Giờ đây, người dùng không nhất thiết phải chọn mua những chiếc smartphone với con chip cao cấp như Snapdragon 820, 821 hay 835 để có một trải nghiệm mượt mà, mà ngay cả những con chip tầm trung như Snapdragon 430, 625 hay 650 cũng đã đủ để khiến đa số hài lòng. Trong khi đó với RAM, mặc dù cuộc đua vẫn đang diễn ra (với người dẫn đầu là Asus Zenfone AR với RAM 8GB), tuy nhiên đa phần người dùng cũng đã dần nhận ra rằng dung lượng RAM không còn mang nhiều ý nghĩa, và thời điểm hiện tại, chỉ cần 3-4GB là đã có thể đáp ứng tốt nhu cầu của họ.
Trước cảnh các nhà sản xuất Android luôn trang bị cho chiếc flagship của mình con chip mạnh mẽ nhất kèm theo dung lượng RAM thừa thãi, đâu sẽ là yếu tố để đánh giá chiếc máy nào cho hiệu năng cao hơn? Bên cạnh phần mềm, chúng ta còn có một khía cạnh phần cứng khác rất quan trọng nhưng lại chẳng mấy ai nói đến, đó chính là tốc độ của bộ nhớ trong. Cũng tương tự như thế giới PC vậy, một chiếc máy tính cho dù chip Core i7, RAM hàng chục GB và dùng HDD thì chắc chắn sẽ vẫn chậm hơn ở nhiều tác vụ so với một chiếc máy chỉ Core i3, RAM vài GB và nhưng sử dụng SSD.
Galaxy S6 ra mắt năm 2015 của Samsung không chỉ là sự lột xác về thiết kế, mà còn là về hiệu năng bộ nhớ trong khi đây là chiếc máy đầu tiên sử dụng công nghệ UFS 2.0, cho tốc độ vượt trội so với chuẩn eMMC truyền thống. Từ đó đến nay, hầu như tất cả các nhà sản xuất đều đã chuyển sang chuẩn này trên dòng sản phẩm cao cấp của mình.
Công nghệ UFS 2.0 như một đứa con lai giữa SSD trên PC và eMMC trên các thiết bị di động
UFS 2.0 đã mở ra một kỷ nguyên mới về tốc độ bộ nhớ trên smartphone
Và năm nay, Samsung tiếp tục mang đến cho Galaxy S8 công nghệ UFS 2.1 mới nhất. Đây là một bản nâng cấp từ chuẩn UFS 2.0 nhưng không phải là cú nhảy vọt về hiệu năng, khi nó chỉ bổ sung một số khả năng mới như báo cáo chi tiết về tình trạng "sức khỏe" của bộ nhớ, bảo mật quá trình ghi dữ liệu hay cho phép nhà sản xuất nâng cấp firmware. Tuy nhiên, nhờ thế mạnh của mình, Samsung đã có thể đem đến cho Galaxy S8 những con chip nhớ tốt hơn, từ đó vẫn cho hiệu năng cao hơn so với thế hệ trước.
Thử nghiệm bằng công cụ AndroBench, Galaxy S8 dẫn đầu trong 3/4 bài đánh giá, trong đó có tốc độ đọc ngẫu nhiên (Random Read). Đây là phần thi quan trọng nhất do đa số các tác vụ của người dùng hiện nay đều dựa vào tốc độ truy cập dữ liệu ngẫu nhiên trên bộ nhớ. Phản ánh điều này, khi thử nghiệm một tác vụ thực tế là thời gian khởi động game Asphalt 8, Galaxy S8 cho tốc độ nhanh hơn so với ba chiếc máy khác mà chúng tôi sở hữu.
Yếu tố duy nhất mà Galaxy S8 buộc phải chịu thua "tâm phục khẩu phục" là ở phần thi ghi ngẫu nhiên (Random Write), khi không chỉ riêng Galaxy S8 mà một loạt smartphone khác bị chiếc OnePlus 3T cho "hít khói".
Lý do đến từ việc OnePlus 3T sử dụng filesystem F2FS được tối ưu hóa tốt hơn dành cho bộ nhớ flash, từ đó đem lại một tốc độ cao hơn đáng kể. Tuy nhiên do F2FS đang trong giai đoạn phát triển và chưa thật sự ổn định cũng như đầy đủ tính năng, Samsung vẫn quyết định chọn giải pháp "chậm mà chắc" ext4 trên các dòng sản phẩm của mình. Một khi F2FS trở nên hoàn thiện hơn, Samsung chắc chắn sẽ chuyển sang filesystem này (vì F2FS cũng do chính Samsung tạo ra) và ưu thế của các dòng sản phẩm Galaxy cao cấp sẽ còn được củng cố.
Chưa cần xét đến tương lai, mà ngay từ bây giờ, người dùng Galaxy S8 đã có thể tận hưởng hiệu năng tuyệt vời đến từ tốc độ bộ nhớ trong mà máy đem lại. Kết hợp với những nâng cấp của con chip Exynos 8895/Snapdragon 835, Galaxy S8 hứa hẹn sẽ là tiêu chuẩn mới về hiệu năng mà nhiều smartphone Android khác phải đối chọi trong năm 2017.
Theo Trí thức trẻ
http://genk.vn/khong-phai-chip-khung-hay-ram-day-moi-la-nhan-to-quan-trong-nhung-it-ai-de-y-giup-galaxy-s8-dat-duoc-hieu-nang-dinh-cao-20170416133423747.chn