Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HSX: MSN, “Masan”) vừa phát hành thông cáo báo chí về đợt góp vốn đầu tiên của đối tác chiến lược Singha Asia Holding.
Theo đó, Singha đã chuyển khoản vốn đầu tư 650 triệu USD, bao gồm 50 triệu USD để sở hữu 33% cổ phần Masan Brewery và 600 triệu USD để sở hữu 14,3% cổ phần của Masan Consumer Holdings (MCH).
Theo thỏa thuận hợp tác trước đó giữa 2 bên thì Singha sẽ chi tổng cộng 1,05 tỷ USD để mua 25% cổ phần Consumer Holdings.
Được biết, trước khi có sự xuất hiện của Singha, MSN sở hữu 100% cổ phần của MCH.
Trong khi đó, MCH lại sở hữu 100% cổ phần của Masan Brewery – công ty phụ trách mảng kinh doanh bia và 77,8% cổ phần của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) – mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống không cồn.
Cũng theo thông cáo báo chí của MSN, MCH sẽ dùng 600 triệu USD nhận đầu tư từ Singha để mua lại 98 triệu cổ phiếu Masan Consumer (OTC: MSF) - nhằm tăng sở hữu từ 77,8% lên 96,7%. Có nghĩa, MCH đã trả tới 6,12 USD (khoảng 137 nghìn đồng, gấp 13,7 lần mệnh giá) cho mỗi cổ phiếu MSF - một công ty con của chính họ.
Như vậy, với việc bỏ tới 600 triệu USD chỉ để sở hữu 18,9% cổ phần MSF, có thể thấy, MSN cùng đối tác Thái Lan đang định giá MSF lên đến 3,2 tỷ USD, tức là khoảng 70 nghìn tỷ đồng.
Một con số có chăng là phi lý khi mà theo BCTC gần nhất, vốn cổ phần của MSF chỉ là 5.351 tỷ đồng và tổng tài sản chỉ 17.475 tỷ đồng (?!).
Thậm chí, so sánh với giá trị vốn hóa của cả tập đoàn mẹ MSN hiện nay là khoảng 53 nghìn tỷ đồng, thì con số 70 nghìn tỷ đồng cũng là lớn hơn rất nhiều.
Vậy điều gì đã khiến Singha Asia Holding lại có một pha đầu tư “bất tử” đến vậy?
Không loại trừ khả năng quỹ đầu tư đến từ Thái Lan cùng với Tập đoàn của ông Nguyễn Đăng Quang (MSN) đang hướng đến một “trận đánh lớn” - một cuộc thâu tóm có thể sẽ trở thành kinh điển trên thị trường tài chính Việt Nam.
Theo phân tích của VietTimes, “trận đánh lớn” đó, nếu có, không loại trừ khả năng sẽ liên quan đến Vinamilk (HSX: VNM) – “con gà đẻ trứng vàng” mà SCIC sắp phải buông, đồng thời cũng là doanh nghiệp ít nhiều có mối liên hệ với MSN, thông qua một số cổ đông là các quỹ đầu tư thân hữu.
Nên nhớ, Masan Consumer là đơn vị chuyên doanh của MSN trong mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống không cồn, và sữa là điểm khuyết duy nhất của đế chế tiêu dùng Masan.
Ninh Giang