Sáng 6/8, sau khi phát hiện ra các tàu tuần duyên Trung Quốc ở gần các đảo đang có các tranh chấp là Senkaku/Điếu Ngư, vụ các vấn đề châu Á và Đại dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã có những kháng nghị mạnh mẽ tới đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo.
Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã yêu cầu các tàu này phải rời đi ngay lập tức và «không bao giờ được tiến vào các vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản». Thông cáo nhấn mạnh: «Nhật Bản không thể chấp nhận, trong bất kể trường hợp nào, việc các tàu Trung Quốc hoạt động ngoài khơi quần đảo Senkaku, vì điều này làm trầm trọng thêm tình hình và gây gia tăng căng thẳng trong khu vực».
Vụ việc này xảy ra một ngày sau khi Nhật Bản triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo lên Bộ Ngoại giao để phản đối việc các tàu Trung Quốc lần đầu tiên xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền Nhật Bản vào chiều ngày 5/8.
Các căng thẳng liên quan tới các đảo và bãi đá ở vùng biển phía nam Nhật Bản bắt đầu từ năm 2012, ảnh hưởng mạnh mẽ tới quan hệ hai nước. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người ở, thuộc quyền quản lý của Nhật Bản nhưng Trung Quốc phản đối chủ quyền của Nhật Bản. Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục điều tàu bè và máy bay tiến vào khu vực này, đẩy tình hình tiếp tục leo thang căng thẳng.