tương lai sẽ thay thế bằng dự án Australia-Asia Power Link .
Ông Albanese mô tả việc xuất khẩu điện mặt trời của Australia sang Singapore là một dự án tuyệt vời vì “đôi bên cùng có lợi”.
Theo E&T