Năm 2017 đã phản ánh một quá trình toàn cầu hóa trong thế giới số. Theo số liệu của GlobalWebIndex, Amazon đã thành công trong việc xâm nhập vào hai khu vực thương mại hàng đầu ở châu Mỹ Latinh, lan sang cả châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi (MEA).
Ngay cả ở Trung Quốc, thị phần chính yếu của Alibaba, Amazon cũng đã thắng lớn khi cứ trong 5 người dùng Internet sẽ có 1 người sử dụng sản phẩm của Amazon.
Trong năm nay, các công ty chủ yếu thu hút người dùng thông qua nền tảng có sẵn, sử dụng tiếp thị người ảnh hưởng để mở rộng quy mô thị trường, tăng khả năng mua trực tuyến của người dùng. Điểm qua báo cáo xu hướng thương mại điện tử 2018 của GlobalWebIndex, chúng ta sẽ thấy các xu hướng này sẽ tiến triển trong năm tới như thế nào.
Cuộc đua thanh toán di động
Có vẻ như việc hướng tới một xã hội không có tiền mặt đang là mục tiêu của nhiều tập đoàn thương mại điện tử. Với tỉ lệ thâm nhập của smart-phone, hai nhà cung cấp thanh toán Alipay và Apple Pay đang nhắm đến nhiều thị trường mới nổi có cơ sở hạ tầng tài chính tương đối kém phát triển để phát triển hình thức thanh toán di động.
Trong đó, Apple Pay hướng tới mở rộng trên quy mô quốc tế dù biết quá trình này rất phức tạp, tốn nhiều thời gian và quá nhiều đầu tư. Ngược lại, công ty mẹ của Alipay, Ant Financial, thì đi theo hướng đầu tư hoặc mua lại các công ty bản địa để tận dụng thị phần địa phương. Ant hiện đã xâm nhập vào Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Indonesia, chủ yếu là các thị trường mà Apple Pay còn hạn chế.
Với đà này, chúng ta sẽ thấy một cuộc đua thanh toán di động khốc liệt giữa Apple Pay và Alipay trong năm 2018. Các thị trường tăng trưởng nhanh sẽ chuộng Alipay hơn. Trong khi đó, các thị trường vững mạnh hơn sẽ ủng hộ một thương hiệu đáng tin cậy như Apple Pay.
Ảnh: ReadITQuik.
Bùng nổ thương mại mạng xã hội
Có thể nói, mua hàng thông qua mạng xã hội sẽ làm thay đổi cách chúng ta mua sắm trực tuyến trong năm 2018.
Trong khi hệ sinh thái thương mại điện tử của các thị trường phương Tây vẫn bắt nguồn từ các nền tảng bán lẻ trực tuyến truyền thống thì các mạng xã hội của Trung Quốc đã đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực này, cho phép người dùng trả tiền cho hóa đơn hoặc mặt hàng (tại cửa hàng hoặc trực tuyến) thông qua mạng xã hội.
Mới đây, Pinterest đã đầu tư nhiều nguồn lực đáng kể vào công nghệ tìm kiếm sản phẩm thông qua hình ảnh. Instagram cũng cố gắng phát triển việc mua sản phẩm trực quan trong các thẻ Tap to View. Cả hai đều là ví dụ tuyệt vời của các nền tảng mạng xã hội sử dụng thế mạnh hiện tại của mình để tăng thêm giá trị thực sự cho trải nghiệm mua sắm.
Tâm điểm của vấn đề ở đây là sự tiện lợi. Thương mại mạng xã hội có thể cho phép trải nghiệm mua sắm trực tuyến liên tục. Người dùng chỉ cần lướt smart-phone, đăng nhập vào tài khoản của mình và tìm ra sản phẩm mình muốn mua.
Chuyển hướng tiếp thị người ảnh hưởng
Tiếp thị người ảnh hưởng (sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng hoặc các KOL để tiếp thị) đã trở thành một chiến lược phổ biến của ngành công nghiệp quảng cáo trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, hình thức này giờ đây đã không còn hấp dẫn như trước nữa. Đây không phải là một chiến lược bền vững và trước sau gì cũng sẽ không còn hiệu quả nếu không thay đổi.
Một trường hợp thay đổi có thể thấy là L’Oréal, thương hiệu đã chuyển các khoản đầu tư đáng kể từ các phương tiện truyền thông truyền thống sang kiểu tiếp thị người ảnh hưởng. Nhờ vào xây dựng đội hình người đẹp "Beauty Squad", doanh số bán hàng đã có ảnh hưởng tích cực.
Thế nhưng, khía cạnh then chốt để họ thành công là vì họ hợp tác với những người ít nổi tiếng hơn, trông đáng tin cậy hơn, thay vì sử dụng các siêu sao đình đám làm hình ảnh đại diện.
Nhìn chung, muốn thành công trong thị trường thương mại điện tử toàn cầu hóa hiện nay thì trước hết phải biết đối tượng khách hàng của mình cần gì, xác định làm thế nào để thu hút cũng như duy trì tính xác thực của sản phẩm.