Người sáng lập Foxconn, Terry Gou, đã đặt ra thuật ngữ G2 để mô tả xu hướng chia rẽ nguồn cung công nghệ như hiện nay. Tháng 8 năm nay, ông đã cho rằng các khu vực, như Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Mỹ, có thể sẽ trở thành một hệ sinh thái sản xuất chuyên dụng mới trong tương lai. Xu hướng hiện được xem là không thể đảo ngược khi các quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Việt Nam, đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và nỗ lực thu hút các nhà sản xuất thông qua chi phí thấp và ít lo lắng về địa chính trị.
"Trong bối cảnh lao động Trung Quốc ngày càng trở nên đắt đỏ và chính sách của Mỹ với nước này vẫn chưa thể đoán trước, các công ty đã sẵn sàng chuyển sản xuất một số mặt hàng ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng đó sẽ tiếp tục được đẩy nhanh khi Việt Nam và Ấn Độ đang dần cải thiện khả năng cạnh tranh", Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, cho biết.
Bên trong nhà máy sản xuất của Foxconn tại Trung Quốc. Ảnh: Cnbc. |
Những hành động thương mại mạnh tay nhắm vào Trung Quốc của ông Trump đã khiến nhiều công ty phải chuyển năng lực sản xuất sang các nước láng giềng, như Việt Nam, Mexico hoặc Ấn Độ, nhằm tránh bị áp thuế trừng phạt và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Mặc dù từng nhiều lần khẳng định sẽ giữ chuỗi sản xuất quy mô lớn tập trung tại Trung Quốc, trong những năm gần đây, Apple cũng không thể đi ngược lại xu hướng tìm kiếm các địa điểm thay thế.
Apple đang có kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất iPhone tại Ấn Độ thông qua đối tác lắp ráp Pegatron. Nhờ các chính sách thu hút của Thủ tướng Narendra Modi, Pegatron cuối cùng đến nước này. Đầu tháng này hãng đã thông báo đang đầu tư 11 tỷ rupee (150 triệu USD) vào đơn vị lắp ráp ở Ấn Độ và sẽ bắt đầu sản xuất sớm nhất vào cuối năm 2021.
Trở lại quê nhà, Apple đã vận động chính phủ Mỹ giảm thuế để hỗ trợ hãng sản xuất chip trong nước. Công ty gia công chip lớn nhất thế giới TSMC cũng đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Arizona. Ngoài Apple, Google của Alphabet đã đặt hàng với Foxconn lắp ráp các thành phần quan trọng cho máy chủ của hãng ở Wisconsin. Quá trình sản xuất hàng loạt dự kiến sẽ được tiến hành trong quý đầu tiên của năm sau. Đầu tháng này, một số lãnh đạo của Pegatron cũng cho biết công ty sẽ thiết lập hoạt động sản xuất tại Mỹ để phục vụ sản xuất cho khách hàng nước này.
Wistron, một trong những nhà sản xuất hợp đồng cho iPhone, đã công bố kế hoạch bổ sung công suất tại Mexico và Đài Loan. Hãng này cũng đã mua một nhà máy của Western Digital ở Malaysia. Tháng ba năm nay, chủ tịch Simon Lin cho biết một nửa công suất của Wistron có thể được đặt bên ngoài Trung Quốc sớm nhất vào năm 2021 và công ty coi Ấn Độ là địa điểm chiến lược quan trọng trong thập kỷ tới do quy mô thị trường và nguồn lực tại đây.
Trong khi đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, Apple cũng đang tăng cường liên kết với các nhà sản xuất địa phương ở Trung Quốc nhằm phục vụ thị trường nội địa. Đầu năm nay, Luxshare của Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận mua lại các cơ sở sản xuất iPhone của Wistron tại nước này, tạo ra công ty đại lục đầu tiên lắp ráp được thiết bị cầm tay của Apple.
Foxconn đã mất 30 năm để xây dựng các hoạt động khổng lồ của mình tại Trung Quốc, do đó Ấn Độ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trong một sớm một chiều sẽ rất khó có thể bắt kịp, ông Liu cho biết.
Việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian, "và Trung Quốc sẽ vẫn là trung tâm sản xuất thiết bị điện tử lớn trong ít nhất 5 năm tới", Wang nói.
Theo VnExpress