Hàng nghìn người dân Iraq quay trở lại đường phố ở thủ đô Baghdad và trên toàn miền nam trong hai ngày qua, bất chấp lệnh giới nghiêm và bạo lực đã khiến hơn 60 người chết.
Sadr đã mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Iraq từ chức và phải sớm tổ chức bầu cử quốc hội.
Nghị sĩ Badr al-Zayadi nói rằng những người này đã bắt đầu một cuộc biểu tình vô thời hạn đòi thay đổi chế độ cho đến khi chính phủ ban hành tất cả các cải cách mà người dân Iraq yêu cầu. Họ cũng đã gửi “yêu cầu chính thức” tới Tổng thống Iraq, người mà theo Hiến pháp có thể yêu cầu Quốc hội bãi nhiệm Thủ tướng.
Động thái này khiến Thủ tướng Abdel Mahdi chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết vì Saeroon là một trong hai đảng ủng hộ chính cho chính phủ của ông.
Ông đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình không ngừng, bất chấp những nỗ lực ở Baghdad và trên toàn miền nam để trấn áp họ.
Mới đây, để giải tán đám đông biểu tình, lực lượng an ninh đã sử dụng hơi cay dẫn đến làn sóng phẫn nộ ở Baghdad. Trong khi đó, ở phía nam, các cuộc biểu tình vẫn đang tiếp tục ở Diwaniyah, Nasiriyah, Babylon và Najaf.
Những ngày gần đây, các cuộc biểu tình trở nên nguy hiểm hơn khi những người tham gia biểu tình tấn công hàng chục tòa nhà và văn phòng chính phủ cũng như trụ sở của Lực lượng Hashed al-Shaabi.
Theo Ủy ban Nhân quyền Iraq, các cuộc biểu tình bạo động mới đây đã khiến hơn 2.000 người bị thương và 63 người thiệt mạng, đẩy số người chết trong tháng này lên 220 chỉ sau hai ngày.
Các chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Hashed al-Shaabi đã đe dọa trả thù sau khi trụ sở bị tấn công, và lên án kịch liệt những người mà họ nói là có mục đích gieo rắc "bất hòa và hỗn loạn" trong nước.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, dù Iraq là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của OPEC nhưng có tới 1/5 dân số sống dưới mức nghèo khổ và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên ở mức 25%. Khoảng 60 phần trăm trong tổng số 40 triệu dân của Iraq ở độ tuổi dưới 25.
Tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động cùng tình trạng tham nhũng là nguồn cơn của sự tức giận dẫn đến các cuộc biểu tình mà chính phủ đang cố gắng dập tắt. Thủ tướng Abdel Mahdi đã đưa ra cả một danh sách dài những việc cần làm, bao gồm giải quyết việc làm, tăng lương hưu và cải tổ bộ máy.
Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Y tế mới đã được quốc hội phê chuẩn vào đầu tháng này, sự thay đổi duy nhất được thực hiện kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.
Thế nhưng, một cuộc họp Quốc hội dự kiến vào ngày 26/10 để thảo luận về các cuộc biểu tình mới nhất đã không diễn ra do thiếu một đại biểu.
Cho đến nay, những người biểu tình dường như vẫn chưa vừa ý trước những nỗ lực của chính phủ.
Một số người biểu tình thậm chí đã hướng sự giận dữ của họ đến Sadr và giáo sĩ Shi'ite hàng đầu của Iraq, Grand Ayatollah Ali al-Sistan vốn được hầu hết người Iraq hết sức kính trọng.
Theo AFP