Apple cho biết họ sẽ sử dụng các loại đất hiếm tái chế trong động cơ phản hồi xúc giác 'Taptic Engine,' một bộ phận cho phép iPhone phản hồi rung khi ngón tay người dùng nhấn vào màn hình điện thoại. Bộ phận này chứa ¼ số lượng các nguyên tố đất hiếm bên trong các mẫu iPhone.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố, có vai trò quan trọng trong các ngành công nghệ hiện đại từ iPhone đến động cơ xe điện, động cơ phản lực quân sự, các vệ tinh hay tia laser. Các nguyên tố đất hiếm đang trở thành một điểm nóng trong cục diện thương mại căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng áp lực với các công ty công nghệ Trung Quốc, Bắc Kinh đe dọa sẽ cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm sang Mỹ như một đòn đáp trả lại các lệnh cấm của Hoa Kỳ trong thời gần đây. Hành động này của Trung Quốc tương tự như động thái đã làm với Nhật Bản trong cuộc tranh chấp ngoại giao năm 2000 giữa hai quốc gia.
Lisa Jackson, phó Chủ tịch bộ phận Chính sách, Môi trường và Sáng kiến của Apple cho biết việc sử dụng đất hiếm tái chế của Apple không hề liên quan dến bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ nhưng điều này có thể giúp hãng duy trì ổn định nguồn cung đất hiếm.
“Điều đó vừa đem lại hiệu quả trong kinh doanh vừa góp phần bảo vệ môi trường. Chúng tôi luôn nói với nhau về tầm quan trọng của việc tái chế đất hiếm đối với sự phục hồi chuỗi cung ứng vật liệu công nghệ cao”, ông Jackson Jackson chia sẻ với hãng tin Reuters.
Đối với các thiết bị điện tử tiêu dùng, đất hiếm được sử dụng chủ chủ yếu trong loa và các bộ phận giúp truyền các chuyển động nhỏ. Chính vì các bộ phận này quá nhỏ nên nó khiến việc tái chế trở nên khó khăn và tốn kém hơn.
Ảnh: Investing
|
Hiện tại, Apple đang sử dụng đất hiếm từ một nhà cung cấp nước ngoài, không phải từ nguồn tái chế. Nhà Táo từ chối nêu tên nhà cung cấp mà công ty đang hợp tác.
Jackson cho rằng việc tung ra thị trường hàng chục triệu chiếc iPhone mới mỗi năm giúp dự án tái chế có tiềm năng về mặt kinh tế hơn.
Kyle Wiens, CEO của iFixit, một công ty chuyên sửa chữa và tái sử dụng thiết bị điện tử cho biết động thái lần này của Apple xuất hiện lần đầu tiên trong ngành công nghiệp tái chế.
Nhưng hiện tại, việc tái chế đất hiếm sẽ còn là cả một quá trình dài, bởi thực hiện được điều này không phải là chuyện đơn giản, ông Wiens nói thêm.
Apple luôn đặt mục tiêu sử dụng lại bộ phận từ thiết bị cũ đã qua sử dụng của mình. Táo khuyết cũng cho biết vào hôm thứ Tư rằng nhôm từ vỏ máy được phục hồi thông qua các chương trình đổi máy cũ lấy máy mới sẽ được nấu chảy và chế tạo thành vỏ máy tính xách tay MacBook Air mới. Trước đó, công ty công nghệ Mỹ đã tiết lộ rằng coban thu hồi từ pin iPhone được tháo rời bởi robot tại các phòng thí nghiệm tái chế ở Texas sẽ được đưa vào pin iPhone mới.
Apple đang thử nghiệm các cách để phục hồi đất hiếm từ điện thoại của mình bằng robot, có thể loại bỏ các bộ phận nhỏ và tách chúng vào thùng thu gom nhằm tổng hợp đủ nguyên liệu tái chế. Bên cạnh đó, công ty cũng đang nghiên cứu những cách tái chế truyền thống như cắt nhỏ thiết bị và tách các vật liệu bên trong chúng ra, ông Jackson cho biết.
Theo Reuters