Theo truyền thống, người dùng truy cập một trang web để tìm kiếm và mua các sản phẩm họ muốn. Nhưng với thế giới thương mại điện tử không ngừng phát triển, các doanh nghiệp đang tìm ra những cách thức mới để kết nối với người tiêu dùng trên các nền tảng khác nhau - đặc biệt là mạng xã hội.
Thương mại trên nền tảng mạng xã hội là gì?
Đây là quá trình bán sản phẩm trực tiếp thông qua mạng xã hội. Điều này cung cấp cho các tổ chức cơ hội quảng cáo và tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật số mà người tiêu dùng của họ đang hoạt động tích cực nhất.
Thương mại trên nền tảng mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm qua. Năm 2019, doanh số thương mại qua mạng xã hội ước tính đạt 22 tỷ USD tại Hoa Kỳ và dự kiến đạt tới 84,2 tỷ USD vào năm 2024, chiếm 7,8% doanh số thương mại điện tử của Hoa Kỳ.
Điều gì đã khiến thương mại trên nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến?
Sự gia tăng của thương mại qua mạng xã hội chủ yếu nhờ vào những người dùng thuộc thế hệ Millennial (1980-1990) và Thế hệ Z (1995-2012). Đặc biệt, thế hệ Z chi tiêu gấp 2-3 lần khi mua sắm trên các kênh xã hội như Instagram và Snapchat so với người dùng bình thường và đang trên đà trở thành thế hệ tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Nơi khách hàng mua sắm
Các ứng dụng như Instagram, Facebook, Pinterest, Snapchat, Twitter và TikTok là những nền tảng mạng xã hội hàng đầu thúc đẩy thương mại điện tử, với 84% người mua hàng thuộc độ tuổi mục tiêu từ 18-29 tuổi. Instagram nhận thấy rằng hơn 80% người dùng sử dụng nền tảng mạng xã hội của họ để nghiên cứu các sản phẩm và dịch vụ trên mạng. Instagram cũng cung cấp thêm rằng trang mạng xã hội này sở hữu lên tới 130 triệu người dùng nhấp vào các bài đăng mua sắm mỗi tháng.
Ngoài ra, Facebook Shop còn cho phép các doanh nghiệp kết nối với khách hàng tiềm năng thông qua Messenger, WhatsApp hoặc Instagram Direct. Pinterest cũng có cách tiếp cận tương tự đối với các tùy chọn danh mục sản phẩm của mình. Công ty đã mở thêm tính năng “Mua sắm” để hiển thị những mặt hàng có sẵn để mua. Các nền tảng mạng xã hội đã tích cực đẩy mạnh các tính năng mua hàng trên ứng dụng của mình trong thời gian qua.
Vậy tại sao bạn nên tận dụng thương mại trên nền tảng mạng xã hội cho doanh nghiệp của mình?
Dưới đây là năm lý do chính trả lời câu hỏi tại sao bạn nên kết hợp thương mại trên mạng xã hội vào chiến lược tiếp thị của mình:
1. Xây dựng thương hiệu mạnh và nhận thức về sản phẩm
Hãy xem xét nó từ góc độ của kênh tiếp thị và bán hàng, bao gồm các giai đoạn sau: nhận thức, quan tâm, cân nhắc, ý định, đánh giá và mua hàng.
Giai đoạn nhận thức và quan tâm được coi là giai đoạn “tạo ra khách hàng tiềm năng”. Đây là lúc người mua xác định được nhu cầu của họ đối với một sản phẩm. Có rất nhiều công cụ được sử dụng cho giai đoạn tiếp thị này, chẳng hạn như chiến dịch tiếp thị, sự kiện, quảng cáo, triển lãm thương mại, phương tiện truyền thông xã hội và những công cụ khác. Khi người mua đã biết đến sản phẩm, thì đó là chìa khóa để tạo ra sự quan tâm thông qua các công cụ như email, bản tin và các công cụ khác.
Sau đó, khách hàng tiềm năng sẽ đến các giai đoạn cân nhắc và dự định, được gọi chung là “giai đoạn nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng”. Đây là khi người mua bắt đầu tìm hiểu thêm về thương hiệu với ý định cuối cùng sẽ mua hàng. Các thương hiệu bắt đầu chia sẻ chi tiết về định vị thương hiệu, thông tin sản phẩm, nghiên cứu điển hình, trình diễn sản phẩm, v.v. để bắt đầu nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng.
Nền tảng mạng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong các giai đoạn này trong nhiều năm trở lại đây. Bằng cách chia sẻ thông tin sản phẩm phong phú trên các kênh mạng xã hội, các thương hiệu có thể tương tác với người mua trên quy mô lớn hơn. Ngoài ra, những chức năng thương mại bổ sung mới đây cũng bổ trợ cho các doanh nghiệp nuôi dưỡng sự quan tâm của khách hàng và giữ họ tương tác với thương hiệu và các dịch vụ sản phẩm của công ty.
2. Rút ngắn chu kỳ bán hàng
Giai đoạn tiếp theo của hành trình người mua là đánh giá và mua hàng. Đây là nơi giá trị sản phẩm của bạn được chứng minh so với các đối thủ cạnh tranh và việc mua hàng cuối cùng cũng được thực hiện. Bằng cách đẩy mạnh thương mại trên nền tảng mạng xã hội, tiến trình giữa việc nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng đến khi mua hàng được tăng tốc đáng kể.
Người tiêu dùng đã thấy sản phẩm và thông tin giá cả trên các kênh mạng xã hội doanh nghiệp, cho phép họ tìm hiểu thêm về công ty và các sản phẩm của công ty. Với chức năng thương mại, người mua có thể mua hàng trực tiếp trong các kênh xã hội bằng một vài cú nhấp chuột mà không cần phải rời khỏi ứng dụng. Điều này giúp tăng doanh thu cho công ty bằng cách bán hàng nhanh hơn.
Tuy nhiên, có một yếu tố rủi ro khi tận dụng mạng xã hội, nó có thể dẫn đến những đánh giá trái chiều không đáng có làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Để tránh điều này, điều quan trọng là doanh nghiệp cần công bố thông tin sản phẩm chính xác và hỗ trợ dịch vụ khách hàng tuyệt vời.
3. Tăng mức độ trung thành của khách hàng và doanh thu định kỳ
Mạng xã hội đã trở thành một kênh trực tiếp để xây dựng mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng. Các kênh mạng xã hội đã trở thành một chiến lược tiếp thị quan trọng và chúng phải được ưu tiên trong thời đại này. Điều quan trọng đối với một thương hiệu là phải có một thông điệp rõ ràng về họ là ai, họ bán gì và bán cho ai.
Với thông tin sản phẩm phong phú và dịch vụ khách hàng tuyệt vời, thương hiệu có thể bán hàng nhanh chóng, xây dựng mối quan hệ bền vững với người mua và biến họ thành khách hàng lặp lại.
4. Xây dựng tương tác thực và ý thức cộng đồng mạnh mẽ hơn
Như đã đề cập trước đây, các kênh mạng xã hội cho phép dễ dàng phân phối thông tin sản phẩm đến một lượng lớn người mua tiềm năng. Sau khi mua hàng, người mua chia sẻ phản hồi của họ trên các kênh xã hội thông qua lời chứng thực, xếp hạng, hình ảnh và thậm chí cả các bình luận về bài đăng. Đây là những tương tác thực .
Khi công ty tiếp tục xây dựng cơ sở khách hàng và doanh số bán hàng bắt đầu tăng lên, những người mua này vẫn hoạt động tích cực trên phương tiện truyền thông xã hội và chia sẻ kinh nghiệm mua hàng cũng như ý kiến của họ về thương hiệu. Phản ứng dây chuyền này giúp thông báo cho những người khác dùng thử các sản phẩm này và xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ gồm những người theo dõi và có ảnh hưởng.
5. Tăng xếp hạng công cụ tìm kiếm
Việc kích hoạt một kênh thương mại mạng xã hội sẽ giúp tăng xếp hạng trên công cụ tìm kiếm cho trang web thương mại chính của một công ty. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần phải duy trì một trang web thương mại đầy đủ các tính năng mua hàng, đại diện cho thương hiệu của mình. Điều này giúp tăng lưu lượng truy cập của người dùng vào trang web và giúp tăng thứ hạng trên công cụ tìm kiếm của nó.
Không nên bỏ qua thương mại trên mạng xã hội
Nếu doanh nghiệp của bạn chưa sử dụng các kênh mạng xã hội làm phương tiện đưa sản phẩm của bạn đến với người tiêu dùng, thì bạn có thể đang bỏ lỡ một số lợi ích có thể ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp của mình.
Theo Perficient
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu