Báo chí Nhật bản nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể dùng giàn khoan thăm dò trên làm tiền đồn phục vụ cho mục đích quân sự. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật, Tokyo phát hiện radar vào cuối tháng 6 vừa qua, và đã chính thức phản đối thông qua đại sứ quán của nước này ở Trung Quốc hôm 5/8, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh giải thích rõ mục đích của thiết bị này.
Cũng trong ngày 7/8, tin cho hay, một số lượng kỷ lục các tàu hải cảnh và tàu cá của nhà nước Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Nhật Bản tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông.
Sự xuất hiện của 13 tàu vào nơi gọi là “vùng giáp ranh” vẫn tiếp tục, bất chấp phản đối của Tokyo về sự hiện diện trước đó của hàng trăm tàu cá và tàu tuần duyên. Trước đó một ngày, Tokyo đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh sau khi phát hiện hàng trăm tàu bè của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khoảng 230 tàu cá và 6 tàu tuần duyên của Trung Quốc hiện diện tại vùng giáp ranh gần các hòn đảo không người ở mà Bắc Kinh cũng có tuyên bố chủ quyền. Đại diện của Bộ Ngoại giao Nhật cho biết rằng số lượng tàu thuyền lớn hơn nhiều so với con số chính quyền Nhật Bản từng thấy.
Một quan chức từ Cục Hải dương và châu Á của Bộ Ngoại giao Nhật cho rằng hành động “đơn phương này gây căng thẳng” và “không thể chấp nhận được”. Sự phản đối mới nhất này gây thêm căng thẳng trong quan hệ song phương giữa hai nước láng giềng châu Á, và xảy ra chưa đầy một tháng sau khi Tòa Trọng tài ở La Haye, Hà Lan, bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo VOA, Nhật Bản từng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc xây dựng các giàn khoan thăm dò dầu khí ở biển Hoa Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh hành động đơn phương bất chấp một thỏa thuận ký năm 2008, theo đó đôi bên đồng ý duy trì hợp tác về phát triển tài nguyên trong những khu vực chưa có đường phân định lãnh hải chính thức.