Được gọi là Aditya-L1, tàu vũ trụ nặng hơn 3.264 pound (1.480 kg), được phóng từ sân bay vũ trụ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota Nam Ấn Độ bằng phương tiện vận phóng vệ tinh quỹ đạo cực, cao 44,4 mét (PSLV-XL), vào thời gian theo kế hoạch là 11:50 sáng giờ địa phương thời gian ngày 2/9.
Tàu vũ trụ sẽ bay trên quãng đường 932.000 dặm (1,5 triệu km) trong khoảng thời gian 125 ngày (hơn bốn tháng) để đến đích: quỹ đạo quầng sáng (halo orbit) quay quanh một trong 5 điểm Lagrange (điểm cân bằng lực hút của các vật thể vũ trụ), nằm giữa Mặt trời và Trái đất, cho phép tàu vũ trụ theo dõi những hoạt động của Mặt trời liên tục mà không cần bất kỳ sự kiện các vật thể vũ trụ che khuất ánh sáng mặt trời và nhật thực.
Cơ quan vũ trụ Ấn Độ, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã lắp đặt 7 thiết bị nghiên cứu trên tàu vũ trụ Aditya-L1, 4 thiết bị viễn thám và 3 thiết bị cho các thí nghiệm trên tàu. Các thiết bị trên tàu bao gồm Thiết bị Đường phát xạ nhìn thấy được (VELC), kính thiên văn chụp ảnh tia cực tím mặt trời, máy quang phổ tia X, máy phân tích hạt gió mặt trời, gói thiết bị phân tích plasma và từ kế kỹ thuật số độ phân giải cao ba trục. Những thiết bị này được trang bị để quan sát và thu thập dữ liệu trên bề mặt mặt trời. Mục đích tổng thể của sứ mệnh, có tên mã PSLV-C57 là quan sát những hoạt động của mặt trời, ảnh hưởng của những hoạt động này đến thời tiết không gian trong thời gian thực.
VELC, thiết bị chính trong tàu vũ trụ Aditya-L1, được thiết kế là vành phản xạ che khuất bên trong để quan sát không gian với dải bước sóng rộng và gần với rìa Mặt trời.
Sau hơn một giờ cất cánh, PSLV đã đưa tàu vũ trụ Aditya-L1 vào quỹ đạo quanh Trái đất hình elip có kích thước 146×12.117 dặm. Đây là lần đầu tiên tầng trên của phương tiện phóng thực hiện 2 lần đốt nhiên liệu, đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo dự kiến, được xác định là thành quả lớn công nghệ vận tải vũ trụ của Ấn Độ.
Chủ tịch ISRO, ông S. Somanath trong bài phát biểu trước những người tham dự tại trung tâm điều khiển sứ mệnh của cơ quan vũ trụ nói: “Tôi muốn chúc mừng PSLV vì ngày hôm nay đã có phương thức tiếp cận rất độc đáo để thực hiện sứ mệnh Aditya-L1 này để đưa tàu vũ trụ vào đúng quỹ đạo. Bây giờ, Aditya-L1 sẽ thực hiện hành trình đến Mặt trời sau những cuộc diễn tập trên Trái đất”.
Các trang thiết bị trên tàu vũ trụ sẽ nghiên cứu 3 hiện tượng quan trọng của Mặt trời: quang quyển, sắc quyển và nhật hoa. Ngoài ra, 3 thiết bị thực hiện thí nghiệm tại chỗ sẽ quan sát và thu thập dữ liệu môi trường cục bộ tại điểm Lagrange L1.
Tàu vũ trụ Aditya-L1 được chính phủ Ấn Độ phân bổ khoản ngân sách phát triển 46 triệu USD năm 2019, được lên ý tưởng phát triển từ năm 2008 để nghiên cứu quầng quang mặt trời, lớp bên ngoài khí quyển mặt trời, có tên gọi ban đầu là Aditya (“Mặt trời” trong tiếng Hindi). Nhưng ISRO sau đó đã đổi tên thành sứ mệnh Aditya-L1, mở rộng sứ mệnh sang nghiên cứu môi trường Mặt trời và không gian.
Nigar Shaji, giám đốc dự án sứ mệnh Aditya-L1 cho biết: “Đây là ước mơ đã trở thành hiện thực đối với nhóm phát triển Aditya-L1. Khi Aditya đến điểm đến và được đưa vào hoạt động, dữ liệu thu thập được sẽ là tài sản có ý nghĩa quan trọng đối với ngành vật lý học quốc gia và cộng đồng khoa học toàn cầu”.
Trước đây, Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đã thực hiện nhiều sứ mệnh quan sát Mặt trời trong không gian để nghiên cứu về các hiện tượng Mặt trời. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ trực tiếp tham gia vào lĩnh vực này. Từ trước đến nay, các nhà khoa học quốc gia này vẫn thực hiện những quan sát Mặt trời bằng kính viễn vọng từ mặt đất và sử dụng dữ liệu từ những sứ mệnh Mặt trời do Mỹ, Châu Âu, Anh và Nhật Bản cung cấp.
Cơ quan vũ trụ Ấn Độ đã có được sự quan tâm và ca ngợi của cộng đồng khoa học không gian trên toàn thế giới vào tuần trước khi tàu vũ trụ đổ bộ Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống Mặt trăng. Đầu tuần này, ISROcông bố video mà tàu đổ bộ của sứ mệnh cung cấp, ghi lại quang cảnh tàu thăm dò của Chandrayaan-3 di chuyển trên bề mặt Mặt trăng, tìm tuyến đường an toàn. Sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của Ấn độ sẽ tiến hành hàng loạt các thí nghiệm khoa học, cung cấp dữ liệu chuẩn bị cho con người đổ bộ lên bề mặt của Vệ tinh Trái đất.
Jitendra Singh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ phát biểu: “Cả thế giới đang nín thở theo dõi thành công của Chandrayaan-3. Đây thực sự là một khoảnh khắc tươi sáng đối với khoa học vũ trụ của Ấn Độ”, ông đồng thời chúc mừng ISRO đã phóng thành công sứ mệnh Aditya-L1".
Cùng với Aditya-L1, ISRO từ lâu đã phát triển sứ mệnh bay vào vũ trụ có phi hành đoàn Gaganyaan, được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2025. Cơ quan vũ trụ cũng đang nghiên cứu thực hiện một sứ mệnh du hành không người lái tới Sao Kim.
Tháng 6/2023, Ấn Độ là một bên ký kết Hiệp định Artemis của NASA, tham gia các thí nghiệm không gian chung với các quốc gia đối tác. NASA cũng cam kết đào tạo các phi hành gia Ấn Độ tại Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston, có kế hoạch đưa các phi hành gia Ấn Độ lên Trạm Vũ trụ Quốc tế vào năm 2024.
ISRO và NASA đang tiến hành các hoạt động chung để thực hiện sứ mệnh quan sát Trái đất trên quỹ đạo thấp (LEO), dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2024. Dự án này được phát triển để lập bản đồ toàn bộ hành tinh trong 12 ngày, lần lượt phân tích các hệ sinh thái, khối lượng băng, sinh khối thực vật, mực nước biển, theo dõi và phân tích nguy cơ những hiểm họa và thảm họa thiên nhiên tiềm năng, có thể xảy ra trên Trái đất do tác động của biến đổi khí hậu.
Đầu năm 2023, chính phủ Ấn Độ ban hành chính sách không gian, tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân vào những sứ mệnh không gian quốc gia. Quốc gia Nam Á này hiện có hơn 150 công ty khởi nghiệp về công nghệ vũ trụ đang phát triển các phương tiện phóng, vệ tinh và những giải pháp công nghệ quan sát Trái đất.
Theo dữ liệu được công bố gần đây của công ty phân tích Công nghệ và dữ liệu Tracxn tại New Delhi, nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ của Ấn Độ đã tăng 17%, đạt lên 112 triệu USD vào năm 2022 từ mức 96 triệu USD vào năm 2021.
Trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, nguồn vốn đầu tư cũng tăng 60% so với năm 2022, đạt 62 triệu USD năm 2023. Đầu tư vào các công ty khởi nghiệp không gian Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng hơn nữa do chính sách nới lỏng các tiêu chuẩn dành cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, được các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài Ấn Độ trong lĩnh vực khai thác thương mại không gian mong đợi từ lâu.
Theo TechCrunch