Thực trạng
Hàng năm, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đều đưa ra báo cáo về khoảng cách giới tính toàn cầu nhằm xem xét tình trạng bất bình đẳng giới tính ở nơi làm việc. Báo cáo năm nay cho thấy sự phát triển của các công nghệ mới trên nhiều ngành công nghiệp thực tế có thể làm trầm trọng hơn khoảng cách về giới tính vốn tồn tại dai dẳng hiện nay.
Khi tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu, WEF và LinkedIn đã hợp tác cùng nhau để xác định những thay đổi này mang lại các cơ hội và thách thức mới gì cho nữ giới khi tham gia lực lượng lao động. Theo đó, báo cáo năm nay cho thấy tình trạng chênh lệch giới tính trong lĩnh vực AI đang gia tăng, đây là một trong những động lực chính của sự thay đổi trong chuyển đổi thị trường lao động.
Những thách thức của việc làm cho ngành công nghệ đã cản trở nữ giới tham gia, đặc biệt là trong lĩnh vực AI đang bùng nổ. Thách thức của AI phản ánh sự thiếu đa dạng rộng lớn hơn trong ngành công nghệ.
Tại các công ty công nghệ lớn, phụ nữ làm về kỹ thuật và máy tính chiếm 20% hoặc ít hơn. Thậm chí, tại một số nơi, sự mất cân bằng giới tính thậm chí còn trầm trọng hơn: Một ước tính của vườn ươm khởi nghiệp Element AI cho thấy phụ nữ chỉ chiếm 13% lực lượng lao động AI ở Mỹ.
Bên cạnh đó, khi nhu cầu về các kỹ năng AI tăng cao trong một số ngành, nó cũng có nguy cơ tạo ra khoảng cách về giới tính và công bằng lớn hơn. Theo một số nhà phân tích, AI có thể phóng đại sự bất bình đẳng trong một loạt bối cảnh, bởi vì chính các thuật toán AI lại mang những thành kiến ngầm của người tạo ra chúng.
Các hệ thống AI tìm kiếm các mẫu trong các kho dữ liệu khổng lồ - như những gì chúng ta nói với trợ lý giọng nói hoặc những hình ảnh chúng ta đăng trên phương tiện truyền thông xã hội. Các hệ thống này có thể chia sẻ những định kiến về giới tính hoặc chủng tộc được tìm thấy ở đó.
Trong năm nay, Google thử nghiệm một tính năng email được thiết kế để dự đoán những gì người dùng muốn viết. Có bằng chứng cho thấy thuật toán đưa nhiều giả định mang tính thành kiến, ví dụ như nghiễm nhiên nhận định y tá là “cô ấy” và kỹ sư là “anh ấy”. Tuy nhiên, sau đó phía Google cho biết hãng đã loại bỏ tất cả đại từ liên quan đến giới tính trước khi ra mắt tính năng này.
Phân tích của LinkedIn cho thấy một khoảng cách đáng kể giữa các chuyên gia AI là nữ giới và nam giới - chỉ 22% chuyên gia AI trên toàn cầu là nữ.
Nghiên cứu cũng nhận thấy chưa có dấu hiệu nào chỉ ra khoảng cách này được thu hẹp: trong 4 năm qua, nam giới và nữ giới đã bổ sung các kỹ năng AI vào hồ sơ của họ với tốc độ như nhau. Điều này có nghĩa là trong khi phụ nữ không bị bỏ lại phía sau thì họ cũng không thể bắt kịp. Nếu xu hướng này tiếp tục, các chuyên gia AI là nam giới sẽ tiếp tục đông hơn nữ giới, ngay cả khi cả hai giới đều tiếp tục trang bị và bổ sung các kỹ năng AI cho mình.
Một vấn đề khác là khoảng cách chi trả thu nhập theo giới - sự khác nhau giữa thu nhập trung bình của nam và nữ.
Giám đốc quản lý và cũng là người đứng đầu Chương trình nghị sự kinh tế - xã hội tại Diễn đàn kinh tế thế giới Saadia Zahidi cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự bất bình đẳng này. Đầu tiên, những vị trí, vai trò vốn được nữ giới đảm nhận như dịch vụ hành chính, dịch vụ khách hàng đã và đang bị “tự động hóa” bởi công nghệ mới. Thứ hai, những vai trò đang phát triển mạnh như máy học và vai trò của dữ liệu lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin thường chú trọng ưu tiên thực hiện bởi nam giới, mà cụ thể là do năng lực của nữ thường bị hạn chế hơn.
Lời giải cho bài toán
Nhìn chung, nữ giới có kỹ năng AI có nhiều cơ hội tham gia các công việc có sử dụng và ứng dụng AI, với các vị trí phổ biến bao gồm phân tích dữ liệu, nghiên cứu và giảng dạy. Nam giới có nhiều khả năng làm việc liên quan tới sự phát triển của công nghệ, điều này được phản ánh trong các kỹ năng họ báo cáo, chẳng hạn như học sâu (deep learning) và mạng neoron nhân tạo (neural networks).
Khoảng cách giới và kỹ năng AI
Do đó, theo nhận định của chuyên gia, nó không chỉ làm trầm trọng khoảng cách chi trả về giới, cản trở tiến trình hướng đến bình đẳng giới, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công nghệ. Mục tiêu cuối cùng của AI là tạo nên máy móc suy nghĩ, hành động tương tự con người. Tuy nhiên, khi AI được thiết lập và nam giới điều khiển chính, nguy cơ lớn của tình trạng mất cân bằng về giới trong công nghệ cũng có thể xảy ra.
Để giải quyết vấn đề này, một số ngành và tổ chức đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào các công nghệ mới nổi, trong đó hàng đầu là lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và phi lợi nhuận - nơi tài năng của phụ nữ được thể hiện rõ rệt và hiệu quả hơn nam giới.
Báo cáo của WEF cũng khẳng định rằng: “Sự đa dạng, bao gồm cả đa dạng về giới và đa dạng trong quan điểm của các nhà cải cách là rất cần thiết để đảm bảo cơ hội cải thiện kinh tế dựa trên sự hỗ trợ của AI sẽ không làm trầm trọng khoảng cách về giới”.
Theo tạp chí Thông tin & Truyền thông