Báo Italia nói Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi “trò bẩn” ở Syria

Mục đích hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành một cường quốc trong khu vực. Để đạt được mục đích này, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chơi “trò bẩn” là hợp tác, thúc đẩy lực lượng khủng bố và sẵn sàng “phản bội” đồng minh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Nhận định trên được tờ báo phân tích Il Giornale của Italia đưa ra. Theo Il Giornale, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan không hề giấu giếm mục đích bắn hạ Su-24 của Nga với lý do là để bảo vệ an ninh và quyền của “những người anh em” của mình ở Syria.

“Những người anh em” ở đây, theo Il Giornale, không chỉ là cộng đồng người Turkmen mà là cả những tổ chức khủng bố và lực lượng IS do Ankara hậu thuẫn.

Sau gần 20 năm cầm quyền, ông Erdogan gần như đã Hồi giáo hóa Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu chính sách leo thang ảnh hưởng. Erdogan không hề giấu giếm ý định sẽ biến miền Bắc Syria (khu vực giữa tỉnh Aleppo và Latakia) trở thành tỉnh thứ 82 của Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó mở rộng khu vực lãnh thổ sinh sống cho cộng đồng người Turkmen để phục vụ mục tiêu lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo tính toán của Erdogan, việc lật đổ ông al-Assad sẽ là tiền đề quan trọng để phá bỏ trục Hồi giáo dòng Shitte (Iran, Syria và Hezbollah). Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết tâm theo đuổi mục đích này trong gần 4 năm qua và đã chi một số tiền không nhỏ cho các phần tử khủng bố, các lực lượng đối lập để gây nội chiến, lật đổ chế độ Damascus.

Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn tập hợp khá nhiều binh lính không có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đưa đến Syria. Tuy nhiên, thay vì tiêu diệt các phần tử khủng bố quốc tế IS, Thổ Nhĩ Kỳ lại lùng sục lực lượng người Kurd ở Syria để tiêu diệt.

Sự ủng hộ, dung túng IS của Thổ Nhĩ Kỳ, theo Il Giornale, là để kiếm lợi từ việc buôn bán dầu với IS. Thổ Nhĩ Kỳ mua dầu do IS khai thác từ các khu vực chiếm đóng được ở Syria với giá rất rẻ mạt, chỉ từ 15-20 USD/thùng, sau đó bán ra thị trường quốc tế với giá đắt gấp nhiều lần.

Những hành động sai trái này của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cản trở bởi trục Hồi giáo Shitte và đặc biệt là chiến dịch không kích IS của Nga. Đây chính là các nhân tố giúp ông al-Assad duy trì được quyền lực, qua đó khiến tham vọng của ông Erdogan bị phá hỏng.

Từ phân tích trên, Il Giornale cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng kiếm cớ để khơi mào cuộc chiến và kéo NATO tham gia vào cuộc chiến này, đúng như nhận định của tướng Harald Kujat của Đức đưa ra năm 2014: “Thổ Nhĩ Kỳ muốn lôi kéo NATO vào xung đột này vì mục đích chính của Thổ Nhĩ Kỳ là lật đổ ông Bashar al-Assad”.

Theo Infonet