Ba năm miệt mài sáng tạo (2017-2019) của họa sĩ Đinh Văn Sơn với rất nhiều chất liệu: sơn mài, sơn dầu, gốm, sơn mài trên gốm… đã hình thành một bộ sưu tập lên tới 72 tác phẩm có chung chủ đề “Hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái”.
Vì sao lại có cái tên rất “ngôn tình” như thế? Vì cả bộ tác phẩm đều là những câu chuyện rất đỗi giản dị, đời thường. Đinh Văn Sơn gửi gắm vào tác phẩm “Nàng tự do”, “Câu chuyện tháng giêng” tự sự về tự do trong tâm hồn; “Chợ tình” của những con ngựa trên đỉnh núi Bắc Hà (Lào Cai); sự “Chiến thắng” ở “Vườn trời” – nghĩa là thắng chính những đối nghịch trong bản thân mỗi cá thể; “Sen vui”, “Hạnh phúc xanh” với sự vượt lên khỏi những đời thường, chấp nhận khung cảnh hiện hữu trên tầng áp mái của một cặp vợ chồng trẻ, đón nhận và hài lòng với cuộc sống giản dị; “Cảm ơn mùa xuân” – bức tượng gốm xinh xinh là đứa con tinh thần được họa sĩ sáng tạo đúng vào thời điểm chào đón đứa con đầu đời của Sơn.
“Ngàn lẻ một đêm” không phải xuất phát từ chuyện cổ Ba Tư, mà được họa sĩ say sưa kể về sự tận hưởng không gian xa vời, hòa nhập với thiên nhiên trên tầng áp mái của cặp đôi, nơi mà hạnh phúc như ngưng đọng lại trong một ngày, một giờ, hay một khoảnh khắc mà bên dưới “trần gian” đã trôi qua cả ngàn năm.
“Cây cối lộn ngược hết trong tấm “Mùa nước nổi” vì đúng lúc tôi ngồi vào vẽ bức này là vợ tôi đang đứng bên kia cầu, gọi điện về bảo hôm nay nước ngập ghê quá, em không thể về được nhà, chẳng biết làm thế nào, vậy là bao nhiêu tình cảm dồn hết lên toan” – Đinh Văn Sơn bồi hồi nói.
"Hạnh phúc xanh" của Đinh Văn Sơn
|
Nghe tên “Hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái” thì long lanh dễ thương nhưng vừa bước vào cửa phòng triển lãm, người yêu nghệ thuật sẽ rất bất ngờ với bức tượng “Con người” có kích cỡ tương đương người thật (cao hơn 1m72), được sáng tạo kết hợp sơn mài trên gốm.
“Sáng tác tượng chất liệu gốm đã là cả một quá trình, phải làm phác thảo, thử trên phác thảo xong mới tiến hành làm bản thật, vận chuyển tượng đi Đồng Nai để đưa vào lò nung. Sau đó tượng về mới sáng tạo đến phần sơn mài trên gốm. Phải ủ từng lớp sơn, tôi phải đóng kín cửa phòng, mua một máy sưởi bật lên để trong phòng, đổ nước xuống sàn, mỗi lần ủ chừng hai tuần, khô hết lớp sơn này mới đến lớp sơn kia, kéo dài khoảng một năm trời riêng công đoạn ủ sơn mài cho tác phẩm” – Họa sĩ kể.
Đi cùng với tác phẩm tượng cỡ lớn này là tác phẩm tranh treo tường sơn mài cùng tên. Tác phẩm sơn mài “Con người” có kích cỡ lớn (1,2mx1,6m) chứa đựng khá nhiều “câu chuyện” trong một nhân vật trung tâm có tên là “Con người”. Trên vai của nhân vật chính nâng đỡ một mặt trời, trong cái bụng khổng lồ thì chứa cả thế giới. Đây chính là tác phẩm đã được một nhà sưu tập mua với giá 8.000 USD.
Sơn nói: “Trong bụng của nhân vật con người này chứa tất cả mọi thứ, cả đồ ăn, thức uống, cả những mong muốn, khát khao… Đó là nội tâm bên trong chúng ta. Tôi nghĩ, đã là con người hãy thành thật với bản thân mình, thừa nhận cả hai mặt đối lập, và cố gắng tìm cách cân bằng giữa phần con và phần người”.
Chỉ riêng công đoạn đưa được 72 tác phẩm tranh, tượng khổ lớn từ tầng áp mái của một chung cư không có thang máy, xa tít tận Quận 9 vào tới Bảo tàng để chuẩn bị cho triển lãm, đã là một kỳ tích.
Tranh sơn dầu khổ rất lớn của Đinh Văn Sơn
|
"Du mục" - Tác phẩm gốm với cực nhiều nhân vật giản dị, gần gũi
|
Tác phẩm gốm thể hiện cá tính mạnh mẽ của Đinh Văn Sơn
|
Nhân vật trong tác phẩm gốm của Đinh Văn Sơn thường có các ngón tay ngón chân tối giản
|
Nhân vật của Sơn có nhiều màu sắc mộng mơ (Tác phẩm gốm)
|
Tranh sơn dầu của Đinh Văn Sơn
|
“Nhưng đó chỉ là công đoạn cuối cùng của việc đưa một “đứa con tinh thần” chào đời. Không thể tính hết tôi đã vác bao nhiêu tấn tác phẩm từ tầng áp mái đi thang bộ xuống mặt đất, vận chuyển đến Đồng Nai để cho vào lò nung, rồi lại vận chuyển lên tầng áp mái để tiếp tục công đoạn làm sơn mài. Còn bây giờ, khi đã ra đến phòng triển lãm rồi, thì nó là của công chúng. Người xem có thể nhận định về nó thế nào là quyền của mỗi người. Tôi thật sự rất vui vì có những nhà sưu tập đồng hành với nghệ sĩ, đã chọn mua tác phẩm ngay từ đầu. Đó là động lực rất lớn để nghệ sĩ có thể tiếp tục con đường sáng tạo nghệ thuật gian khổ” – Họa sĩ Đinh Văn Sơn nói.
Triển lãm “Hạnh phúc nhỏ trên tầng áp mái” của họa sĩ Đinh Văn Sơn sẽ khai mạc sáng mai (2/10) tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.