5 xu hướng bán lẻ hậu đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đại dịch Covid-19 bùng phát đã thử thách ngành bán lẻ trên nhiều phương diện.
Các công nghệ mới có khả năng thúc đẩy một cuộc cách mạng cho ngành bán lẻ. Ảnh: Contact Pigeon
Các công nghệ mới có khả năng thúc đẩy một cuộc cách mạng cho ngành bán lẻ. Ảnh: Contact Pigeon

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một nghịch lý lớn trong tâm lý người tiêu dùng, tác động đến toàn ngành theo cách chưa từng có trước đây.

Tại Mỹ, ban đầu, lưu lượng khách hàng tại các cửa hàng ở Mỹ giảm 58,4% trong tuần thứ 3 của tháng 3/2021, theo ShopperTrak. Sau đó, nỗi sợ hãi dịch bệnh lây lan đã buộc hầu hết các cửa hàng trên thế giới phải đóng cửa. Người tiêu dùng chuyển từ việc mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng sang đặt hàng trực tuyến tại nhà.

Trong khi đó, số lượng các nhà bán lẻ trên thế giới đã tăng trung bình 2-3 lần chỉ trong vòng 15 tháng qua. Để đảm bảo sự phát triển liên tục và thích ứng trong thế giới hậu đại dịch Covid-19, các nhà bán lẻ cần làm tốt việc theo dõi sở thích của khách hàng và những xu hướng bán lẻ đang phát triển. Dưới đây là một số xu hướng bán lẻ hậu đại dịch Covid-19 có khả năng làm phá vỡ sự phát triển toàn ngành hiện nay.

1. Số hóa trong các cửa hàng sẽ tăng

Khi thị trường đang dần mở cửa trở lại, khách hàng có thể sẽ quay lại các cửa hàng bán lẻ với yêu cầu, kỳ vọng cao hơn đáng kể về trải nghiệm.

Trải nghiệm này phần lớn sẽ được thúc đẩy bởi mức độ tích hợp các công nghệ mới như hệ thống POS (là sự kết hợp sử dụng giữa phần cứng và phần mềm cho quầy tính tiền, và có thể đó là một vị trí lưu động, với các hệ thống không dây), công nghệ tương tác di động, màn hình số hóa sản phẩm, thông tin hàng tồn kho theo thời gian thực, quản lý khách hàng thân thiết và thiết kế trong cửa hàng. Việc lựa chọn các yếu tố số hóa phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong việc đem đến trải nghiệm khách hàng xuất sắc.

2. Trải nghiệm không tiếp xúc sẽ là vua

Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Kỳ vọng và sở thích của khách hàng đã trải qua một sự thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh việc dễ dàng khám phá và phân loại sản phẩm, khách hàng có xu hướng thích các quy trình mua hàng “không tiếp xúc”.

Các giải pháp đầu vào di động, cộng tác, tự phục vụ và dựa trên nền tảng (platform-based) cho phép doanh nghiệp bán lẻ hợp lý hóa các quy trình kinh doanh và đáp ứng nhanh nhu cầu của khách hàng. Nhờ những giải pháp này, họ có thể giảm đáng kể số lượng các biểu mẫu phải điền, điều này giúp cải thiện năng suất.

Chúng cũng giúp tiết kiệm thời gian kiểm tra thông tin và một số lỗi có thể phát sinh, do đó, các quy trình sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Các cửa hàng có thể cung cấp cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn và cải thiện sự hài lòng của khách hàng.

Ngày càng có nhiều thương hiệu bán lẻ nhận ra rằng khách hàng đang rất cảnh giác với các phương thức thanh toán phụ thuộc vào hình thức tiếp xúc vật lý bao gồm tiền mặt hay việc cho thẻ vào thiết bị đầu cuối bán hàng POS…

Đến năm 2025, WinWire ước tính rằng việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số có thể tăng tốc từ 5% đến 10% trên toàn cầu.

3. Hệ thống các cửa hàng ảo sẽ định hình lại trải nghiệm mua sắm trực tuyến

Thị trường toàn cầu của VR và AR trong lĩnh vực bán lẻ dự kiến sẽ đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2025. Từng là một công nghệ không thiết yếu, giờ đây AR đã trở thành một thứ bắt buộc phải có đối với các nhà bán lẻ.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tăng cường trải nghiệm mua sắm bằng công nghệ thực tế ảo nhằm giúp khách hàng đưa ra quyết định mua hàng phù hợp. Trải nghiệm “thử trước khi mua” được hỗ trợ bởi các ứng dụng AR/VR đã nhanh chóng trở thành một công nghệ quan trọng đối với các nhà bán lẻ.

Với việc các thị trường mở cửa trở lại sau khi ngừng hoạt động ở hầu hết các quốc gia, nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đang triển khai công nghệ AR, chẳng hạn như công nghệ LiDAR (một phương pháp khảo sát đo khoảng cách tới mục tiêu thông qua việc chiếu sáng mục tiêu đó bằng một tia laze xung quanh và đo các xung phản xạ bằng một cảm biến), và SLAM (công nghệ định vị và xây dựng bản đồ đồng thời) - cả trong và ngoài cửa hàng để tạo trải nghiệm mua sắm thực tế để tăng sự chuyển đổi và giảm việc khách hàng trả lại hàng.

Một trong những trường hợp sử dụng đáng chú ý nhất là việc các nhà bán lẻ nội thất có thể tận dụng công nghệ này để giúp khách hàng tìm được sản phẩm nội thất phù hợp với không gian căn hộ của họ. Nhà sản xuất nội thất lớn nhất thế giới Ikea đã ra mắt ứng dụng Ikea Place ARKit, một ứng dụng mang tính cách mạng hoàn toàn thay đổi cách khách hàng mua sắm đồ nội thất cho ngôi nhà của họ. Ứng dụng này cung cấp các bản xem trước 3D căn phòng của khách hàng khi đặt các đồ nội thất của Ikea vào.

4. Xu hướng thương mại bằng giọng nói tiếp tục phát triển mạnh

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, Khảo sát Cách chúng ta sẽ thanh toán trong tương lai của PYMNTS.com cho thấy, mặc dù ngày càng có nhiều gia đình ở Mỹ sử dụng thiết bị hỗ trợ giọng nói nhưng chỉ có 31% sử dụng các thiết bị đó cho các quyết định mua hàng.

WinWire tiếp tục tiến hành một cuộc khảo sát tương tự trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, kết quả cho thấy người tiêu dùng tiếp tục quan tâm hơn đến việc sử dụng các thiết bị hoạt động bằng giọng nói trong thương mại sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống.

Mới đây, mối quan hệ giữa Google và chuỗi cửa hàng bán lẻ của Pháp Carrefour cũng là tập đoàn siêu thị lớn thứ hai thế giới, chỉ sau tập đoàn Wal-Mart của Hoa Kỳ đã nêu bật mối quan hệ đối tác giữa nhà cung cấp công nghệ và nhà bán lẻ nhằm đem đến sự đổi mới cho khách hàng. Carrefour và Google đã tuyên bố kế hoạch cùng nhau triển khai dịch vụ mua sắm hàng tạp hóa kích hoạt bằng giọng nói (voice-activated) tại Pháp.

Giống như Carrefour, nhiều khách sạn hiện cũng đã bắt đầu sử dụng điều khiển bằng giọng nói nhằm thu hút khách hàng quay lại bằng việc làm cho họ cảm thấy an tâm hơn. Khách hàng đã quen với việc sử dụng giọng nói của mình để điều khiển các cài đặt và thiết bị khác nhau tại nhà, do đó, họ cũng kỳ vọng điều tương tự khi họ đi du lịch.

5. Xu hướng địa phương hóa gia tăng

Đại dịch Covid-19 và nhiều sự kiện ngẫu nhiên khác như một con tàu dài 400m của Nhật Bản bị mắc cạn tại kênh đào Suez hồi tháng 3/2021 khiến chuỗi cung ứng bị phá vỡ đã khiến các nhà bán lẻ cũng như các nhà sản xuất phải suy nghĩ lại “con đường vàng” toàn cầu hóa trước đây.

Xu thế dài hạn (secular trend) đối với các sản phẩm siêu địa phương (hyperlocal product) đã bắt đầu có đà phát triển. Điều này có thể được nhìn thấy rất rõ ràng trong lĩnh vực bán lẻ. Xu hướng “địa phương hóa” trong các chuỗi cửa hàng tạp hóa đang lan rộng.

Tuy nhiên, các thương hiệu bán lẻ sẽ cần phải nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng các sản phẩm siêu địa phương so với các sản phẩm được lắp ráp trong khu vực.

Ngoài ra, hiện nay, việc đầu tư vào sự hiện diện kỹ thuật số được bản địa hóa nhắm tới người tiêu dùng địa phương cũng là vấn đề quan trọng đối với các thương hiệu bán lẻ. Xu hướng này có khả năng mở rộng sự phân hóa thị trường hơn nữa.

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngành công nghiệp, điều chưa từng xảy ra trước đây. Trong một thế giới hậu đại dịch Covid-19, các nhà bán lẻ cần cải tiến và hiệu chỉnh lại các chiến lược của họ để thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Các công nghệ mới có khả năng thúc đẩy một cuộc cách mạng cho ngành bán lẻ. Do đó, các nhà bán lẻ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, tích hợp AI, máy học vào quy trình bán hàng, tạo ra các trải nghiệm mới, thúc đẩy kết quả kinh doanh bằng việc giảm tương tác trực tiếp và củng cố niềm tin của người tiêu dùng trong một thế giới hậu đại dịch Covid-19.

Theo Win Wire