Sức ảnh hưởng càng lớn, chúng ta càng có thể bảo vệ mình trước người khổng lồ phương Bắc – Phân tích của ông David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Bài 1: Bắc Kinh đẩy mạnh “ngoại giao chiến lang“ hậu COVID-19
PV: Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở được Chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra nhằm thay thế chiến lược tái cân bằng của chính quyền ông Obama được xem như một nỗ lực quan trọng nhằm kiềm chế Trung Quốc. Liệu chiến lược này có gì thay đổi sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 này?
Ông David Shear: Như tôi đã từng phân tích, hiện giờ ở Washington có một quan điểm đồng thuận mang tính lưỡng đảng rằng Trung Quốc, với tham vọng và chính sách cứng rắn của ông Tập Cận Bình, đã ngày càng bộc lộ rõ rang rằng họ là một đối thủ của Mỹ.
Bởi vậy, Mỹ buộc phải đối mặt với thực tế này.
Chúng ta đều thấy khá rõ trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, khu vực Đông Nam Á có một vị trí quan trọng. Việc tăng cường hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh và các đối tác trong khu vực có vai trò chủ chốt trong việc duy trì ổn định ở khu vực.
Do đó, dù ai sẽ đắc cử, ông Trump hay ông Biden, thì chúng ta đều có thể trông đợi Mỹ sẽ ngày càng chú trọng đến hợp tác với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, nhằm đảm bảo một Đông Nam Á “thịnh vượng, độc lập và vững mạnh”.
Đây là một cụm từ được sử dụng thường xuyên dưới thời ông Obama nhằm mô tả mối quan hệ với Việt Nam. Chính quyền của ông Trump sẽ tiếp tục sử dụng cụm từ này và tôi hi vọng đó cũng sẽ là một nhân tố trung tâm trong cách mà Mỹ mô tả mối quan hệ với Việt Nam nếu ông Biden lên cầm quyền.
Điểm khác biệt, nếu ông Biden trúng cử, có lẽ là chính quyền của ông sẽ phát triển quan hệ với Việt Nam hiệu quả hơn và ít nhấn mạnh hơn vào vấn đề mất cân đối thương mại như chính quyền hiện tại.
PV: Liên quan đến trụ cột kinh tế - thương mại, TPP từng được xem như một điểm sáng trong nỗ lực dịch chuyển cán cân thương mại trong khu vực từ Trung Quốc sang Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP. Liệu trong tương lai sẽ có một hiệp định thương mại nào để thay thế TPP hay không, trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ trong trật tự kinh tế toàn cầu?
Ông David Shear: TPP là một chiến lược sáng suốt nhằm tập hợp Mỹ và các đối tác thương mại lớn nhất, bao gồm các nước Đông Nam Á, trong một cấu trúc được thiết kế nhằm gây áp lực để Trung Quốc phải tuân thủ các luật chơi quốc tế nếu họ muốn giao thương tự do với các nước TPP.
Rất tiếc là vì những nguyên nhân chính trị nội bộ của Mỹ, TPP đã bị rút lại.
Do đó, động cơ và lợi ích để thiết kế một chiến lược tương tự như TPP về mặt mục tiêu vẫn còn đó nếu ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ. Nhưng chiến lược đó sẽ không giống với TPP vì những vấn đề liên quan đến chính trị nội bộ, do quan điểm nhìn nhận khá phức tạp về tự do thương mại ở Mỹ hiện nay, khi nhiều chính khách và cử tri cho rằng toàn cầu hóa và tự do thương mại khiến các nhà máy bị đóng cửa và người dân Mỹ mất việc làm.
Do đó, tôi nghĩ chính quyền mới sẽ phải tìm kiếm một cách thức gắn kết với các đồng minh ở Châu Á – Thái Bình Dương. Do vậy, việc thiết kế một cấu trúc nhằm kiềm chế Trung Quốc trên một mặt trận thống nhất sẽ là một phần quan trọng của một chính quyền Biden nếu ông này đắc cử.
Ông David Shear, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.
|
PV: Như ông vừa nói, Đông Nam Á có vị trí quan trọng trong chiến lược châu Á của Mỹ. Cụ thể là trong tương lai Mỹ sẽ thúc đẩy quan hệ với những nước nào ở khu vực này, theo ông?
Ông David Shear: Như tôi vừa nói, chắc chắn là Mỹ sẽ xích lại gần hơn nữa với Việt Nam. Tất cả những gì chúng ta được chứng kiến trong quá khứ qua các đời chính quyền đều cho thấy đây là xu thế không gì đảo ngược được.
Mối quan hệ của Mỹ với Philippines thì phức tạp hơn. Đó là một quan hệ khá thất thường và nhiều thăng trầm.
Chúng ta đã thấy sự dao động gần đây trong quan hệ với Philippines, mà đỉnh điểm là việc Tổng thống Duterte tuyên bố hủy bỏ và rút khỏi Thỏa thuận các Lực lượng viếng thăm, một khuôn khổ pháp lý cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này và là thành tố chính trong mối quan hệ quân sự giữa hai nước.
Mối quan hệ này sẽ tiếp tục thăng trầm trong tương lai. Nhưng về tổng thể, tôi tin rằng Philippines hiểu rằng lợi ích của họ nằm ở đâu, đặc biệt là với một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, thậm chí hung hăng hơn khi đẩy mạnh chiến lược "ngoại giao chiến lang” trên khắp khu vực.
Mỹ và Indonesia chắc chắn có mối quan hệ vững mạnh. Gần đây, Indonesia là đối tượng bị Trung Quốc bắt nạt ở Biển Đông. Rõ ràng, họ hiểu được việc Mỹ can dự tích cực hơn ở khu vực sẽ tốt cho họ, nhất là khi các cuộc đụng độ với Trung Quốc ngày càng tăng.
Với Thái Lan, đây là một đồng minh lâu đời của Mỹ. Quan hệ đồng minh này có thể bị phai nhạt ít nhiều bởi Trung Quốc đang ra sức mở rộng ảnh hưởng ở Thái Lan. Tuy nhiên, quan hệ đồng minh với Mỹ được giới tinh hoa Thái ủng hộ.
Tôi cho rằng, thách thức đối với Mỹ chủ yếu sẽ là liệu các nhà lãnh đạo cấp cao ở Washington DC có dành mối quan tâm xứng đáng cho khu vực này để Đông Nam Á tiếp tục thịnh vượng, vững mạnh và độc lập hay không.
Hạm đội Mỹ thường xuyên hiện diện trên Biển Đông.
|
PV: Vậy theo ông Việt Nam cần phải làm gì để tranh thủ tối đa những lợi ích mang lại trong mối quan hệ với hai người khổng lồ này?
Ông David Shear: Tôi nghĩ Việt Nam có thể hưởng lợi theo hai cách.
Thứ nhất là về mặt ngoại giao, quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển trong bối cảnh Mỹ - Trung cạnh tranh ảnh hưởng sẽ đem lại cho Việt Nam những lợi thế nhất định khi đàm phán với Trung Quốc trên nhiều phương diện.
Mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Mỹ và các nước trong khu vực sẽ giúp tạo ảnh hưởng lên mối quan hệ của các nước này với Trung Quốc. Sức ảnh hưởng càng lớn, chúng ta càng có thể bảo vệ mình trước người khổng lồ phương Bắc.
Thứ hai là về mặt lợi ích kinh tế, Việt Nam có thể là điểm đến của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc của các công ty Mỹ. Xu hướng này đã bắt đầu khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ và được đẩy mạnh khi khủng hoảng Covid-19 xảy ra. Chúng ta có thể nhìn thấy kết quả của việc này khi xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng 28% trong 5 tháng đầu năm.
Việt Nam không những có thể giành thắng lợi bởi sự thay đổi trong chuỗi cung ứng, đặc biệt khi chuỗi sản xuất dần rời khỏi Trung Quốc, mà còn là ứng cử viên sáng giá của đầu tư GI (greenfield investments), một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó công ty mẹ lập ra một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng các hoạt động của mình ngay từ đầu.
Việt Nam đã bắt đầu thấy rõ sự gia tăng trong hình thức đầu tư FDI, và các hợp đồng thuê nhà máy hoặc xưởng sản xuất. Khả năng sản xuất cũng tăng nhanh, với các khu công nghiệp dần dần được xây dựng ngày một nhiều.
Tất nhiên, các quốc gia đều rất thận trọng khi dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, một phần vì Trung Quốc có lực lượng lao động co tay nghề cao, một phần vì chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đã được xây dựng rất hiệu quả và dày đặc, đặc biệt ở đồng bằng sông Châu Giang. Sự thay đổi trong chuỗi cung ứng này sẽ không xảy ra ngay lập tức mà sẽ là một hiện tượng mang tính lâu dài.
Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy sự thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và năng lực quản trị tốt không chỉ ở trung ương mà còn ở cấp địa phương. Tôi xin chúc mừng những người bạn Việt Nam của tôi vì đã xử lý khủng hoảng một cách hiệu quả, và vì các bạn đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam một cách dễ dàng và thuận lợi hơn./.