Chuyến thăm đầu tiên
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Indonesia, dưới sự tháp tùng của nhiều bộ trưởng nội các, từ ngày 25 đến ngày 26 tháng 2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đến Australia. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến quốc gia châu Đại Dương này của ông Joko Widodo sau khi ông lên nắm quyền.
Ban đầu, ông Joko Widodo có kế hoạch thăm Australia vào tháng 11 năm 2016, nhưng đã bị trì hoãn do trong nước nổ ra biểu tình quy mô lớn.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 24 tháng 2, những năm gần đây, quan hệ giữa Indonesia và Australia luôn ở trạng thái lạnh nhạt. Hai nước từng xảy ra “tranh chấp” gay gắt trong các vấn đề như người nhập cư, nghe lén điện thoại và tranh chấp tư pháp.
Chuyến thăm Australia lần này của ông Joko Widodo cho thấy quan hệ hai nước bắt đầu dịu đi. Tờ Sydney Morning Herald ngày 24 tháng 2 cho hay nội dung chính thăm Australia của ông Joko Widodo là thương mại và đầu tư,
bao gồm thúc đẩy đàm phán Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế toàn diện Indonesia - Australia, đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường Australia các sản phẩm như gỗ, dầu cọ, bột giấy, đồng thời thiết lập 3 trung tâm tiếng Indonesia tại Canberra, Melbourne và Perth.
Đề nghị tuần tra chung ở Biển Đông
Điều gây chú ý nhất trong chuyến thăm này của ông Joko Widodo là kế hoạch tuần tra chung Biển Đông của Indonesia và Australia sẽ được tiếp tục đề cập đến trong chuyến thăm này.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo trả lời phỏng vấn tờ The Australian cho biết khi gặp Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong tuần này, ông sẽ thảo luận khả năng cùng phía Australia tuần tra chung ở Biển Đông.
Ông cho biết Indonesia mong muốn có thể cùng Australia triển khai nhiệm vụ tuần tra, nhưng tiền đề là hoạt động này sẽ không khiến cho quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc rơi vào căng thẳng.
Tổng thống Joko Widodo nói: “Nếu không gây ra quan hệ căng thẳng, tôi cho rằng cùng tuần tra với Australia là rất quan trọng. Tôi sẽ cùng Thủ tướng Malcolm Turnbull thảo luận vấn đề này”.
Tháng 10 năm 2016, cơ quan ngoại giao Australia và Indonesia đã đưa ra thông tin “đang cân nhắc tuần tra chung ở Biển Đông một cách hòa bình”. Khác với thái độ tích cực của Australia, Indonesia có phản ứng kín tiếng, luôn nhấn mạnh “tuần tra hòa bình” chỉ là đề nghị, “không nhằm vào bất cứ nước nào”.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng Indonesia luôn duy trì “trung lập” trong vấn đề Biển Đông, đồng thời đóng vai trò “làm dịu xung đột” giữa Trung Quốc với ASEAN, bao gồm Philippines.
Hiện nay, Trung Quốc và Australia không có tranh chấp về chủ quyền quần đảo Natuna. Nhưng, Trung Quốc có yêu sách chủ quyền và quyền lợi biển ở Biển Đông vô lý và phi pháp, đòi cả vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý) mở rộng từ quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế mở rộng từ quần đảo Natuna do Indonesia chủ trương.
Indonesia và Trung Quốc đã có những “va chạm” nhất định trên vùng biển quần đảo Natuna, bao gồm các vụ xâm nhập của tàu cảnh sát biển và tàu cá Trung Quốc.
Những năm gần đây, Indonesia luôn tỏ thái độ kiên quyết trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, tăng cường triển khai quân sự ở quần đảo Natuna để bảo vệ chủ trương chủ quyền và quyền lợi biển của họ ở khu vực này. Tháng 10 năm 2016, Indonesia đã tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn trên Biển Đông.
Dư luận Australia xôn xao
Việc Tổng thống Indonesia đề nghị tuần tra chung ở Biển Đông mặc dù đã đưa ra tiền đề “không làm cho tình hình căng thẳng”, nhưng vẫn gây dư luận xôn xao ở Australia.
Tờ The Daily Telegraph dẫn lời Đại tướng Angus Houston, cựu Tư lệnh Lực lượng quốc phòng Australia cảnh báo, Australia tham gia tuần tra ở Biển Đông “không khác gì chơi với lửa”, “Australia không nên tham gia các hành động tự do đi lại trong phạm vi 12 hải lý các đảo, đá ngầm ở Biển Đông. Điều này có thể gây ra phản ứng quân sự. Tôi không cho rằng, đây là một ý kiến hay”.
Tờ báo này cho rằng Tổng thống Joko Widodo đưa ra đề nghị tuần tra chung nhằm xác nhận thái độ của Australia đối với Indonesia. Quan hệ hai nước không hòa thuận lâu dài, nhưng hai bên là láng giềng biển quan trọng của nhau, lại có mong muốn mạnh mẽ khôi phục quan hệ.
Nếu phía Australia đồng ý với đề nghị của Tổng thống Indonesia Joko Widodo thì quan hệ giữa hai quốc gia này chắc chắn sẽ có bước tiến lớn trong thời gian tới.
Có tờ báo khác của Australia cho rằng hai nước có nhu cầu chung về phong tỏa người nhập cư bất hợp pháp và ngăn chặn khủng bố trên biển, thực sự cần tiến hành tuần tra chung.
Nhưng, tuần tra chung ở những vùng biển nào lại là một vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng Australia luôn tránh né yêu cầu tham gia tuần tra Biển Đông của Mỹ, khả năng đồng ý tham gia kế hoạch tuần tra của Indonesia còn đáng nghi ngờ.
Tờ The Australian Financial Review cho rằng hiện nay, vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng lên, các nước ASEAN như Philippines, Malaysia đã lần lượt tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Do đó, phát triển quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc sẽ phù hợp với lợi ích của Australia.
Nhà nghiên cứu vấn đề biển Trung Quốc Lưu Phong cho rằng "môi trường quốc tế khi Indonesia đề xuất “cùng tuần tra Biển Đông” đã có sự thay đổi rõ rệt. Một mặt, tình hình Biển Đông có xu hướng tốt lên, tình hình hợp tác giữa các nước liên quan được tăng cường".
Mặt khác, sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ, chính sách Biển Đông của Mỹ đang chuẩn bị có sự điều chỉnh mới. Lúc này Indonesia tiếp tục đưa ra đề nghị này là có ý đồ thăm dò.
Lưu Phong cho rằng khả năng Indonesia và Australia cùng tuần tra Biển Đông rất đáng nghi ngờ. Australia luôn “nói nhiều làm ít”, chủ yếu “phô trương thanh thế” trong vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, đối với Indonesia, trong môi trường lớn tình hình Biển Đông tổng thể dịu đi, là quốc gia ASEAN lớn nhất, Indonesia không thể cứ làm theo ý mình. Do đó, việc triển khai cụ thể đề nghị trên của Indonesia còn cần phải quan sát.