Vào ngày 18/10, Xiaomi đã bất ngờ ra mắt chiếc bàn phím cơ đầu tiên của mình, mở ra hy vọng về việc hãng này sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường linh kiện máy tính. Kể từ đó đến nay đã tròn 4 tháng, và trong khoảng thời gian này, mặc dù Xiaomi đã ra mắt khá nhiều sản phẩm liên quan đến PC khác như chuột Mi Mouse hay laptop Mi Notebook Air phiên bản mới, nhưng chiếc bàn phím cơ vẫn "bặt vô âm tín". Chúng tôi đã liên hệ với nhiều cửa hàng kinh doanh các sản phẩm Xiaomi trên địa bàn Hà Nội, nhưng câu trả lời chung luôn là "không có hàng", với lý do có lẽ là vì nguồn cung quá khan hiếm.
Phải đến ngày hôm nay, tức là sau 4 tháng ra mắt, chiếc bàn phím cơ Xiaomi đầu tiên mới có mặt tại Hà Nội. Chúng ta hãy cùng xem chiếc bàn phím này có gì đặc biệt, và liệu nó có xứng đáng với thời gian chờ đợi mòn mỏi của không chỉ tôi, mà còn là rất nhiều những Mi Fan khác hay không.
Thông tin kỹ thuật bàn phím cơ Xiaomi
- Layout: Tenkeyless (TKL) - 87 phím
- Kích thước: 358mm x 128mm x 31.6mm
- Trọng lượng: 940g
- Switch: TTC Red
- Keycap: Nhựa ABS
- Kết nối: Dây có thể tháo rời, cổng microUSB
- Đèn nền: Có, màu trắng, 6 mức độ sáng
- Tính năng đặc biệt: Khóa phím Windows
Hộp của bàn phím cơ Xiaomi với hình ảnh chiếc bàn phím ở mặt trước
Ở mặt sau là một số thông tin. Chiếc bàn phím này được sản xuất tháng 12/2016 và tương thích với Windows 10.
Mở hộp sản phẩm
Phụ kiện đi kèm gồm dây cáp microUSB (có độ dài khoảng 1.5m), nắp đậy bằng nhựa mỏng và giấy HDSD
Đây là nhân vật chính của chúng ta - chiếc bàn phím cơ Xiaomi. Nó có layout TKL (tenkeyless) với 87 phím
Mặt đáy của chiếc bàn phím này được làm bằng nhôm
Chân chống giúp tạo độ nghiêng cho bàn phím
Một số thông tin về mã hiệu, điện áp và số serial được khắc laser
Ở mặt sau là cổng microUSB để kết nối bàn phím với máy tính
Một điều mà tôi nhận ra ngay khi nhìn thấy chiếc bàn phím này, đó là các ký tự trên keycap rất giống với các bàn phím cơ giá rẻ khác từ Trung Quốc như Lingyi hay E-element:
Mỗi người có một quan điểm khác nhau về vẻ đẹp, nhưng cá nhân tôi thấy font chữ này rất xấu
Keycap được làm bằng nhựa ABS
Bàn phím cơ Xiaomi sử dụng Red switch đến từ nhà sản xuất TTC. Đây là một nhà sản xuất đến từ Trung Quốc, chuyên làm switch cho các bàn phím cơ giá rẻ. Theo Xiaomi, switch này có độ bền lên đến 20 triệu lần bấm
Bàn phím này được tích hợp đèn nền với 6 mức độ sáng khác nhau
Hệ thống đèn nền này chỉ có duy nhất một màu là trắng
Đèn LED nhỏ dưới keycap
Trên chiếc bàn phím này, có ba phím được "ưu ái" trang bị cả LED đỏ là phím Windows, Caps Lock và Scroll Lock. Khi bật Caps Lock/Scroll Lock, hai phím này sẽ phát ánh sáng đỏ
Còn với phím Windows, nó sẽ phát ánh sáng đỏ khi chế độ khóa phím Windows được kích hoạt (để tránh bị thoát khỏi game).Do thời gian còn hạn chế, chúng tôi xin phép chưa được đưa ra những đánh giá về chiếc bàn phím này để có những trải nghiệm kỹ hơn. Tuy nhiên theo một số cảm quan ban đầu, với việc sử dụng switch đến từ nhà sản xuất TTC không thật sự danh tiếng, kèm theo keycap với font chữ mà những người từng chơi bàn phím cơ Trung Quốc giá rẻ (Lingyi, E-element...) đã cảm thấy quen thuộc, thì nhiều khả năng chiếc bàn phím này chỉ là một sản phẩm được Xiaomi đặt hàng một đơn vị khác tại Trung Quốc sản xuất theo yêu cầu.
Một chiếc bàn phím cơ do E-Element sản xuất - một công ty khác đến từ Trung Quốc.
Thực tế, việc được sản xuất bởi các đơn vị Trung Quốc cũng không phải điều xấu, vì đó là cách duy nhất để chiếc bàn phím này đạt được mức giá rất hấp dẫn là 299 NDT (1 triệu đồng, giá tại Việt Nam hiện nay là 1,19 triệu đồng). Vấn đề ở đây là khi so sánh trực tiếp với những chiếc bàn phím cơ Trung Quốc khác như Lingyi, E-Element hay Fuhlen với mức giá trên thị trường dao động trong khoảng 500-800 nghìn đồng, chiếc bàn phím này thật sự không mang lại một giá trị nào vượt bậc và vẫn chưa để lại nhiều ấn tượng trong tôi.
Thế nhưng, tất cả những điều trên mới chỉ là suy đoán. Chất lượng thật sự của bàn phím cơ Xiaomi thế nào, liệu có đáng mua hay không, xin được hẹn gặp lại các bạn trong bài đánh giá chi tiết.
Theo Tri thức trẻ