Xu hướng KOLs Trung Quốc sử dụng thế thân AI để sáng tạo nội dung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Xu hướng này đã làm dấy lên các câu hỏi về tính trung thực và hợp pháp khi những người nổi tiếng sử dụng thế thân AI để tăng thu nhập.

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Vào tháng 9, Chen Yiru, một KOL (người có ảnh hưởng) ở Đài Loan với gần 9 triệu người hâm mộ trên weibo, đã phát trực tiếp cảnh anh ăn chân gà trong 15 giờ đồng hồ.

Những người theo dõi ông đã rất ngạc nhiên – cho đến khi một số người bắt đầu đặt câu hỏi liệu con người có thể thực hiện được kỳ tích như vậy hay không. Dòng bình luận này dường như đã lật tẩy được chiêu trò thế thân của Chen Yiru.

Nhiều người hâm mộ của Chen đã tỏ ra phẫn nộ và được biết anh đã mất hơn 7.000 người theo dõi trong khoảng thời gian từ 24/9 đến 26/9. Các công ty luật cũng rất chú ý tới vụ việc này.

Luật sư Dong Yuanyuan từ hãng luật Tiantai có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng AI thế thân “vẫn sẽ được gắn với người sở hữu” và rằng “các chương trình phát sóng trực tiếp sử dụng AI sẽ không miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho người nổi tiếng”.

Nhưng giống với Chen, nhiều người sáng tạo nội dung cũng đang tận dụng thế thân AI để kiếm lợi. Những người có ảnh hưởng ở Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành thương mại điện tử, đang ngày càng chuyển sang sử dụng các thế thân kỹ thuật số để tung ra nội dung phát sóng trực tuyến 24/7.

Đối với một số "ngôi sao mạng" như Chen, điều này cho phép họ đưa nội dung và thu nhập của mình lên tầm cao hơn nữa. Nhưng đối với những người phát trực tiếp ít được biết đến hơn, AI có thể khiến công việc của họ gặp rủi ro khi các công ty truyền thông hướng tới những người có tầm ảnh hưởng.

Phát trực tuyến hiện là một ngành kinh doanh lớn ở Trung Quốc. Theo iResearch, ngành này đã tuyển dụng hơn 1,23 triệu người vào năm 2020 và có hơn 700 triệu người dùng Internet theo dõi các kênh của họ, theo số liệu từ Daxue Consulting.

Trong khi hiện tượng này bắt đầu bằng những buổi phát sóng trực tiếp khi mọi người nói chuyện, ca hát hoặc giao lưu với nhau, thì hiện nay ngành này đã gắn bó chặt chẽ với thương mại điện tử. Những người phát trực tiếp dự kiến ​​​​sẽ thu về doanh thu 4,9 nghìn tỉ nhân dân tệ (0,5 nghìn tỉ bảng Anh) vào năm 2023, hơn 11% tổng doanh thu của ngành thương mại điện tử.

Các kênh mua sắm phát trực tiếp hiển thị những người có ảnh hưởng chia sẻ và dùng thử sản phẩm trong nhiều giờ liền. Họ có thể trả lời các câu hỏi của người xem về sản phẩm và đưa ra các chương trình giảm giá cũng như khuyến mại cho các thương hiệu.

Giờ đây, các công ty khởi nghiệp AI đang bắt kịp xu hướng bằng cách bán thế thân kỹ thuật số cho những người có ảnh hưởng và các công ty truyền thông. Theo MIT Technology Review, công ty Silicon Intelligence có trụ sở tại Nam Kinh, có thể tạo ra một thế thân AI cơ bản với giá chỉ 8.000 nhân dân tệ. Công ty chỉ cần một phút để đào tạo một người phát trực tiếp ảo.

Một cuộc khảo sát gần đây với 10.000 thanh niên trên Weibo cho thấy hơn 60% sẽ quan tâm đến việc trở thành người có ảnh hưởng trên mạng hoặc người phát trực tiếp. Nhưng chính những người có ảnh hưởng mới nổi này mới là đối tượng mà AI có nhiều khả năng thế thân nhất.

Yaling Jiang, người sáng lập Follow the Yuan, một bản tin về người tiêu dùng Trung Quốc, cho biết: “Xu hướng này có thể gây áp lực lớn lên những người phát trực tiếp có mức ảnh hưởng thấp hơn".

Vào ngày 11/10, chính phủ Trung Quốc đã công bố dự thảo hướng dẫn cho các công ty sử dụng công nghệ AI tạo sinh. Các quy định được đề xuất nói rằng các cá nhân được thế thân bằng AI phải cung cấp sự đồng ý bằng văn bản cho phép dữ liệu sinh trắc học của họ được sử dụng theo cách đó.

Một số nền tảng, như Douyin, có những yêu cầu riêng nhưng không được áp dụng rộng rãi và theo Jiang, “vẫn còn rất nhiều lỗ hổng”.

Thế giới của những người AI phát trực tiếp có thể sớm thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý Trung Quốc. Tuy nhiên cho đến lúc đó, các thế thân AI sẽ ngày càng xuất hiện tràn lan trên các nền tảng phát trực tiếp.

The Guardian