Cuộc trao đổi diễn ra khi hiện nay địa phương nào cũng đánh giá “tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp”, nhưng một số địa phương báo cáo không tự phát hiện được tham nhũng trong nội bộ.
Không loại trừ người đứng đầu cũng “dính chàm”
* Khi nói đến việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, ông nghĩ sao khi gần đây nhiều địa phương báo cáo không phát hiện tham nhũng?
- Đúng là vấn đề này đã gây băn khoăn trong dư luận xã hội. Ở đây hiểu rằng có địa phương báo cáo qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện tham nhũng, có địa phương lại báo cáo qua thanh tra và kiểm tra nội bộ chưa phát hiện.
Như vậy, vấn đề chính ở đây là công tác tự phát hiện không đồng nhất với việc trong thời gian qua ở tỉnh, thành đó có hoặc không phát hiện và xử lý việc tham nhũng nào hay không.
"Bộ Chính trị yêu cầu các trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, kiểm toán thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, hạn chế lạm dụng xử lý kỷ luật, hành chính, kinh tế thay cho xử lý bằng pháp luật"
Ông Phạm Anh Tuấn
Có thể các cơ quan chức năng ở địa phương từ bên ngoài vẫn phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật, nhưng từ bên trong, từ nội bộ thì khâu tự phát hiện rất yếu.
* Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- Trong kế hoạch thực hiện nghị quyết trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Trung ương Đảng có giao Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chủ trì tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Sau ba năm, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - trong đó Ban Nội chính trung ương là cơ quan thường trực - thấy có một số bất cập, từ đó đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng, chỉ thị này nêu rõ nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém liên quan đến vấn đề nêu trên trước hết do người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng; chưa ý thức đầy đủ hậu quả của tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, sự tồn vong của chế độ; chưa thật sự coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
* Lâu nay đã có một số văn bản quy định về trách nhiệm người đứng đầu, nhưng đây vẫn là nguyên nhân cơ bản, vì sao thưa ông?
- Theo ý kiến cá nhân tôi thì có ba vấn đề lớn. Một là ý thức trách nhiệm của người đứng đầu không cao dẫn đến không muốn phát hiện, xử lý tham nhũng, ngại va chạm.
Hai là về khách quan, hành vi tham nhũng thường có độ ẩn cao, không dễ phát hiện, nếu không chủ động và không sâu sát thì nhiều khi bị che mắt.
Ba là không loại trừ ở nơi này nơi khác bản thân người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng dính vào tiêu cực, bàn tay đã nhúng chàm thì còn phát hiện, xử lý người khác sao được.
Trong ba trường hợp trên, trường hợp thứ ba nếu phát hiện thì đương nhiên họ phải bị xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với hai trường hợp còn lại, nay chỉ thị của Bộ Chính trị nêu rõ phải xử lý kịp thời và nghiêm minh.
Chỉ thị đã giao người đứng đầu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, trước đây trách nhiệm chưa rõ, nay giao trách nhiệm trực tiếp nghĩa là không được giao khoán cho ai khác, ngay cả với cấp phó.
Thước đo trách nhiệm người đứng đầu
* Như ông nói, tham nhũng là hành vi ẩn, người đứng đầu có thể viện lý do này để biện minh việc cơ quan, đơn vị do họ phụ trách không tự phát hiện được tham nhũng?
- Như tôi đã nói ở trên, chủ động tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ là khâu yếu từ trước đến nay.
Để khắc phục tình trạng này, chỉ thị của Bộ Chính trị giao người đứng đầu phải chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Ở đây có một thái độ rất dứt khoát là nếu như người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, đặc biệt đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng thì phải được xử lý nghiêm minh.
Từ nay trở đi, nếu người đứng đầu không chủ động tự phát hiện tham nhũng trong cơ quan do mình phụ trách, để đến khi cơ quan chức năng bên ngoài phát hiện và thông qua việc phát hiện đó thấy rằng lẽ ra đây là vụ việc có thể được làm rõ từ trong nội bộ thì dứt khoát phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Việc xử lý trước mắt vận dụng theo quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm người đứng đầu và tiếp tục bổ sung theo tinh thần kết quả công tác phòng chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
* Ngoài các nội dung nêu trên, chỉ thị lần này của Bộ Chính trị có những nội dung đáng chú ý nào khác, thưa ông?
- Một khâu yếu khác lâu nay là qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện sai phạm kinh tế nhiều nhưng xử lý theo pháp luật - trong đó có xử lý hình sự - là ít, không tương xứng.
Vì vậy Bộ Chính trị yêu cầu các trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, kiểm toán thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, hạn chế lạm dụng xử lý kỷ luật, hành chính, kinh tế thay cho xử lý bằng pháp luật.
Một vấn đề đáng chú ý khác là Bộ Chính trị yêu cầu sơ kết tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính trung ương và ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy để có sự điều chỉnh theo hướng cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Hiện nay chúng ta có ba cơ quan, đơn vị chuyên trách ở Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Qua nghiên cứu có thể đề xuất những điều chỉnh cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác phát hiện, xử lý tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai
Chỉ thị của Bộ Chính trị nêu: “Phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện với nguyên tắc: tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.
Chú trọng áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng”
Theo Tuổi trẻ