Từ đầu năm 2016, trên diễn đàn DVB-T2 Việt Nam có một số thành viên đã phản ánh việc tại một số khu vực ở đồng bằng Tây Nam Bộ sát với biên giới Campuchia, người dân khi dò sóng truyền hình số DVB-T2 đã thu được khá nhiều kênh truyền hình Trung Quốc phát sóng từ Campuchia. Nhiều nhất là một số khu vực ở Cần Thơ, An Giang. Long An…, có nơi đã thu sóng được hàng chục kênh truyền hình chủ yếu là kênh Trung Quốc. Thậm chí nguồn tín hiệu truyền hình phát sóng từ Campuchia mà người dân ở miền Tây Nam Bộ thu được còn mạnh hơn tín hiệu truyền hình số DVB-T2 do các đơn vị của Việt Nam phát sóng.
Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã phải xử lý giải quyết 2 vụ can nhiễu phát thanh truyền hình và thông tin di động liên quan đến Campuchia và Trung Quốc tại khu vực biên giới với Việt Nam.
Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, nguyên nhân của việc một số khu vực ở Việt Nam thu được sóng truyền hình từ Campuchia do nước này đang triển khai hệ thống phát sóng truyền hình có công suất lớn ở vùng biên giới, cùng với thời điểm Việt Nam đang triển khai số hóa truyền hình nên có hiện tượng bị chồng lấn sóng truyền hình ở khu vực vùng biên.
Vào ngày 13/7/2016 vừa qua, Cục Tần số vô tuyến điện đã có cuộc họp phối hợp tần số biên giới Việt Nam và Campuchia. Tại cuộc họp, 2 bên đã thống nhất sẽ thành lập nhóm chuyên gia kỹ thuật của hai nước để thường xuyên trao đổi về quá trình số hóa truyền hình, trao đổi thông tin về các giấy phép truyền hình cấp mới tại khu vực vùng biên và phối hợp giải quyết các trường hợp can nhiễu có hại đối với truyền hình. Đồng thời, nghiên cứu khả năng phối hợp cho các đài truyền hình trong dải tần 470-694 MHz phù hợp với lộ trình số hóa của hai nước.
Hai bên đồng ý từ nay đến 2018 sẽ không cấp phép thêm cho các đài truyền hình mới trong dải tần 694-806 MHz, đồng thời thông báo cho nhau về kế hoạch tái sử dụng dải tần này cho thông tin di động (IMT). Sau năm 2018, các đài truyền hình trong dải tần 694-806 MHz phải giảm công suất để tránh nhiễu cho các hệ thống IMT của Việt Nam và Campuchia.
Xử lý can nhiễu tần số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình là một nhiệm vụ khá nặng nề của Cục Tần số vô tuyến điện. Riêng trong năm 2015, Cục đã xử lý một số vụ gây can nhiễu cho các đài phát thanh truyền hình. Cụ thể, 3 vụ nhiễu do đài khác gây ra, 2 vụ nhiễu do trùng tần số, 2 vụ bị nhiễu khi đài VOV triển khai hoạt động, 1 vụ bị nhiễu do thiết bị điện tử gây ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Cục Tần số Vô tuyến điện đã phải xử lý 6 vụ can nhiễu liên quan đến phát thanh truyền hình. Đồng thời tổ chức thực hiện giám sát các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình cáp xử lý các lỗi về EMC và hoàn thiện chất lượng mạng truyền dẫn.
Một kênh truyền hình Trung Quốc màngười dân ở Cần Thơ đã thu sóng được. Ảnh: Diễn đàn DVB-T2 |
Theo ICT News