1. Apple hiện có một số nhà cung cấp được uỷ quyền bảo hành iPhone tại Việt Nam
Apple hiện nay có khá nhiều trung tâm bảo hành uỷ quyền tại Việt Nam. Với sản phẩm iPhone, Apple có một số nhà cung cấp được uỷ quyền làm dịch vụ bảo hành gồm iService, FPT Service và công ty Thuận Mỹ. Các nhà cung cấp này hiện có trung tâm bảo hành ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đồng Nai, Hưng Yên...
Trung tâm bảo hành uỷ quyền D2, Giảng Võ, Hà Nội của iService.
Các trung tâm bảo hành uỷ quyền của Apple được công bố trên website của hãng. Bạn đọc có thể lên trang Apple.com, bấm vào mục Support, sau đó tìm đến mục "Apple Authorized Service Provider" (AASP - nhà cung cấp dịch vụ được Apple uỷ quyền) phía dưới chân trang web, rồi lựa chọn địa điểm Việt Nam, sau đó tìm kiếm các trung tâm bảo hành cho sản phẩm theo tỉnh/thành phố mình quan tâm.
2. iPhone không được bảo hành toàn cầu, nhưng iPhone mua từ nước ngoài vẫn có thể được bảo hành
iPhone không được bảo hành quốc tế giống như một số sản phẩm khác của Apple. Có lẽ đó là lý do sản phẩm này có tên mã khu vực và quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, có vẻ như Apple rất quan tâm đến việc hỗ trợ người dùng nên các máy iPhone mua từ nước ngoài vẫn có thể được bảo hành tại các trung tâm bảo hành uỷ quyền của Apple tại Việt Nam.
Song Apple không công bố danh sách những nhà mạng không thuộc diện được bảo hành nên người dùng cần đến các trung tâm bảo hành để kiểm tra xem sản phẩm của mình có thuộc diện được bảo hành không. Apple quản lý bảo hành điện tử qua số IMEI nên người dùng không cần mang theo giấy tờ gì khi đi bảo hành.
Hầu hết iPhone quốc tế mua bên nước ngoài có thể được bảo hành tại các trung tâm bảo hành uỷ quyền tại Việt Nam như máy chính hãng.
Theo tìm hiểu của VnReview thì nhiều máy iPhone mua từ châu Âu, châu Á và châu Mỹ có thể được bảo hành ở các trung tâm bảo hành uỷ quyền ở Việt Nam. Chỉ có một số trường hợp iPhone mua từ một số nhà mạng không thuộc diện được bảo hành.
Sản phẩm được bảo hành là những sản phẩm đủ kiện bảo hành: còn thời gian bảo hành, chưa có sự can thiệp sửa chữa và có những lỗi phần cứng của nhà sản xuất.
3. Đổi máy tính phí
Chính sách bảo hành của Apple chủ yếu là đổi sản phẩm, không sửa chữa như những hãng khác. Những trường hợp không được bảo hành sẽ có hai lựa chọn: đi sửa chữa ở các trung tâm bên ngoài (không phải của Apple) hoặc tham gia chương trình đổi máy tính phí của Apple.
Các máy iPhone bị rơi nước, móp méo, rơi vỡ hay bị xe cán nát đều có thể tham gia chương trình đổi máy tính phí. Tuy nhiên, chương trình đổi máy tính phí có điều kiện là iPhone còn đủ linh kiện và trên thiết bị không có sự tác động sửa chữa thay thế từ bên thứ 3. Trung tâm bảo hành uỷ quyền sẽ đưa ra mức giá người dùng sẽ phải trả để đổi thiết bị mới, thường từ 8-10 triệu đồng.
Các iPhone rơi vỡ hay dính nước có thể tham gia chương trình đổi máy tính phí
Với những người tham gia chương trình đổi máy tính phí, hệ thống của Apple sẽ ghi nhận thông tin là bạn đổi máy cũ lấy máy mới và sẽ cập nhật thông tin bảo hành thiết bị mới theo thời gian bảo hành còn lại của thiết bị cũ. Trong trường hợp thiết bị của bạn hết thời gian bảo hành, Apple sẽ cộng thêm 3 tháng bảo hành cho thiết bị mới được đổi.
Đây là chính sách thú vị của Apple. Tuy nhiên, hãng này cũng khá cứng nhắc trong việc phân biệt sản phẩm, dù bạn đổi iPhone 4s đã cũ hỏng hay iPhone 6S rơi vỡ thì mức giá mà Apple đưa ra để đổi lấy sản phẩm mới chênh nhau rất ít, đều từ 8-10 triệu đồng. Chính vì vậy, chương trình này hiện tại sẽ phù hợp hơn với những người đang dùng các máy iPhone đời mới như iPhone 6, iPhone 6 Plus, iPhone 6s và iPhone 6s Plus.
4. Apple không sửa chữa tại trung tâm bảo hành uỷ quyền, quản lý rất chặt nguồn linh kiện
Khác với các hãng khác, Apple không sửa chữa iPhone tại các trung tâm dịch vụ bảo hành được uỷ quyền (AASP). Các sản phẩm iPhone có lỗi phần cứng thuộc phạm vi được bảo hành một đổi một, trừ một số trường hợp lỗi sẽ được thay thế linh kiện chính hãng như phím Home, phím âm lượng, camera sau, bộ rung, loa ngoài và pin.
Apple không sửa chữa iPhone tại các trung tâm bảo hành uỷ quyền, chủ yếu áp dụng chính sách 1 đổi 1 hoặc thay thế một số linh kiện lỗi.
Apple quản lý rất chặt nguồn linh kiện để đảm bảo không có linh kiện cũ trôi nổi ở bên ngoài. Với các trung tâm bảo hành uỷ quyền tại Việt Nam, khi có yêu cầu linh kiện thay thế cho người dùng đến bảo hành, trung tâm phải gửi yêu cầu tới hãng Apple để họ chuyển linh kiện thay thế. Các linh kiện cũ sau đó sẽ phải chuyển lại cho Apple để tiêu huỷ. Chính vì vậy, các đơn vị làm dịch vụ sửa chữa iPhone bên ngoài sẽ rất khó có linh kiện chính hãng ngoại trừ những linh kiện bóc từ các mẫu iPhone cũ hỏng.
Việc quản lý chặt nguồn linh kiện cùng với chính sách bảo hành không thiên về sữa chữa như hãng khác khác đã tạo ra cơ hội không nhỏ cho các nhà sản xuất linh kiện thay thế cho iPhone, nhất là với những linh kiện phổ thông như pin, màn hình và vỏ máy. Tuy nhiên, chất lượng của các linh kiện thay thế này cũng khó kiểm chứng. Khách hàng nên đến các trung tâm bảo hành uỷ quyền để kiểm tra trước hoặc sửa chữa tại các trung tâm lớn có chính sách bảo hành sau khi sửa chữa.
Theo VnReview