Apple có kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc, trong đó, mảng dịch vụ góp phần quan trọng. Tuy nhiên, đây cũng là trung tâm của những chỉ trích nhằm vào hãng, đẩy họ vào vị trí phức tạp.
Apple đang gặp rắc rối từ các cuộc điều trần chống độc quyền trước quốc hội Mỹ cho đến tranh chấp với các nhà phát triển trên App Store, cũng như cuộc đối đầu với Epic Games vì Fortnite.
Một số chuyên gia nhận định hành động của Apple gần đây rất giống Microsoft hồi giữa thập niên 1990. Những hành vi độc quyền của Microsoft đã dẫn tới cuộc đấu với Bộ Tư pháp Mỹ và ảnh hưởng tới thương hiệu trong gần 10 năm. Tuy nhiên, tạp chí INC nhận định Apple không giống Microsoft. Họ là công ty có giá trị lớn nhất thế giới nhưng không chiếm thị phần áp đảo tại bất kỳ thị trường nào, chỉ có ưu thế tự phát triển thiết bị lẫn phần mềm.
"Apple không trở thành Microsoft. Đáng tiếc là thực tế còn tồi tệ hơn, Apple đang trở thành Facebook", ký giả Jason Aten nói.
Apple có nguy cơ trở thành một Facebook mới. Ảnh: INC.
|
Trong hàng chục năm hoạt động, Apple luôn tập trung vào trải nghiệm người dùng theo cách phần lớn các công ty công nghệ khác khó thực hiện được. Kết quả chính là sự trung thành đặc biệt của người dùng cùng với giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD cho công ty.
Dù vậy, ranh giới được Apple đặt ra nhằm bảo vệ trải nghiệm người dùng đang dần mờ đi. Một trong những ví dụ điển hình là cách họ xử lý khiếu nại của Basecamp khi ứng dụng email Hey của công ty này bị từ chối trên App Store.
Apple cho rằng Basecamp đã lợi dụng thành công của iPhone mà không có đóng góp nào vì Basecamp cho phép người dùng đăng ký thuê bao qua website thay vì trực tiếp bên trong ứng dụng, cản trở Apple thu phí. "Chúng tôi hiểu Basecamp đã phát triển nhiều ứng dụng trên App Store trong suốt nhiều năm và App Store đã phân phối hàng triệu bản ứng dụng cho người dùng iOS. Các ứng dụng này không có tính năng đăng ký thuê bao và không mang lại nguồn thu cho App Store suốt 8 năm qua", Apple cho hay.
Đây là một trong những lý do khiến nhiều người cho rằng Apple đang trở thành Facebook.
"Mark Zuckerberg xứng đáng được ca ngợi. Đứng từ quan điểm lợi nhuận, cách họ kiếm tiền cho thấy tầm nhìn của thiên tài dù không phải ai cũng chấp nhận cách thu lợi nhuận từ dữ liệu cá nhân của người dùng", Aten nói.
Theo INC, vấn đề lớn nhất của Facebook là họ tin mình đang làm điều đúng đắn. Lãnh đạo mạng xã hội này cho rằng hàng loạt vấn đề như cách xử lý quyền riêng tư, phát tán tin giả hay nội dung gây tranh cãi chỉ là sự cố ngoài ý muốn trong nỗ lực kết nối toàn thế giới.
"Zuckerberg nhìn Facebook qua lăng kính mà ông tin tưởng, thay vì cách thế giới đang nhìn vào họ. Do đó, mạng xã hội này không thể áp dụng những thay đổi toàn diện theo cách người ngoài mong muốn. Đó cũng là vấn đề mà Apple phải đối mặt", Aten nhận xét.
Cuộc chiến với Epic Games cũng là một ví dụ cho thấy tình trạng hiện nay của Apple. Họ thu giấy phép nhà phát triển của Epic Games sau khi hãng này từ chối loại bỏ hệ thống mua "in - app" vi phạm quy định App Store. Mọi lùm xùm hoàn toàn bắt nguồn từ Epic Games, nhưng nó cũng cho thấy vấn đề lớn hơn là Apple đang tự coi mình là hình tượng đúng đắn.
"Khi bạn tin mình đang làm điều đúng vì những lý do đúng đắn, bạn phớt lờ khả năng mình đang gây hại cho chính thương hiệu và khách hàng của mình. Apple có thể không sai, nhưng cũng không đúng. Apple đáng lẽ phải thực hiện nguyên tắc làm điều đúng đắn cho khách hàng và trải nghiệm người dùng, chứ không phải những gì họ nghĩ là đúng", Aten nêu quan điểm.
Sự tập trung vào trải nghiệm người dùng khiến Apple xây dựng được cộng đồng fan trung thành, cũng như mang lại nguồn thu khổng lồ cho họ. Sự tập trung vào những gì được cho là đúng đắn khiến Apple đánh mất bản sắc của chính mình và dần trở thành "một Facebook khác".
Theo VnExpress
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu