4 rào cản chuyển đổi số của doanh nghiệp tầm trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc tận dụng tối đa những lợi thế quy mô tầm trung với những đặc điểm về vốn, nhân sự, công cụ và quan hệ đối tác phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô và phát triển.
Doanh nghiệp tầm trung có thể tận dụng chuyển đổi số để phát triển, tuy nhiên cần phải lưu ý một số yếu tố
Doanh nghiệp tầm trung có thể tận dụng chuyển đổi số để phát triển, tuy nhiên cần phải lưu ý một số yếu tố

Doanh nghiệp cỡ trung (medium-sized enterprises) - doanh nghiệp có từ 50 đến 250 người lao động và doanh thu từ 10 triệu đến 50 triệu Euro theo cách xếp loại của châu Âu - có những lợi điểm riêng của nó: nhiều nguồn lực để đầu tư hơn các công ty khởi nghiệp hay các công ty nhỏ, tinh gọn và nhiều quyền tự do đổi mới hơn các tập đoàn khổng lồ. Việc tận dụng tối đa những lợi thế quy mô vừa phải này với những đặc điểm về vốn, nhân sự, công cụ và quan hệ đối tác phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô và phát triển.

Mặc dù đại dịch COVID-19 toàn cầu đã ngẫu nhiên thúc đẩy nhiều công ty cỡ trung không thích rủi ro (risk-averse) đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhưng việc thực hiện chiến lược chuyển đổi còn nhiều thứ phải thực hiện hơn là nhanh chóng áp dụng những công nghệ mới nhất.

Theo một nghiên cứu của Intel và Dell đăng trên Harward Bussiness Review, những rào cản lớn tác động đến 94% các tổ chức, doanh nghiệp cỡ trung thực hiện thành công dự án chuyển đổi kỹ thuật số là: thu thập được thông tin chi tiết về dữ liệu phù hợp, đủ nguồn lực tài chính và đồng thời đảm bảo dữ liệu riêng tư và an toàn.

1. Thông tin chi tiết phù hợp

Dữ liệu là chìa khóa cho lợi thế kinh doanh. Cho nên, thu thập, phân tích dữ liệu để có thông tin chi tiết phù hợp, sau đó áp dụng những thấu hiểu này (insights) để cải thiện việc ra quyết định và trải nghiệm khách hàng. Đối với các doanh nghiệp vừa, việc áp dụng những thông tin chi tiết phù hợp có thể được thực hiện từ việc thiết lập quan hệ đối tác với những hãng CNTT tiên tiến có mô hình phân tích, triết lý phù hợp với doanh nghiệp chứ không đơn thuần mua các phần mềm, mô hình được chào bán với giá cao.

Một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên về tự động hóa công nghiệp đã sử dụng tư vấn về chuyển đổi số nhằm giúp tiến hành bảo trì dự đoán, phát hiện rò rỉ và giám sát việc sử dụng năng lượng. Công ty sau đó đã sử dụng các khuyến nghị của tư vấn để lựa chọn và áp dụng nền tảng phần mềm phù hợp, cải thiện khả năng kết nối và trực quan hóa các tài sản công nghiệp, thực hiện phân tích và tích hợp tập dữ liệu giữa các hệ thống CNTT của mình thay vì cách làm truyền thống hiện nay là mời các đơn vị, hãng CNTT chào mời giải pháp và tự mình lựa chọn trong một rừng thông tin nhiễu và không liên quan.

2. Nguồn lực hạn chế

Một vấn đề quan trọng của các doanh nghiệp tầm trung là tối ưu hóa các nguồn lực, đáp ứng các thách thức về ngân sách, phân bổ chi tiêu với độ chính xác cao hơn trong môi trường kinh doanh bất lợi như mùa COVID-19 này.

Một công ty chuyên về y tế và sức khỏe đã phản ứng với đại dịch bằng cách chuyển ngay lập tức 15% lực lượng lao động ra khỏi văn phòng. Công ty phải đối mặt với nhu cầu khẩn cấp phải đặt hàng gấp các thiết bị máy tính, máy quét, màn hình, v.vv để các nhà nghiên cứu có thể làm việc tại nhà trong một số trường hợp là các căn hộ nhỏ. Công ty trước đây cũng sử dụng việc cho thuê tài chính các công cụ tin học nhưng trong tình hình như vậy, công ty cần các hợp đồng thuê tạm thời ngắn hơn nhiều so với hầu hết các cam kết với mức tối thiểu thuê 36 tháng.

Công nghệ không phải là yếu tố quyết định để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

Công nghệ không phải là yếu tố quyết định để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công

Một đối tác CNTT đã nhanh chóng giảm bớt lo ngại của công ty về thời gian trễ đơn hàng và sự gián đoạn của nhân viên, cho thuê và phân phối máy tính để bàn, màn hình và bộ làm mát đơn vị xử lý trung tâm (CPU) tất cả trong một (AIO) cho nhân viên ở nhà, phù hợp với cả những không gian hạn chế. Trong tình hình dịch bệnh và không thể trước được lúc nào kết thúc các điều kiện làm việc tạm thời, đối tác CNTT này đã sửa đổi hợp đồng để giúp doanh nghiệp có các tùy chọn thời gian thuê ngắn hơn.

3. Bảo mật dữ liệu

Những lợi thế của kỹ thuật số giúp thế giới ngày càng được kết nối rộng rãi đi kèm với một vấn đề là cần phải chuẩn bị cho những điều chưa biết, những rủi ro trên không gian điện tử, số hóa. Doanh nghiệp cỡ vừa phải đối mặt trong thời đại dịch với những thay đổi đột ngột và đáng kể trong hoạt động, thay đổi về phần cứng, phần mềm, dữ liệu và con người ra khỏi vị trí cục bộ để di chuyển lên đám mây dịch vụ.

Một hãng nghiên cứu y tế hạng trung của Mỹ cung cấp mô hình đánh giá rủi ro đối với thuốc kê đơn cho các bệnh viện và phòng khám thông qua phân tích dự đoán. Để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm này trên đám mây riêng của mình trong khi chuyển tài sản thông tin của mình ra khỏi vị trí cục bộ, hãng đã yêu cầu đối tác cung cấp dịch vụ CNTT giúp đảm bảo tính bảo mật của đám mây riêng với các dữ liệu phát triển và nghiên cứu.

Tất nhiên, ngay cả khi có những biện pháp phòng thủ hữu hiệu vẫn có những rủi ro không tránh khỏi. Một nhà sản xuất cửa sổ dân dụng và thương mại bị tấn công bởi ransomware, đối tác CNTT của họ đã giúp duy trì hoạt động kinh doanh trên các giải pháp lưu trữ chuyên dụng và cung cấp các phục hồi hoạt động.

Nhưng việc hợp tác với một nhà cung cấp công nghệ thông tin (CNTT) có kinh nghiệm, nghiên cứu cho thấy, có thể giúp các doanh nghiệp xóa bỏ những trở ngại này đối với chuyển đổi số và tăng trưởng.

4. Rào cản về chính sách và môi trường

Môi trường kinh doanh ở Việt Nam mặc dù đã cải thiện nhưng những quy định và khung pháp lý vẫn còn chưa phù hợp. Cơ quan quản lý như Bộ TT&TT đã có những chương trình, dự án nhằm thúc đẩy "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định số 749/QĐ-TTg do Thủ tướng chính phủ phê duyệt) nhưng nền tảng chung của xã hội như dịch vụ công mức độ 4, cơ sở dữ liệu quốc gia liên kết các lĩnh vực, ngành nghề, hạ tầng mạng lưới viễn thông và an ninh vẫn chưa theo kịp những đòi hỏi của lĩnh vực chuyển đổi số, nhận thức chung của dân chúng chưa cao và một bộ phận lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức. Điều này đang gây trở lại lớn vì dù có những suy nghĩ đổi mới thì những giải pháp tiên tiến được các hãng CNTT nước ngoài cung cấp chưa thể áp dụng hay áp dụng một cách không hiệu quả ở Việt nam nói chung và ở những công ty, doanh nghiệp cỡ trung nói riêng.

Theo một nghiên cứu của Nick Tasler trên Harvard Business Review thì 70% dự án chuyển đổi số là thất bại, công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp cỡ trung cần quyết tâm lớn từ lãnh đạo và đồng thời tháo gỡ những rào cản lớn này.