Thực tế, một số phát minh hữu ích nhất hiện nay đều xuất phát từ trí tưởng tượng của trẻ em. Những phát minh tuyệt vời do trẻ em nghĩ ra đã chứng minh rằng những thành quả vĩ đại đôi khi lại xuất phát từ những thứ rất nhỏ. Những phát minh đó không chỉ thông minh, mà còn góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn rất nhiều.
1. Chất xúc tác siêu hiệu suất biến rác thải nhựa của Ai Cập thành nhiên liệu sinh học
Azza Abdel Hamid Faiad, một cô bé người Ai Cập, khi mới chỉ 16 tuổi đã phát hiện ra một chất xúc tác giá rẻ và tốc độ phản ứng nhanh có thể biến rác thải nhựa thành nhiên liệu sinh học. Faiad đã phát minh ra quy trình sử dụng một chất hóa học có tên là aluminosilicate để biến nhựa thành khí metan, propane và ethane.
Theo tính toán của cô bé, thì quá trình này sẽ giúp tạo ra 138.000 tấn khí hydrocacbon mỗi năm, tương đương với số tiền thu về là 78 triệu USD. Công trình nghiên cứu này cũng giúp Faiad giành được giải thưởng European Fusion Development Agreement tại Cuộc thi Giành cho các Nhà khoa học trẻ thuộc Liên minh châu Âu lần thứ 23 cũng như nhận được sự quan tâm rất lớn từ Viện Nghiên cứu Dầu mỏ Ai Cập.
Giải pháp của Faiad không chỉ là chìa khóa tiềm năng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa của quốc gia này mà nó còn tạo ra một sự thúc đẩy rất lớn cho nền kinh tế.
2. Mặt nạ cứu hộ khẩn cấp cho những người bị mắc kẹt trong các vụ hỏa hoạn
Năm 2013, khi đọc được câu chuyện về một người phụ nữ đã buộc phải ném đứa con mới sinh của mình ra khỏi cửa sổ tầng 2 để cứu đứa trẻ khỏi bị ngạt khói trong một vụ cháy đã thôi thúc cô bé Alexis Lewis nghiên cứu tìm ra một giải pháp để giúp những người bị mắc kẹt trong các vụ cháy nhà cao tầng có cơ hội sống sót cao hơn. Từ đó, cô bé đã phát minh ra mặt nạ khẩn cấp cho những người bị mắc kẹt trong đám cháy. Lewis đã khéo léo kết hợp chiếc mặt nạ chống khói do công ty Xcaper Industries sản xuất, với một hệ thống của riêng mình để phóng thiết bị cấp cứu khẩn cấp này qua cửa sổ mở vào phòng.
Hệ thống này bao gồm một đầu đạn phóng hình quả bóng độc đáo có thể mang mặt nạ vào trong phòng ở trên tầng 2 qua cửa sổ một cách an toàn. Lewis đã thử với nhiều mô hình, mỗi mô hình đều được in trên máy in MakerBot 3D của cô, và cô bé đã nhờ rất nhiều lính cứu hỏa kiểm nghiệm sản phẩm của mình. Các mẫu mặt nạ của Lewis đã được 37 lính cứu hỏa ném vào cửa sổ ở tầng hai các tòa nhà tổng cộng 290 lần. Và cuối cùng, khi thấy tỷ lệ chính xác đạt trên 70%, Lewis đã lựa chọn mẫu hình quả bóng.
3. Thiết bị chạy bằng tảo giúp biến khí thải CO2 do xe ô tô nhả ra thành khí Oxy
Năm 2008, cũng như bao đứa trẻ khi ở độ tuổi 16, Param Jaggi bắt đầu học lái xe. Tuy nhiên, chính những bài học lái xe lại làm cho cậu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề khí thải do xe gây ra hơn là bài thi lấy bằng lái sắp tới.
Điều đó đã thôi thúc cậu phát triển thiết bị Algae Mobile, một thiết bị sử dụng tảo để biến khí thải xe hơi thành khí oxy. Nhưng Jaggi không chỉ dừng lại ở đó. Cậu đã xin cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình và tiếp tục phát triển nhiều biến thể của thiết bị thân thiện với môi trường này.
Hiện nay, Jaggi là CEO của công ty cậu, Hatch Technologies, với rất nhiều dự án khác do mình thực hiện. Đáng chú ý là tuy hiện nay thiết bị Algae Mobile đã rất nổi tiếng trên toàn thế giới, nhưng phát minh đầu tiên của Jaggi là khi cậu mới 13 tuổi, với sản phẩm EcoTube. Đây là một thiết bị hình chiếc ống giúp giảm khí thải cácbon do xe mô tô gây ra. Tuy không được các phương tiện truyền thông quan tâm, nhưng sản phẩm này đã mở đường cho những thành công sau này của cậu. Jaggi hiện nay đã được rất nhiều tổ chức ghi nhận, trong đó có đề cử Forbes 30 under 30 (top 30 gương mặt nổi bật nhất dưới tuổi 30), và cậu tiếp tục đam mê với các vấn đề khoa học và công nghệ.
4. Công cụ cứu hộ cho trẻ em bị mắc kẹt trong xe giữa thời tiết nóng
Dường như tin tức về thảm kịch những đứa trẻ bị tử vong do bị bỏ trong những chiếc xe khi nhiệt độ ngoài trời cao là điều chúng ta hoàn toàn có thể tránh được. Những cậu chuyện như thế thường làm cho chúng ta hết sức thất vọng khi tự hỏi thảm kịch đó lẽ ra phải tránh được chứ.
Năm 2011, cậu bé Andrew Pelham, 11 tuổi, cũng đã tự hỏi như thế khi nghe tin một đứa trẻ 10 tháng tuổi không may bị tử vong do cha mẹ bỏ quên trên chiếc xe tải gia đình giữa trời nắng nóng. Khi đó, Pelham đã nảy sinh ý tưởng tạo ra thiết bị EZ Baby Saver. Được làm từ các dây cao su và dây dẫn, thiết bị này trông giống như một chiếc dây chun đàn hồi có màu sắc sặc sỡ, được móc vào cửa ô tô để đảm bảo chắc chắn là không một bậc cha mẹ nào rời khỏi xe mà chưa kiểm tra lại ghế sau của xe, để họ chắc chắn là không bỏ quên đứa con đang yên lặng hoặc đang ngủ ở đó. Pelham thậm chí đã chia sẻ những hướng dẫn về cách tạo ra sản phẩm khá đơn giản này trên trang cá nhân của mình.
5. Hệ thống chữ viết giúp người khiếm thị đọc
Chữ nổi Braille hiện nay được biết đến là hệ chữ cho những người khiếm thị đọc được nhiều ngôn ngữ, gồm tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng A-rập, và tiếng Trung Quốc. Mặc dù, trước đây chữ Braille được in trên giấy nổi, nhưng hiện nay hệ thống chữ viết này còn có thể được truyền qua các thiết bị điện tử như là sử dụng các màn hình chữ Braille có thể thay đổi tốc độ, các thiết bị điện tử-cơ học để hiển thị các ký tự nổi này.
Tuy nhiên, dù chữ Braille được sử dụng phổ biến như vậy, nhưng ít người biết rằng công cụ liên lạc hiệu quả cho người khiếm thị này lại được một cậu bé sáng tạo ra. Năm 1824, nhà phát minh Louis Braille lúc đó mới 15 tuổi đã sáng tạo ra hệ thống chữ viết này. Cậu bé Braille đã bị mất thị lực sau một tai nạn khi còn nhỏ. Với mong muốn cải tiến hệ thống chữ viết đêm đang rất phổ biến lúc đó (hệ thống này được phát triển trong chiến tranh), cậu đã sáng tạo và sau này xuất bản hệ thống chữ nổi của mình vào năm 1829. Lần sửa đổi thứ hai với chữ nổi Braille, được công bố năm 1837, đã được công nhận là dạng chữ viết nhỏ hai phần đầu tiên được phát triển trong thời hiện đại. Ngày nay, Braille được công nhận là một anh hùng và là một thiên tài, cả hai danh hiệu này thực sự đều đúng với cậu.
6. Máy in Lego đưa chữ nổi Braille đến với công chúng
Tiếp bước nhà phát minh tuổi teen Braille, một nhà phát minh mới 13 tuổi, Shubham Banerjee đã nghiên cứu để in hệ thống chữ nổi quan trọng này đến với phần đông công chúng. Thực tế, trước Banerjee, các máy in chữ nổi có giá lên đến trên 2.000 USD. Khi cậu bé Banerjee biết được cái giá quá đắt đỏ đó cho một chiếc máy in chữ nổi, cậu đã quyết tâm thay đổi, giúp hạ giá thành máy in chữ nổi xuống. Được trang bị với bộ đồ chơi Lego Mindstorms EV3, Banerjee đã sáng tạo ra chiếc máy in chữ nổi bằng bộ đồ chơi Lego của mình với giá chỉ bằng 1/5 giá của những chiếc máy in chữ nổi thông thường.
Với phát minh này, Banerjee đã giành được giải xuất sắc của cuộc thi Tech Awards 2014 và là phát minh tham gia Hội chợ Sáng tạo trẻ được tổ chức tại Nhà Trắng. Đây cũng là tiền đề để cậu thành lập công ty sản xuất máy in chữ nổi Braigo Labs, mà sau này đã phát triển thành “máy in Giá rẻ/Không gây tiếng ồn/dịch bằng chip/chạy trên nền tảng IOT-Cloud đầu tiên của thế giới”.
7. Xét nghiệm phát hiện virut Ebola siêu hiệu quả
Khi nghe tin về sự bùng phát Ebola, Oliva Hallisey, một cô bé 16 tuổi người Mỹ đã quyết tâm nghiên cứu để tìm ra một phương thức xét nghiệm hiệu quả loại virus nguy hiểm này. Phát minh của Oliva đã nhận được giải thưởng của Hội Chợ khoa học Google 2015. Xét nghiệm của Oliva Hallisey không phụ thuộc vào nhiệt độ, tốc độ nhanh, chi phí rẻ và có tính ổn định cao. Hơn nữa, xét nghiệm của cô cho kết quả trong vòng chưa đến 30 phút, thậm chí là cho kết quả trước khi cả người bệnh xuất hiện các triệu chứng. Như vậy, xét nghiệm này có thể phát hiện ra virut Ebola chỉ trong vòng một ngày trên người mang trước khi cả bệnh nhân lây bệnh. Ngoài ra, phát minh này cũng góp phần nâng cao tỷ lệ hồi phục hồi ở bệnh nhân nhanh hơn bởi người mang virus sẽ được điều trị sớm thì cơ hội sống sót của họ càng cao.
Theo Interest Engineering