Quy hoạch có nhằm “hợp thức hóa” cho dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng?

VietTimes -- "Ý kiến một số nhà khoa học phản ánh dư luận cho rằng Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng- sông Thái Bình đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng nhằm “hợp thức hóa”, “rộng đường” cho dự án giao thông đường thủy xuyên Á dọc sông Hồng không có trong Quy hoạch sông Hồng từng bị người dân phản đối. Xin cho biết quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này?", PV đặt câu hỏi với người phát ngôn Chính phủ trong phiên họp báo thường kỳ tháng 7/2016.
Dự án xây tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp làm đập thủy điện qua sông Hồng gây tranh cãi
Dự án xây tuyến giao thông thủy xuyên Á kết hợp làm đập thủy điện qua sông Hồng gây tranh cãi

Theo đó, đại diện Chính phủ thông tin: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nói trên vì chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững (văn bản số 766/TTg-KTN ngày 09/5/2016).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân. Căn cứ đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ý kiến của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định đề cương của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng trong đó quy hoạch tài nguyên nước chỉ là một nội dung của Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng.

Cũng tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi: "Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) vừa gặp sự cố vỡ ống chứa trong quá trình vận hành thử, tràn hóa chất ra suối Đắk Dao, gây cá chết và một số người dân bị bệnh ngoài da. Từ một số sự việc xảy ra tại các nhà máy khai thác titan, bauxite, alumin, nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng công trình và nguy cơ xảy ra các sự cố làm ảnh hưởng môi trường. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?"

Trả lời câu hỏi trên, đại diện Chính phủ cho biết: Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản khá đầy đủ và khá đồng bộ, như: Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị quyết 02/NQ-TW của Bộ Chính trị, Chiến lược Khoáng sản... Tất cả các văn bản nêu trên nhằm tăng cường quản lý hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả khoáng sản và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo về quản lý hoạt động khoáng sản, trong đó tập trung vào công tác xây dựng quy hoạch, đánh giá môi trường chiến lược, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của các cơ sở sản xuất; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Nhờ đó, hoạt động về khoáng sản đã được quản lý chặt chẽ hơn, từng bước phát huy được hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục bước đầu tình trạng khai thác bừa bãi, lãng phí các nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

Vừa qua đã xảy ra sự cố tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông (vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm dẫn đến kiềm bị chảy ra ngoài Nhà máy và chảy vào suối Đăk Yao). Ngay sau khi xảy ra, sự cố đã được khống chế hoàn toàn; sau 24 giờ các cơ quan giám sát môi trường đã quan trắc trên dòng suối và xác định nồng độ PH ở mức cho phép. Tuy vậy cũng đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội.

"Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và các cơ sở sản xuất cần tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định kể cả trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như trong quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn khai thác, chế biến khoáng sản; chủ động có các biện pháp dự phòng để ứng phó khi xảy ra sự cố", người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh.

Ông cũng thông tin về kết quả đánh giá môi trường biển miền Trung, trên cơ sở "yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đánh giá chính xác môi trường biển 4 tỉnh miền Trung" mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra trong buổi sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ này.

"Công tác khảo sát, đánh giá môi trường biển trải dài hàng trăm km từ tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi có thời gian và nguồn lực. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) hiện đang cùng với các Bộ, ngành chức năng khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ Y tế,... tiến hành nhiệm vụ này một cách khoa học, cẩn trọng và khẩn trương với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước. Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành khác, nhất là Bộ TNMT xây dựng đề án khôi phục lại hệ sinh thái biển khu vực bị ảnh hưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ", người phát ngôn Chính phủ cho hay.

X.T