Ngày 13/7, hãng tin Bloomberg đưa tin Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang cân nhắc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo. Động thái của Ấn Độ có thể làm giá gạo trên thị trường quốc tế vốn đã cao lại tiếp tục tăng thêm. Hiện nay, do đang bị ảnh hưởng bởi El Nino, giá gạo ở châu Á đang ở mức cao nhất trong hai năm rưỡi qua.
Theo các cơ quan truyền thông Ấn Độ trích dẫn các nguồn giấu tên thông thạo với vấn đề này tiết lộ, Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải Basmati (giống gạo thơm, hạt dài, chất lượng cao của Ấn Độ) bởi chính quyền Ấn Độ muốn tránh nguy cơ lạm phát gia tăng trước cuộc tổng tuyển cử.
Nếu lệnh cấm nêu trên được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Động thái của chính phủ Ấn Độ có thể làm giảm giá gạo trong nước, nhưng có thể dẫn đến giá gạo toàn cầu cao hơn nữa.
Bị ảnh hưởng bởi tin tức về lệnh cấm, vào thứ Năm (13/7) theo giờ địa phương, cổ phiếu của các doanh nghiệp lĩnh vực chế biến gạo trên thị trường chứng khoán Ấn Độ đã bị sụt giảm mạnh. Trong số đó, cổ phiếu của KRBL Ltd., nhà xuất khẩu lớn nhất Ấn Độ, đã giảm gần 4% và cổ phiếu của LT Foods Ltd. giảm 4,4%.
Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, trong đó các nước châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Ấn Độ chiếm khoảng 40% lượng gạo thương mại toàn cầu. Ấn Độ hiện cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia trên thế giới; trong đó Benin, Trung Quốc, Senegal, Côte d'Ivoire và Togo là những khách hàng lớn nhất. Nếu Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo, điều này có thể cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bùng phát trở lại.
Ngày 12/7, LHQ đã công bố báo cáo "Tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới", trong đó chỉ ra rằng năm 2019 có 7,9% dân số toàn cầu phải đối mặt với nạn đói kinh niên, và năm 2022 tỷ lệ này sẽ tăng lên 9,2 %, tương đương 122 triệu người bị đói.
Điều đáng nói, Ấn Độ là nước sản xuất gạo lớn thứ hai và xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, xuất khẩu gạo của nước này chiếm gần 40% khối lượng thương mại gạo toàn cầu. Năm 2022, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát khiến giá các mặt hàng chủ lực như lúa mì và ngô tăng vọt, quốc gia Nam Á này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp mức thuế cao 20% đối với gạo trắng và gạo lứt, đồng thời hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ nếu được ban hành sẽ làm giảm giá gạo trong nước, nhưng có thể đẩy giá gạo trên toàn cầu lên cao. Giá gạo ở châu Á đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm do lo ngại rằng El Nino gây thiệt hại cho mùa màng. Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, tính đến ngày 7/7, lượng mưa của Ấn Độ đã giảm 8% so với trước đây và diện tích gieo cấy lúa mùa giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm, loại chuẩn của khu vực, đã tăng khoảng 15% lên 535 USD/tấn trong 4 tháng qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2021.
Các nhà nhập khẩu đã bắt đầu ra tay tăng cường lượng hàng dự trữ tồn kho. Việt Nam dự kiến lượng gạo xuất khẩu trong năm nay sẽ tăng lên mức cao nhất trong khoảng 10 năm qua, với lượng gạo xuất khẩu sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia sẽ tăng mạnh.
Theo Bộ Lương thực Ấn Độ, giá gạo bán lẻ ở New Delhi đã tăng khoảng 15% trong năm nay, trong khi mức giá gạo trung bình trên cả nước đã tăng 8%. Giá lương thực tiếp tục cao có thể châm ngòi cho sự tức giận của công chúng trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2024. Trên thực tế, Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với thách thức về giá lương thực tăng cao, do đợt nắng nóng khắc nghiệt và mùa mưa, sản lượng cà chua ở nước này sụt giảm mạnh và giá đã tăng hơn 400% trong năm nay.
Trước đó, ngày 13/7, Ấn Độ đã công bố số liệu lạm phát của tháng 6. Chỉ số CPI tháng 6 của Ấn Độ tăng 4,81% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 4,58% của thị trường và mức 4,25% tháng 5, chấm dứt xu hướng giảm 4 tháng liên tiếp. Giá thực phẩm như rau và đậu tăng vọt đã thúc đẩy lạm phát ở Ấn Độ tăng cao.
Số liệu lạm phát của Ấn Độ đã khiến Phố Wall nâng dự báo về tỷ lệ lạm phát của nước này trong năm nay, nhấn mạnh dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để chuyển hướng cắt giảm lãi suất. Một số nhà kinh tế thậm chí còn cho rằng Ngân hàng trung ương Ấn Độ hầu như bất lực trong việc quản lý nguồn cung lương thực.
El Nino đang làm trầm trọng thêm mối đe dọa do biến đổi khí hậu và các đợt nắng nóng cực độ vẫn đang lan rộng khắp thế giới, trong đó 10 ngày nóng nhất được ghi nhận trong tháng 7.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết hiện tượng El Nino xuất hiện lần đầu tiên ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương trong 7 năm qua có thể dẫn đến thời tiết khô hạn ở Đông Nam Á. Trong khi những cơn mưa gió mùa mang lại sự cứu vãn cho các cánh đồng lúa ở một số vùng của Ấn Độ, thì thời tiết khô hạn đang đe dọa mùa màng ở Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai, nơi dự kiến sẽ phải đối mặt với hạn hán trên diện rộng bắt đầu từ đầu năm 2024.
Ngoài Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và các nước châu Á khác cũng thường xuyên phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt, có thể ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Theo giới chức Thái Lan, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa trong mùa mưa năm nay của nước này có thể giảm trung bình 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Sohu, Stcn