Theo Bloomberg, Apple đang phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng xử lý thanh toán của riêng mình cho các sản phẩm tài chính trong tương lai. Đây là một phần trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm giảm sự phụ thuộc vào các bên thứ ba trong tương lai.
Theo dự tính, kế hoạch này sẽ kéo dài nhiều năm và giúp hãng tự thực hiện các hoạt động tài chính của mình, bao gồm xử lý thanh toán, đánh giá rủi ro vay nợ, phân tích gian lận, kiểm tra tín dụng và các dịch vụ chăm sóc khách hàng về tài chính khác.
Nỗ lực này tập trung vào các sản phẩm trong tương lai, thay vì dòng dịch vụ hiện tại của Apple. Theo đó, tin tức này đã khiến cổ phiếu của CoreCard và Green Dot - hai trong số các đối tác hiện tại của Apple - giảm hơn 10% trong tuần này. Cổ phiếu của Goldman Sachs, một đối tác quan trọng khác, cũng đã bị giảm tới 1,2%.
Sự thúc đẩy này sẽ biến Apple thành một thế lực lớn hơn trong các dịch vụ tài chính, thanh toán ngang hàng, ứng dụng Wallet và cơ chế cho người bán chấp nhận thẻ tín dụng từ iPhone.
Apple cũng đang phát triển dịch vụ đăng ký phần cứng của riêng mình và tính năng mua ngay/trả sau cho các giao dịch Apple Pay, theo Bloomberg.
Apple Care hiện đang sử dụng CoreCard làm bộ xử lý cốt lõi của thiết bị giúp giám sát quá trình thanh toán và gửi chi tiết giao dịch đến các ngân hàng. Dịch vụ thẻ tín dụng này cũng phụ thuộc vào Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư đa quốc gia ở Mỹ, trong các tác vụ cho vay, chăm sóc khách hàng, kiểm tra lịch sử tín dụng, xử lý các giao dịch thanh toán. Những đối tác này có khả năng sẽ tiếp tục sử dụng các sản phẩm hiện tại từ Apple.
Dự án này của Apple thể hiện bước đột phá lớn nhất của hãng vào thế giới tài chính và đây có thể không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các công ty công nghệ khác, bao gồm Meta Platforms sở hữu Facebook và Alphabet - Google, cũng đã thực hiện các dự án tài chính đầy tham vọng, tuy nhiên kết quả lại không mấy khả quan. Theo đó, Meta đã phát triển đồng tiền mã hóa của riêng mình và kế hoạch Google cho các tài khoản ngân hàng của họ.
Ngược lại, Apple đã có một khởi đầu thuận lợi trong hình thức dịch vụ thanh toán của mình. Ra mắt vào năm 2014, Apple Pay đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của công ty. Hiện tại, dịch vụ này tạo ra doanh thu gần 70 tỉ USD mỗi năm. Theo đó, dịch vụ Apple Pay đang được điều hành bởi Jennifer Bailey, một giám đốc điều hành lâu năm của Apple, người trước đây đã điều hành cửa hàng trực tuyến của công ty.
Các dịch vụ tài chính giúp người dùng ngày càng gắn bó với iPhone của họ và nhà Táo có thể tạo ra doanh thu từ lãi suất và phí giao dịch của người dùng. Đó là lý do tại sao Apple muốn kiểm soát toàn bộ quy trình này, cho phép daonh nghiệp triển khai các tùy chọn thanh toán mới nhanh hơn và đẩy mạnh doanh thu trong dịch vụ đầy tiềm năng này.
Kế hoạch này cũng có thể giúp Apple mở rộng các dịch vụ của họ sang các quốc gia khác trong tương lai. Mặc dù Apple Pay hiện đã có sẵn ở hơn 70 quốc gia, tuy nhiên các dịch vụ như thanh toán ngang hàng, Apple Card và Apple Card Cash vẫn chỉ dành cho Hoa Kỳ. Các đối tác như CoreCard và Green Dot chỉ tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, điều này làm hạn chế khả năng phát triển của Apple.
Tuần trước, Apple đã mua lại công ty khởi nghiệp Credit Kudos Ltd. có trụ sở tại Vương quốc Anh, với công nghệ sử dụng dữ liệu ngân hàng để đưa ra quyết định cho vay. Apple chia sẻ họ sẽ khai thác công nghệ tiềm năng này để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình.
Ngoài ra, Táo khuyết dự định sẽ phát triển hệ thống xử lý riêng, thay vì phụ thuộc vào CoreCard. Hệ thống này sẽ có bộ công cụ riêng để tính lãi, tiền hoa hồng, phê duyệt giao dịch, liên hệ và báo cáo dữ liệu lên cục tín dụng, xác thực ứng dụng bằng cách tự đánh giá rủi ro kinh doanh, quy định hạn mức thẻ tín dụng và quản lý lịch sử giao dịch. Theo dự tính, sản phẩm đầu tiên của dịch vụ này sẽ có tên là “Mua trước, trả sau”.
Được biết, Apple sẽ tiếp tục hợp tác với Goldman Sachs để cung cấp dịch vụ trả góp dài hạn hơn, cũng sẽ có số tiền cho vay tối đa cao hơn. Công ty cũng đang xem xét các đối tác bổ sung ngoài Goldman Sachs, để họ đưa ra các kế hoạch cạnh tranh với các mức lãi suất tốt và thời hạn hoàn trả khác nhau.
Một trong những lợi thế lớn của Apple nằm ở nguồn vốn mạnh. Hãng có dự trữ tiền mặt tới hơn 200 tỉ USD, lợi nhuận năm tài chính vừa qua đạt 95 tỉ USD.
Nếu phát triển mảng tài chính, Apple nhiều khả năng chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, và các khoản thanh toán cũng chỉ dừng ở mức thấp khoảng vài trăm USD.
Theo Bloomberg, ngay cả khi các sản phẩm trong tương lai không dựa vào các đối tác như Goldman Sachs, CoreCard và Green Dot, nhưng hiện Apple vẫn chưa thể ngừng hợp tác với những công ty này, đặc biệt là trong các dịch vụ Apple Card hay Apple Cash Card.
Theo Bloomberg