Thời điểm tắt sóng truyền hình analog ở 4 thành phố chỉ còn 8 ngày nữa, cho đến lúc này hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất ở hai khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ là RTB và SDTV đều công bố đã đảm bảo hạ tầng để truyền dẫn phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu của các tỉnh thành bị ảnh hưởng.
Đợt tắt sóng lần này được coi là có tính chất quyết định tới sự thành công của Đề án số hóa truyền hình vì có tới 23 tỉnh, thành ở hai khu vực đồng bằng có số lượng dân cư đông nhất sẽ về đích sớm so với kế hoạch ban đầu đặt ra.
ICTnews đã thu thập ý kiến của người dân tại các tỉnh, thành về số lượng kênh cũng như chất lượng phủ sóng và được biết, số lượng kênh truyền hình số DVB-T2 mà người dân có thể thu được khá nhiều, tuy nhiên chất lượng thu sóng chưa thật đồng đều giữa các khu vực và có nhiều kênh bị phát trùng lặp.
Cụ thể, theo phản ánh của người dân tại Cần Thơ hiện có thể thu được hơn 70 kênh, Hà Nội 87 kênh, Hải Phòng 70 kênh, TP.HCM 70 kênh, Đồng Tháp thu được 64 kênh. Trong số này tại Hà Nội có tới 34 kênh bị trùng, Đồng Tháp trùng 19 kênh.
Nhiều ý kiến trên Diễn đàn DVB-T2 cho biết, các kênh do VTC phát sóng ra khỏi Hà Nội chất lượng sóng rất kém, trong khi nhóm kênh do VTC phát sóng có nhiều kênh mang nội dung phù hợp với thị hiếu của nhiều người dân. Đặc biệt là kênh TodayTV (VTC7) đang chiếu phim "Cô dâu 8 tuổi" có số lượng khác giả theo dõi rất đông nhưng lại khó xem được trên VTC7 do chất lượng sóng yếu, còn RTB lại ngừng phát sóng kênh này để thay thế bằng kênh YouTV.
Mặc dù thời điểm tắt sóng analog đã đến rất gần nhưng theo khảo sát mới đây của TNS, số lượng người dân đang dùng truyền hình analog quảng bá chưa biết về số hóa truyền hình tại nhiều tỉnh miền Bắc còn ở mức rất cao. Nằm trong nhóm này có Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, số lượng người dân đang xem truyền hình analog quảng bá biết về truyền hình số ở mức trên dưới 50%.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chỉ đạo các đài truyền hình, các đơn vị truyền thông phải tập trung tuyên truyền đến người dân về nội dung: Người dân đã xem được miễn phí những nội dung gì trên truyền hình số, khi gặp khó khăn trong thu xem truyền hình số thì gọi đến tổng đài miễn phí ở đâu, hướng dẫn người dân cách lắp đặt đầu thu hoặc cách chỉnh anten thu sóng.
Bộ TT&TT cũng quyết định dùng đầu số (0511) 1022 làm tổng đài hỗ trợ, tư vấn và giải đáp thông tin số hóa trên toàn quốc. Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các Đài Phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phát nội dung thông báo về đầu số của tổng đài hỗ trợ, tư vấn và giải đáp trên các kênh sóng với tần suất phù hợp.
Theo kế hoạch đã được Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam thống nhất, vào ngày 15/6/2016, 3 thành phố là Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ sẽ tiến hành tắt sóng mềm 7 kênh truyền hình không thiết yếu. Tiếp đó, vào ngày 15/8/2016, sẽ tắt sóng hoàn toàn các kênh analog tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Phòng. Với việc tắt sóng analog tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên vào 15/8, sẽ có 19 tỉnh lân cận của 4 thành phố này bị ảnh hưởng, ước tính có khoảng 50% dân số nằm trong vùng số hóa truyền hình giai đoạn này.
Theo ICT News
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu