Đó là một hình ảnh đẹp, và thật tương phản với những gì đã diễn ra, làm họ phải đối đầu nhau như ở hai đầu chiến tuyến trong suốt 5 năm qua kể từ khi Thông tư 20 có hiệu lực. Hình ảnh đó cứ làm tôi suy nghĩ mãi, vì sao người Việt Nam không thể bắt tay nhau vì lợi ích của đại đa số người tiêu dùng, của người dân trong nước? Đó chẳng phải là điều đáng giá nhất hay sao?
Song, câu hỏi đó có phần lãng mạn. Thương trường đã trở thành chiến trường. Tôi đã sống, thì anh phải chết, theo đúng nghĩa đen. Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ lẻ của người Việt Nam đầu tư vào các showroom ô tô và gara đã chết, hay phải chuyển đổi sang nghề kinh doanh khác. Có một câu hỏi gây nhiều day dứt của một doanh nghiệp nhỏ: “Chúng tôi mất hàng trăm triệu đô la tiền đầu tư, hàng ngàn người mất việc làm, ai biết cho chúng tôi đây?”. Rõ ràng, thực tế quá khốc liệt và nghiệt ngã.
Có một sự kiện đặc biệt xảy ra. Sáng sớm, các doanh nghiệp này lại chăng băng rôn đòi bỏ Thông tư 20 lên vài chục xe ô tô, định chạy ở khu Mỹ Đình, như cách họ thể hiện để phản ứng với buổi họp kín ở Bộ Công Thương tháng trước. Nhưng ngay lập tức họ không thể… Việc làm đó, dù đánh giá trên góc độ nào đi nữa, thể hiện sự uất ức không kìm nén nổi của họ.
Tại cuộc tọa đàm – sự kiện lần đầu tiên được tổ chức công khai gần đây để các bên đối thoại trực tiếp có báo chí tham dự - đại diện của các hãng xe Audi, Porsche, Rolls-Royce, và VAMA nhiệt tình ủng hộ duy trì Thông tư 20. Lập luận của họ là vì quyền lợi người tiêu dùng, chống thất thu thuế, và hỗ trợ đăng kiểm. Song, những lý do này không mấy thuyết phục vì đó chính là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, chứ không phải của doanh nghiệp.
Nói như vậy, té ra hải quan đang tiếp tay cho gian lận thuế, còn đăng kiểm không đủ năng lực? Có doanh nghiệp nói say sưa về sự phức tạp trong hệ thống điện cao áp của một chiếc ô tô như của máy bay nhằm khẳng định quan điểm phải có giấy ủy quyền chính hãng mới được nhập ô tô. Tôi nghe mà không thể cắt nghĩa, vì sao lại bắt người tiêu dùng cả nước sử dụng ô tô chính hãng từ một trường hợp đặc thù đó.
Nhưng có một lý do không ai nói ra: ô tô nhập khẩu nguyên chiếc được các doanh nghiệp FDI nhập về Việt Nam đã tăng từ 2% thị phần năm 2010 lên tới 20% năm 2015, theo báo Nhân Dân. Tỷ lệ này sẽ có xu hướng tăng cao lên nữa trong 10 năm nữa, khi thị trường ô tô Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ, và ngành công nghiệp ô tô vẫn như đứa trẻ không lớn sau ¼ thế kỷ bảo hộ. Đương nhiên, miếng bánh này sẽ chỉ dành cho một nhóm nhỏ. Viễn cảnh là người tiêu dùng Việt Nam sẽ chỉ là những bầu sữa cho họ.
Thực ra chẳng có quốc gia nào có văn bản pháp lý kiểu Thông tư 20 như của Việt Nam. Hầu hết, nhất là các nước đang phát triển, đều áp dụng nhập khẩu song song. Nói một cách đơn giản, giá xe của hãng A có thể rất cao ở thị trường X nhưng lại rất thấp ở thị trường Y vì nhiều yếu tố. Đương nhiên, hãng A không muốn ai khác nhập khẩu xe đó từ thị trường Y về bán ở thị trường X, và lobby chính sách để chặn việc này. Nhưng chính phủ nước X lại cho doanh nghiệp nhập khẩu từ thị trường Y để bán ở thị trường mình để bảo vệ người dân khỏi giá cao do hãng A áp đặt. Đó là nhập khẩu song song, cơ chế đang được áp dụng trong ngành dược, hay sữa ở Việt Nam.
Tôi cứ ám ảnh mãi khi chứng kiến một phụ nữ có bầu bị té xe máy trên đường về. Chị nằm ngất lịm trên đường trước khi được chở đi cấp cứu. Cũng cảm giác đó ở mức kinh hoàng hơn là mỗi khi tôi vào Việt Đức, bệnh viện cấp cứu nhiều nhất những nạn nhân tai nạn giao thông… Có thể, số người bị tai nạn giao thông ít đi, nhiều tính mạng được bảo vệ, khi thay vì đi xe máy, họ có thể sở hữu một chiếc ô tô, hay được hưởng dịch vụ giao thông công cộng tốt hơn từ nhà nước. Đáng tiếc, đó chỉ là mơ ước cho đại đa số người dân còn quá nghèo trong khi giá ô tô lại cao nhất thế giới, sau Singapore.
Những cái bắt tay của các doanh nhân Việt Nam ở hai đầu chiến tuyến hôm qua chỉ là cử chỉ thân thiện tức thời. Dù vậy, tôi chợt nghĩ, vì sao họ không thể bắt tay nhau, cùng cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng vì lợi ích của chính người dân mình, của số đông. Đó mới là là điều đáng giá nhất, chứ cãi nhau có thắng thì cũng chỉ được phần bánh nhỏ nhoi, vì phần lớn đã thuộc về các nhà sản xuất ô tô nước ngoài, các doanh nghiệp FDI. Nhưng ai để họ làm như vậy?