Thành phố Tô Châu thúc đẩy hoạt động livestream bán hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Chính quyền thành phố Tô Châu, thành phố đông dân nhất ở phía đông tỉnh Giang Tô, đã đưa ra 17 biện pháp hỗ trợ cho thị trường livestream bán hàng tại địa phương.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Tô Châu , một trung tâm sản xuất công nghệ cao ở miền đông Trung Quốc, đã công bố một khoản trợ cấp tài chính, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát trực tiếp trong thành phố.

Theo đó, chính quyền thành phố Tô Châu đã đưa ra 17 biện pháp bao gồm cung cấp khoản trợ cấp tiền mặt lên tới 1 triệu nhân dân tệ (137.000 USD) cho những người phát trực tiếp tạo ra doanh thu hơn 50 triệu nhân dân tệ hàng năm và nộp thuế cho thành phố, theo bài đăng trên WeChat hôm thứ Năm giới thiệu chính sách mới này.

Chính quyền địa phương cũng sẽ cung cấp cho các mạng đa kênh của Trung Quốc – các tổ chức trực tiếp làm việc với các thương hiệu để nhận được sự chứng thực từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội – khoản hỗ trợ lên tới lên tới 1,2 triệu nhân dân tệ cho mỗi tổ chức khi họ giành được hợp đồng độc quyền với những người phát trực tiếp nổi tiếng tạo ra doanh thu hàng năm hơn 100 triệu nhân dân tệ.

Các biện pháp khác của Tô Châu liên quan đến việc tuyển dụng thêm “nhân tài” cho lĩnh vực livestream bán hàng của thành phố. Chính quyền thành phố cho biết những cá nhân này sẽ đủ điều kiện nhận các chính sách ưu đãi khác nhau, bao gồm trợ cấp nhà ở và hỗ trợ giáo dục con cái.

“Hiện tại, nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó livestream bán hàng có vai trò quan trọng trong việc kích thích nền kinh tế”, chính quyền thành phố cho biết trong bài đăng trên WeChat.

Sáng kiến ​​này của Tô Châu, nơi có hơn 300 công ty là một phần của chuỗi cung ứng chất bán dẫn Trung Quốc tính đến năm 2022, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của các thành phố lớn trong việc khai thác livestream bán hàng như một phương tiện để thúc đẩy tiêu dùng.

Tô Châu đang bắt kịp các trung tâm livestream bán hàng lâu đời hơn là Hàng Châu và Thâm Quyến.

Hàng Châu, nơi có tới 69.000 người hoạt động trong thị trường livestream bán hàng, đã đạt doanh thu 503 tỉ nhân dân tệ trong 10 tháng đầu năm 2021, theo dữ liệu của chính phủ năm ngoái.

Taobao Live, nền tảng phát trực tiếp của Alibaba, vào tháng 12 năm ngoái đã công bố kế hoạch thu hút 200.000 người có ảnh hưởng mới như một phần trong chiến lược phát triển 100.000 tài khoản phát trực tiếp và 1.000 studio phát trực tiếp.

Vào tháng 3, Thâm Quyến đã tiết lộ kế hoạch trở thành một trung tâm thương mại điện tử phát trực tiếp “có ảnh hưởng toàn cầu” sẽ đạt doanh thu hơn 300 tỉ nhân dân tệ vào năm 2025.

Theo chính quyền địa phương, trung tâm công nghệ phía nam đã tạo ra 165 tỉ nhân dân tệ doanh số từ thị trường livestream bán hàng vào năm 2022.

Chính quyền thành phố Tô Châu cho biết họ đã có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực này. Theo dữ liệu chính thức, vào năm 2022, thành phố đã ghi nhận doanh thu 55 tỉ nhân dân tệ từ thị trường thương mại điện tử phát trực tiếp, tăng 79,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự nhiệt tình hiện tại của nhiều chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy phân khúc thị trường thương mại điện tử này đánh dấu sự tương phản rõ rệt so với hai năm trước đó, khi các hoạt động phát trực tiếp phải hứng chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý.

Trong giai đoạn đó, ​​một số người phát trực tiếp nổi tiếng đã bị buộc tội quảng cáo sai sự thật về sản phẩm và dịch vụ, cũng như làm giả số lượng người mua hàng. Từ đó, hàng loạt quy định mới từ chính quyền đã được áp đặt cho lĩnh vực livestream bán hàng này.

Theo SCMP