Theo tin từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), căn cứ công văn của UBCKNN và hồ sơ đề nghị chuyển quyền sở hữu cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần tập đoàn Masan, ngày 4/3/2016, VSD đã hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu gần 8.899.370 cổ phiếu MSN từ tổ chức Credit Suisse (Hong Kong) Limited sang cho 2 cá nhân là ông Bùi Minh Tuấn và ông Trần Đức Anh.
Trong đó, ông Bùi Minh Tuấn nhận chuyển nhượng 5.000.000 cổ phiếu (0,67% VĐL), còn ông Trần Đức Anh nhận chuyển nhượng 3.899.370 cổ phiếu (0,52% VĐL).
VSD cũng cho biết ngày hiệu lực chuyển quyền sở hữu 04/03/2016.
Như vậy, tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/3/2016 của cổ phiếu MSN là 74.500 đồng/cổ phiếu thì tổng số tiền mà 2 cá nhân trên đã bỏ ra cho 2 thương vụ sẽ vào khoảng 660 tỷ đồng.
Liên quan đến Masan, tháng 1/2016 vừa rồi, Tập đoàn này đã tiếp nhận 650 triệu USD đầu tiên trong tổng số 1,05 tỷ USD mà đối tác chiến lược đến từ Thái Lan là Singha Asia Holding đã thỏa thuận đầu tư.
Theo đó, Singha đã chuyển khoản vốn đầu tư 650 triệu USD, bao gồm 50 triệu USD để sở hữu 33% cổ phần Masan Brewery và 600 triệu USD để sở hữu 14,3% cổ phần của Masan Consumer Holdings (MCH).
Tiếp tục, MCH sẽ dùng 600 triệu USD nhận đầu tư từ Singha để mua lại 98 triệu cổ phiếu Masan Consumer (OTC: MSF) - nhằm tăng sở hữu từ 77,8% lên 96,7%.
Đáng nói ở chỗ, theo những công bố này, MCH đã trả tới 6,12 USD (khoảng 137 nghìn đồng, gấp 13,7 lần mệnh giá) cho mỗi cổ phiếu MSF - một công ty con của chính họ.
Càng “lạ kỳ” rằng, với việc bỏ tới 600 triệu USD chỉ để sở hữu 18,9% cổ phần MSF, MSN cùng đối tác Thái Lan đang định giá MSF lên đến 3,2 tỷ USD, tức là khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
Dù theo BCTC, vốn cổ phần của MSF chỉ là 5.351 tỷ đồng và tổng tài sản chỉ 17.475 tỷ đồng (?!).
Thậm chí, so sánh với giá trị vốn hóa của cả tập đoàn mẹ MSN hiện nay là khoảng 53 nghìn tỷ đồng, thì con số 70 nghìn tỷ đồng cũng là lớn hơn rất nhiều.
Xuân Thắng