Ban đầu, nhiều người lo ngại rằng cuộc chiến này sẽ phân chia cuộc cách mạng kỹ thuật số của thế giới thành hai phe độc lập do Mỹ và Trung Quốc lãnh đạo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có thể sẽ khiến những người theo quan điểm này bất ngờ bởi Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành kẻ thống trị mạng 5G mới.
Mạng 5G phát triển là một xu hướng tất yếu. Việc Trung Quốc kiểm soát và thống trị thế hệ mạng di động mới nhất này có thể sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị và quân sự của đất nước đó. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều người tin rằng Hoa Kỳ có thể lật ngược ván bài do ảnh hưởng từ các chính sách cứng rắn của Washington với Bắc Kinh.
Vào tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã ban hành Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, trong đó có nội dung cấm các cơ quan chính phủ nước này sử dụng các sản phẩm và thiết bị từ hai “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc - Huawei và ZTE. Tính đến ngày 13/8 năm nay, việc miễn trừ một năm thực hiện đạo luật này đã hết hạn, lệnh cấm chính thức có hiệu lực. Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump có quyền cấm bất kỳ công ty công nghệ nào của Mỹ sử dụng thiết bị do Huawei và ZTE nếu muốn tiếp tục làm ăn với chính phủ.
Lệnh cấm Huawei sử dụng thiết bị và công nghệ của Hoa Kỳ được dự đoán sẽ khiến doanh số điện thoại thông minh của công ty Trung Quốc sụt giảm. Ảnh: Nikkei Asian Review
|
Washington luôn lo ngại rằng Huawei và ZTE có thể bị chính quyền Trung Quốc “giật dây”, truy cập vào những thông tin mang tính “nhạy cảm” của nước này thông qua các thiết bị 5G của họ. Bất chấp sự phủ nhận của Trung Quốc, Mỹ vẫn tiếp tục gây áp lực đối với các đồng minh của mình nhằm ngăn chặn Huawei và ZTE khỏi quá trình xây dựng mạng 5G trên thế giới.
Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang xem xét cấm các công ty công nghệ Mỹ làm ăn với Huawei nếu không có giấy phép đặc biệt. Đây là một động thái được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh số điện thoại thông minh của Huawei khi mà công ty Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào các ứng dụng và hệ điều hành trên Android của Google.
Nhưng khi nhắc đến việc triển khai 5G trên toàn cầu, Mỹ thực sự đang yếu thế hơn, Tại châu Á, Nhật Bản và Úc là hai quốc gia duy nhất đồng ý ngăn chặn Huawei và ZTE theo chiến dịch kêu gọi tẩy chay của Mỹ. Những đồng minh thân cận khác của Hoa Kỳ tại châu Âu như Anh và Mỹ vẫn đang xem xét trước khi đưa ra quyết định, trong khi Đức cho rằng việc cấm cửa các công ty Trung Quốc “có vấn đề”.
Huawei đã “can thiệp sâu” vào cơ sở hạ tầng 4G ở Anh và Đức. “Ngay cả khi chúng tôi được yêu cầu cấm cửa 5G của Huawei, điều đó sẽ rất khó thực hiện”, một số chuyên gia Đức về vấn đề này cho biết.
Quay trở lại châu Á, một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế thế giới, cuộc chiến giành quyền thống trị 5G có thể sẽ được quyết định tại châu lục này. Tại Diễn đàn truyền thông Nhật Bản - ASEAN do Quỹ Nhật Bản tổ chức tại Bangkok vào ngày 26-27/8, các nhà báo châu Á đã dành nhiều thời gian để tranh luận những vấn đề liên quan đến cuộc chiến 5G kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhiều nhà báo từ khu vực ASEAN cho rằng Mỹ sẽ là “người thua cuộc”.
Campuchia sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ mạng 5G trong năm nay bằng thiết bị của Huawei. Trong khi đó, Malaysia và Thái Lan cho biết cả Huawei và ZTE đều được chào đón tại hai quốc gia này. Các nhà viễn thông lớn ở Indonesia, Myanmar và Philippines cũng cho biết sẽ sử dụng thiết bị của hai công ty Trung Quốc để triển khai mạng 5G.
Thái Lan cho biết nước này sẽ “mở cửa” cho phép cả Huawei và ZTE tham gia xây dựng mạng 5G của đất nước. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Cả Mỹ, Nhật Bản và Úc đều hiểu nguyên nhân điều này xảy ra. Thứ nhất, có quá ít lựa chọn để thay thế các thiết bị của Huawei và ZTE, chỉ riêng hai công ty đã chiếm gần 40% thị trường cơ sở hạ tầng di động của thế giới. Ericsson và Nokia, hai hãng viễn thông đến từ châu Âu có thị phần lần lượt là 29% và 23% thiết bị di động. Tuy nhiên, thiết bị của họ đắt hơn đáng kể so với các đối thủ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia Đông Nam Á, thiết bị của Ericsson và Nokia đắt hơn 20% đến 30% so với các nhà cung cấp Trung Quốc, đó là lý do tại sao hai công ty châu Âu không phải là lựa chọn tối ưu tại khu vực này và tại thị trường Ấn Độ cũng vậy.
Thứ hai, châu Á có vẻ như đã “mất lòng tin” vào cái gọi là hoạt động gián điệp từ các thiết bị di động của Trung Quốc, ngay cả khi Washington đang tiếp tục mở rộng cuộc điều tra về khả năng gián điệp của Trung Quốc.
Chính phủ và chuyên gia an ninh ở các nước Đông Nam Á nhận thức rõ về sự nguy hiểm từ hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có hoạt động gián điệp. Mỹ cũng sử dụng công nghệ tiên tiến để tìm hiểu thông tin và giám sát các cơ quan truyền thông ở nước ngoài.
Để lấy dẫn chứng, họ đã trích dẫn các hoạt động tình báo của Hoa Kỳ do Edward Snowden, một nhà thầu an ninh tiết lộ. Theo đó, Hoa Kỳ đã bí mật khai thác thông tin liên lạc của chính phủ và công ty nước ngoài.
Chung quy lại, không có sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về hoạt động tình báo, gián điệp. Trên thực tế, một số quốc gia theo đạo Hồi như Malaysia, Indonesia, Pakistan và Brunei còn sợ Mỹ do thám hơn cả Trung Quốc.
Rốt cuộc, Mỹ và các đồng minh có thể làm gì?
Để cạnh tranh với Huawei và ZTE, các công ty viễn thông ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc cần có chiến lược cạnh tranh tốt hơn về mặt giá cả. Hơn nữa, cuộc chiến công nghệ mạng không dây giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không kết thúc bằng 5G. Thế hệ mạng thứ sáu (6G) đã bắt đầu được phát triển. NTT, tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản đã bắt đầu rục rịch xây dựng thế hệ mạng mới, một tín hiệu rõ ràng cho thấy cuộc đua xây dựng mạng 6G đang bắt đầu.
Theo Nikkei Asian Review
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu