Hơn 10 tập đoàn đa quốc gia của Mỹ lên tiếng quan ngại trong cuộc họp qua điện thoại với các quan chức Nhà Trắng hôm 11/8 về kế hoạch cấm WeChat của chính quyền Donald Trump. Theo nguồn tin của Thời báo Phố Wall, Apple, Ford, Walmart và Walt Disney là vài cái tên tiêu biểu tham gia.
Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng kinh tế Mỹ Trung, cho rằng với những người không sống ở Trung Quốc, họ không thể hiểu được hậu quả nếu doanh nghiệp Mỹ không được phép sử dụng WeChat. Đây sẽ là thiệt hại nghiêm trọng với tất cả. Hội đồng kinh tế Mỹ Trung, Phòng Thương mại Mỹ và Hiệp hội Business Roundtable đã tổ chức cuộc họp này.
WeChat đang được hơn 1,2 tỷ người dùng toàn cầu sử dụng và phổ cập tại Trung Quốc, nơi người dân, doanh nghiệp và chính phủ đều dùng nó để thanh toán di động, nhắn tin, thương mại điện tử… Với họ, WeChat không phải một ứng dụng, nó chính là một hệ điều hành. Khi nhấc điện thoại lên, họ sẽ ngay lập tức mở WeChat. Còn với bất kỳ ai đang kinh doanh tại Trung Quốc, kể cả doanh nghiệp Mỹ, đây cũng là kênh tiếp thị cần thiết để kết nối với khách hàng.
Nguồn tin của Thời báo Phố Wall tiết lộ, những người tham gia muốn làm rõ ngữ nghĩa trong sắc lệnh hành pháp mà ông Trump ký tuần trước. Sắc lệnh cấm “bất kỳ giao dịch nào liên quan tới WeChat” của người Mỹ nhưng không có nhiều thông tin đi kèm. Các công ty hi vọng chính quyền Mỹ có thể thu hẹp quy mô lệnh cấm một khi nó được thi hành trong vài tuần nữa.
Khi thông báo lệnh cấm WeChat, chính quyền Trump cho rằng WeChat thu được lượng thông tin khổng lồ từ người dùng, có khả năng làm lộ thông tin cá nhân của người Mỹ và người Trung Quốc sống tại Mỹ để khai thác. Ông Trump cũng ký sắc lệnh hành pháp nhằm vào TikTok, ứng dụng video ngắn của ByteDance.
John Lo, Giám đốc Tài chính Tencent, công ty mẹ WeChat, tin rằng lệnh cấm của Mỹ chỉ áp dụng với phiên bản quốc tế của WeChat, không phải phiên bản nội địa. Ngay cả như vậy, doanh nghiệp Mỹ vẫn lo ngại hành động của chính phủ sẽ ngăn cản họ tiếp cận thị trường Trung Quốc béo bở thông qua các biện pháp như cấm họ chấp nhận thanh toán hay quảng cáo trên WeChat.
Apple nằm trong số các hãng có nguy cơ cao nhất. Nếu buộc phải gỡ WeChat khỏi kho ứng dụng, đây sẽ là một thảm họa. Nhà phân tích Ming Chi Kuo mới đây dự đoán doanh số iPhone toàn cầu có thể giảm tới 30% nếu lệnh cấm có hiệu lực.
Một khảo sát trên mạng xã hội Weibo vừa được tổ chức, đề nghị người dùng chọn giữa WeChat và iPhone. Cho đến nay, đã có hơn 1,2 triệu người tham gia và gần 95% cho biết sẽ từ bỏ điện thoại của mình. Sky Ding, một người làm trong lĩnh vực fintech tại Hồng Kông, nhận xét lệnh cấm sẽ buộc nhiều người dùng Trung Quốc chuyển từ Apple sang thương hiệu khác vì WeChat thực sự quan trọng với họ, kể cả những người trung thành với "nhà Táo" nhất. Trong khi đó, công dân Hồng Kông khác là Kenny Ou, nói rằng lệnh cấm WeChat về cơ bản biến iPhone thành “rác điện tử” đắt tiền.
Hiện tại, Bắc Kinh chưa lên tiếng về việc trả đũa lệnh cấm của Mỹ mà chỉ dừng lại ở phản ứng giận dữ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Washington đang “thao túng và đàn áp chính trị” khi muốn cấm TikTok và WeChat.
Khi căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế mạnh nhất leo thang, ngày càng nhiều công ty bị mắc kẹt giữa hai làn đạn. Theo khảo sát của Hội đồng kinh tế Mỹ Trung, 86% trong hơn 100 doanh nghiệp thành viên báo cáo chiến tranh thương mại giữa hai nước đã khiến họ giảm doanh thu hoặc ảnh hưởng đến việc kinh doanh tại Trung Quốc. “Chúng tôi bị loại khỏi một số giao dịch vì là công ty Mỹ”, một thành viên cho biết.