Người khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Huawei đang đối mặt với nghi ngờ tại nhiều quốc gia cho rằng công ty tích hợp "cửa hậu", cho phép chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu và theo dõi các quốc gia khác.
Trong 5 nước thành viên của tổ chức tình báo tín hiệu Five Eyes, Australia, New Zealand và Mỹ đã cấm Huawei tham gia triển khai mạng băng thông rộng thế hệ thứ 5, hay 5G. Bên cạnh đó, Canada cũng đang cân nhắc việc sử dụng thiết bị do Trung Quốc sản xuất.
Tại Anh, hầu hết các nhà mạng lớn như Vodafone, Everything Everywhere (EE – công ty thuộc sở hữu của tập đoàn BT Group) hay Threee đã hợp tác với Huawei để thí điểm mạng viễn thông 5G. Tất cả đang chờ đợi quyết định của chính phủ Anh, hạn chót là khoảng tháng 3 hoặc tháng 4, để biết liệu họ có thể sử dụng công nghệ của Huawei hay không.
Thị phần toàn cầu của Huawei nhanh chóng mở rộng kể từ năm 2009. Ảnh: BBC
|
Theo báo cáo của tờ Financial Times, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh, trực thuộc Trụ sở Truyền thông Chính phủ (GCHQ) sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá khả năng bảo mật trên thiết bị Huawei.
Mặc dù chưa ban hành quyết định chính thức, nhưng người phát ngôn của cơ quan an ninh mạng Anh cho biết: “Trung tâm An ninh mạng Quốc gia cam kết bảo mật mạng lưới của Vương quốc Anh, và chúng tôi có một sự giám sát và hiểu biết độc đáo về kỹ thuật và an ninh mạng của Huawei”.
Phát ngôn viên Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh nói thêm: “Như hội đồng giám sát của Trung tâm Đánh giá An ninh mạng Huawei (HCSEC) đã làm rõ hồi tháng 7, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia vẫn quan ngại về khả năng bảo mật và kỹ thuật của Huawei. Chúng tôi đã đặt ra những cải tiến và mong đợi Huawei sẽ thực hiện”.
Trả lời phỏng vấn của BBC, Giám đốc an ninh mạng Huawei John Suffolk tuyên bố: “Chúng tôi [Huawei] có lẽ là tổ chức công khai và minh bạch nhất thế giới. Và chúng tôi có lẽ cũng là tổ chức bị ‘chọc ghẹo’ nhiều nhất”.
Ông John Suffolk từng giữ chức Giám đốc thông tin của Anh Quốc trong vòng 7 năm. Ảnh: Huawei |
Cựu Giám đốc thông tin John Suffolk nói: “Chúng tôi không nói rằng ‘hãy tin chúng tôi’ mà chúng tôi nói ‘hãy tự mình kiểm tra’. Nếu nghi ngờ thì hãy đến và tự kiểm chứng”. Ông Suffolk nói thêm: “Sẽ ngày càng có nhiều người tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm vào thiết bị Huawei. Họ có thể tự đảm bảo mà không cần lắng nghe những gì Huawei nói”.
Mối quan ngại của các nước phương Tây đối với thiết bị Huawei đã leo thang, kể từ khi Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran vào cuối năm 2018. Bà Châu là con giá của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, cựu kỹ sư quân đội Trung Quốc và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1979.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 16.2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết Huawei đặt ra mối đe dọa vì Luật Tình báo quốc gia được Bắc Kinh thông qua năm 2017. Bộ luật yêu cầu các tổ chức “hỗ trợ nhà nước trong công tác tình báo”.
Cũng tại đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố Liên minh đang quan tâm đến vụ việc của Huawei và “nghiêm túc” yêu cầu một số đồng minh hành động phối hợp.
Theo BBC và The Guardian