Theo Reuters, đợt phóng thành công đánh dấu kỷ nguyên mới trong dịch vụ vệ tinh, ngành mà các hãng như SpaceX, LeoSat Enterprises và Telesat đang theo đuổi. Đợt phóng cũng có thể mở ra đợt bùng nổ nhu cầu dịch vụ phóng. Một số hãng tên lửa do vốn mạo hiểm hậu thuẫn đang phát triển tên lửa đẩy nhỏ hơn để triển khai nhiều vệ tinh nhỏ vào không gian với chi phí thấp.
Hiện nhiều doanh nghiệp đang muốn tạo điều kiện cho mạng lưới dữ liệu xuất hiện với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn vệ tinh nhỏ quay quanh quỹ đạo thấp của Trái đất. Ngành dịch vụ vệ tinh thay đổi một phần nhờ cải tiến trong công nghệ máy tính và laser. “Chúng tôi dự báo khoảng 10.000 vệ tinh cần phóng trong 5 năm tới, và chúng ta không có khả năng phóng vào lúc này để thực hiện điều đó”, nhà phân tích Marco Caceres thuộc hãng tư vấn hàng không vũ trụ Teal Group cho hay.
Tên lửa Soyuz do Nga chế tạo đã được phóng lên vũ trụ vào rạng sáng nay 28.2 (giờ Việt Nam). Nó mang theo sáu vệ tinh lên không gian. Nhóm vệ tinh do liên doanh OneWeb Satellites của Airbus và OneWeb thực hiện, OneWeb và nhiều hãng đặt mục tiêu tăng độ khả dụng và tốc độ của internet vệ tinh so với internet của nhiều hãng cung ứng hiện thời như Hughes Network Systems. Mạng của Hughes Network Systems nằm trong quỹ đạo địa tĩnh cao hơn.
OneWeb huy động được hơn 2 tỉ USD từ nhiều nhà đầu tư, trong đó có Airbus, Coca-Cola, Virgin Group, Qualcomm và SoftBank. Hãng muốn phủ sóng băng thông rộng toàn cầu vào năm 2021 từ khoảng 650 vệ tinh. Ban đầu, OneWeb có kế hoạch khởi động phóng hơn 30 vệ tinh mỗi lần, vào mỗi tháng, sớm nhất là từ tháng 9 để hoàn tất khoảng 25% tổng số vệ tinh mục tiêu vào cuối năm nay.
Nhiều công ty khác cho biết họ cũng gần bắt kịp OneWeb. Đơn cử, Telesat, công ty được Loral Space & Communications hậu thuẫn, đặt mục tiêu phát dịch vụ băng thông rộng từ gần 300 vệ tinh vào năm 2022. LeoSat Enterprises ở Mỹ thì cho hay hãng đã ký hơn 1 tỉ USD giá trị nhiều thỏa thuận tạm thời trước khi phóng để thực hiện chuyển dữ liệu an toàn cho nhiều ngân hàng, nhà cung ứng dịch vụ viễn thông và chính phủ trên thế giới vào năm 2022.
Ngoài ra, liên minh giữa Airbus và OneWeb còn nỗ lực áp dụng phương pháp và tốc độ công nghiệp trong việc sản xuất vệ tinh bằng cách dùng dây chuyền lắp ráp cùng tự động hóa. Hai hãng có kế hoạch mở nhà máy trị giá 85 triệu USD để sản xuất vệ tinh hàng loạt trên thế giới ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Florida (Mỹ) vào tháng 3. Sản xuất có thể lên đến 15 vệ tinh/tuần với giá 1 triệu USD/vệ tinh.
CEO Tony Gingiss của OneWeb Satellites cho hay: “Đây là cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp tốn đến 50 triệu USD, nhiều tháng và đội ngũ kỹ sư lớn để làm một vệ tinh”. OneWeb hiện có trạm mặt đất tại Canada, Ý và Na Uy, cho phép vệ tinh liên lạc với Trái đất. Hãng có hợp tác cùng Qualcomm để phát triển công nghệ liên kết internet từ không gian đến nhiều người dùng khác nhau, trong đó có các hãng hàng không.
Theo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/cong-nghe/airbus-oneweb-khoi-dong-tham-vong-internet-toc-do-cao-tu-khong-gian-1055779.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu