5,68% cổ phần ACB được thỏa thuận sang tay trong 3 ngày, ai thực hiện?

VietTimes -- Thống kê trên thị trường cho thấy, trong vỏn vẹn 3 ngày, từ ngày 25 - 28/11, tổng cộng đã có 50,93 triệu cổ phiếu ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu) được giao dịch thỏa thuận và 525.324 cổ phiếu được khớp lệnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Như vậy, tính riêng các giao dịch thỏa thuận, đã có tới 5,68% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ACB được “sang tên, đổi chủ” trong 3 ngày vừa rồi.

Nhấn mạnh rằng, các giao dịch này đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước.

Với chu kỳ thanh toán T+2 (cuối buổi chiều) được áp dụng trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu ACB vào ngày 25/11 thì thực chất phải tới ngày 30/11 (hai ngày 26 và 27/11 thị trường nghỉ cuối tuần), lượng cổ phiếu này mới về tài khoản và có thể giao dịch.

Được biết, tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trong 3 ngày vừa nêu của ACB là 1.003 tỷ đồng, tương đương giá thỏa thuận bình quân đạt hơn 19.700 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá khớp lệnh cùng kỳ của cổ phiếu ACB trên thị trường (19.100-19.400 đồng/cổ phiếu).

Chưa rõ cổ đông/ nhóm cổ đông nào đã thỏa thuận lượng lớn cổ phần ACB thời gian qua. Trước giao dịch này, không có cổ đông nội bộ, cổ đông lớn nào của ACB thông báo mua/bán cổ phiếu.

Nên biết rằng, ngày 1/12 tới đây sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2015 của ACB. Do đó, các cổ đông mới của ACB - nếu không thực hiện chuyển nhượng số cổ phần trước ngày này - sẽ có thêm cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10:1.

Hiện bốn cổ đông lớn nhất của ACB đều là các nhà đầu tư nước ngoài gồm Standard Chartered APR Limited đang nắm giữ 8,77%, Connaught Investors Limited sở hữu 7,26%. Tỷ lệ sở hữu của Dragon Financial Holdings Limited tại ngân hàng này hiện là 6,81%.

Báo cáo tình hình quản trị bán niên 2016 của ACB cho thấy, cập nhật đến 30/06/2016, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, ông Trần Hùng Huy đang đang nắm giữ 28,77 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ 3,07%.

Những người thân khác trong gia đình ông Huy cũng sở hữu một lượng đáng kể khác cổ phiếu ACB, cụ thể: ông Trần Mộng Hùng (16,52 triệu cổ phiếu, 1,76%); bà Đặng Thu Thủy (10,98 triệu cổ phiếu, 1,17%); bà Trần Đặng Thu Thảo (10,57 triệu cổ phần, 1,13%); ông Trần Minh Hoàng (11,5 triệu cổ phần; 1,23%). Trong đó, song thân của Chủ tịch Huy là ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy đều nằm trong cơ cấu HĐQT của ACB.

Một cổ đông nổi tiếng trong lịch sử hình thành và phát triển của ACB - ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên), theo công bố gần nhất, sở hữu 3,37% cổ phần ACB, bên cạnh 4,11% do bà Đặng Ngọc Lan – vợ ông – nắm giữ. Tuy nhiên, từ ngày vướng vòng lao lý, vì không còn là người nội bộ hay cổ đông lớn (sở hữu trên 5%) tại ACB, nên những giao dịch của ông Kiên và người có liên quan không còn được công bố thông tin.

Trở lại với câu chuyện thỏa thuận cổ phiếu khối lượng khủng ở ACB, có một chi tiết trùng hợp khá thú vị là ngay trước giai đoạn diễn ra các giao dịch sôi động này, Chủ tịch HĐQT ACB – ông Trần Hùng Huy, đã ký Giấy Ủy quyền, ủy quyền cho ông Nguyễn Thành Long (Phó Chủ tịch HĐQT) được quyền nhân danh mình giải quyết và quyết định các công việc cụ thể thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu.

“Trong phạm vi và thời hạn ủy quyền, Người thụ ủy được toàn quyền thay mặt người ủy quyền lập và ký tên trên các văn bản, chứng từ, tài liệu, và giấy tờ có liên quan; và được quyền ủy quyền lại”, Giấy ủy quyền nêu rõ.

Được biết, giấy ủy quyền nêu trên có hiệu lực từ ngày 21/11/2016 đến ngày 25/11/2016./.