Apple đã làm gì để được phép tồn tại ở Trung Quốc?

VietTimes -- Mặc dù luôn khẳng định đặt quyền riêng tư của người dùng lên hàng đầu, nhưng Apple vẫn phải thỏa hiệp với chính phủ Trung Quốc để duy trì hoạt động tại quốc gia tỷ dân.
Ảnh minh họa: AppAdvice
Ảnh minh họa: AppAdvice

Tờ Intercept, dẫn nguồn từ AppleCensonation.com, vừa tiết lộ cách Apple hợp tác với chính phủ Trung Quốc để chặn truy cập tới các nguồn tin tức phương Tây. Đồng thời, nhà sản xuất iPhone cũng tăng cường giám sát ứng dụng, như một nỗ lực để chiều lòng Bắc Kinh.

AppleCensination.com là trang web được tạo bởi tổ chức giám sát quá trình kiểm duyệt Internet tại Đại lục có tên GreatFire.org, cho phép người dùng kiểm tra những ứng dụng mà người dân Trung Quốc có thể truy cập và các ứng dụng bị cấm trên cửa hàng App Store.

Trở lại cuối năm 2017, Apple đã thừa nhận trước các thượng nghị sĩ Mỹ rằng công ty đã xóa khỏi cửa hàng App Store hơn “600 ứng dụng mạng riêng ảo” (VPN), cho phép người dùng vượt qua hệ thống tường lửa của Bắc Kinh. Tuy nhiên, “Nhà Táo” không công bố những ứng dụng hay dịch vụ nào bị gữ bỏ.

Ngoài hàng trăm ứng dụng VPN, Apple cũng đang ngăn người dùng Trung Quốc tải xuống ứng dụng của nhiều hãng tin nổi tiếng, bao gồm tờ New York Times. Bên cạnh đó là các ứng dụng giúp người dùng tránh sự kiểm duyệt như Tor và Psiphon, công cụ tìm kiếm của Google và ứng dung bản đồ Google Earth; cùng một số ứng dụng khác liên quan đến nhân quyền và tự do tín ngưỡng.

Nhà đồng sáng lập tổ chức GreatFire.org, Charlie Smith chia sẻ trên tờ Intercept rằng động lực để ông và các cộng sự tạo ra trang AppleCensination.com là “Apple rất ít minh bạch về những gì bị kiểm duyệt trên cửa hàng ứng dụng [App Store]. Hầu hết các nhà phát triển chỉ được biết về sự kiểm duyệt khi thấy lưu lượng truy cập tại Trung Quốc giảm sút”. Ông Smith khẳng định: “Chúng tôi muốn đem đến sự minh bạch về những gì họ [Apple] đang kiểm duyệt”.

Đáng tiếc, trang web không thể phân biệt giữa những ứng dụng bị gỡ xuống theo yêu cầu của Bắc Kinh và các ứng dụng vi quy định khác, như cấm đánh bạc. Nhưng người dùng vẫn có thể so sánh với hoạt động của ứng dụng tại các thị trường khác.

Trả lời phỏng vấn trên tờ Intercept, phát ngôn viên của Apple từ chối công bố nguyên tắc đánh giá ứng dụng trên App Store nhưng nêu rõ: “Ứng dụng trên cửa hàng phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý tại bất kỳ nơi nào chúng được cung cấp”. Apple cho biết đang lên kế hoạch phát hành thông tin về việc xóa ứng dụng khỏi cửa hàng theo yêu cầu của chính phủ.

Ông Tim Cook phát biểu trong một cuộc họp báo tại Trung Quốc vào năm 2017. Ảnh: Reuters
Ông Tim Cook phát biểu trong một cuộc họp báo tại Trung Quốc vào năm 2017. Ảnh: Reuters

Là một thị trường khổng lồ, với 800 triệu người dùng Internet, các công ty nước ngoài thường xuyên phải nhượng bộ nếu muốn tồn tại ở Đại lục. Ví dụ, Apple hiện đang hợp tác cùng công ty China Telecom, theo luật nội địa hóa dữ liệu, để lưu trữ và giúp Bắc Kinh kiểm soát dữ liệu của người dùng Trung Quốc.

Apple tuyên bố rằng công ty vẫn đang giữ quyền kiểm soát với một số dữ liệu mã hóa quan trọng như ảnh và thông tin cá nhân. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Intercept, việc bàn giao dịch vụ iCloud Trung Quốc cho một công ty địa phương, mà không có biện pháp bảo vệ đầy đủ, cho phép chính quyền Trung Quốc truy cập tất cả dữ liệu khách hàng của Apple tại đây. Nghiêm trọng hơn, Apple nhận thức được rủi ro này nhưng không hề cảnh báo cho người dùng.

CEO Apple, Tim Cook luôn khẳng định tôn chỉ đầu tiên của công ty là bảo vệ quyền tự do của người dùng. Trong bài phát biểu hồi tháng 10.2019, ông Cook tuyên bố: “Tại Apple, chúng tôi tin rằng quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người”. Tuy nhiên, công ty vẫn thỏa hiệp để giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi công dân và giúp trấn áp tổ chức nước ngoài.

Ông Tim Cook từng giải thích trong bài phát biểu vào năm 2017: “Rõ ràng chúng tôi sẽ không gỡ bỏ ứng dụng”. Ông Cook nói thêm: “Nhưng giống như ở các quốc gia khác, chúng tôi tuân thủ luật pháp ở nơi kinh doanh… Chúng tôi hy vọng rằng, theo thời gian, những hạn chế mà chúng tôi phải đối mặt sẽ giảm đi. Bởi vì đổi mới cần sự tự do giao  lưu và hợp tác”.

Theo The Intercept