Các mạng LTE đã phát triển với tốc độ cực kỳ nhanh chóng trong vòng 3 năm trở lại đây, phủ sóng tới khoảng 4 tỉ người dân (tương ứng với 53% dân số toàn cầu), góp phần đáng kể trong việc cải thiện tốc độ truy nhập internet di động.
Tại các quốc gia đang phát triển, lượng thuê bao băng rộng di động tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, nâng mức thâm nhập băng rộng di động lên gần 41%. Dự báo tới cuối năm nay, tổng số thuê bao băng rộng di động trên toàn cầu sẽ đạt 3,6 tỉ.
Ước tính tới cuối năm 2016, vẫn có khoảng 3,9 tỉ người (tương ứng với 53% dân số thế giới) chưa sử dụng internet. Tất nhiên tỷ lệ này ở các khu vực khác nhau là khác nhau. Ví dụ tại châu Mỹ và các nước trong khối CIS, chỉ có khoảng 1/3 người dân chưa sử dụng internet. Trong khi đó tỷ lệ này ở các nước châu Phi lên tới 75%. Tại nhóm các quốc gia chậm phát triển nhất thế giới, trung bình cứ 7 người mới có một người sử dụng internet.
Tại châu Á - TBD và các tiểu vương quốc Ả rập, tỷ lệ người dân chưa sử dụng internet gần như ngang ngang nhau - tương ứng với 58,1% và 58,4%. Điểm chung của tất cả các khu vực chính là tỷ lệ nam giới sử dụng internet cao hơn nữ giới.
10% dân số thế giới đang sử dụng băng rộng cố định
Trung bình trên thế giới hiện nay cứ 100 dân thì có khoảng 12 thuê bao băng rộng cố định, 83% trong số này có tốc độ từ 2 Mbps trở lên và 58% là có tốc độ từ 10 Mbps trở lên.
Đầu năm 2016, 75% thuê bao băng rộng cố dịnh tại các quốc gia phát triển được quảng cáo là có tốc độ truyền dẫn từ 10 Mbps trở lên. Tỷ lệ này ở các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển lần lượt là 50% và 7%.
Hàng đầu tiên đại diện cho nhóm các quốc gia phát triển, với tỷ lệ kết nối băng rộng cố định gần như chiếm toàn bộ kết nối internet cố định. Ví dụ như Hàn Quốc, 100% kết nối internet cố định có tốc độ trên 10 Mbps. Tại một số quốc gia thuộc nhóm chậm phát triển như Namibia và Zimbabuwe, không những mức thâm nhập băng rộng cố định thấp mà phần lớn kết nối có tốc độ dưới 2 Mbps.