Việt Lâm
Việt Lâm

Đại học Fulbright Việt Nam

“Xe ôm công nghệ” và nỗi ám ảnh cử nhân thất nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Do tính chất công việc, tôi thường bắt “xe ôm công nghệ” để đi làm hàng ngày. Hầu hết các tài xế xe ôm tôi đã gặp đều là thanh niên. Để xua đi nỗi nhàm chán của chặng đường dài hơn chục cây số, chúng tôi hay bắt chuyện với nhau. Những người trẻ ấy không ngại ngần chia sẻ với người khách lạ câu chuyện của họ.

Đó có thể là Tuấn, là Đạt, hay Thanh,…từng ôm ấp biết bao giấc mơ tươi đẹp khi lên thành phố học đại học. Rồi khi ra trường, loay hoay mãi không kiếm được việc làm, hoặc nếu có chỉ là những công việc thời vụ, lương thấp. Sau cùng, họ chọn cách ra đường, chạy xe ôm công nghệ như một cách tạm mưu sinh trong khi chờ đợi cơ hội công việc tốt hơn.

“Ai cũng biết không thể chạy xe ôm mãi, chị à. Cả gia đình em đã dồn góp tiền của cho em có tấm bằng đại học, với hi vọng em sẽ đổi đời và được mát mặt với xóm giềng. Em không thể quay về quê được, nên chỉ còn cách bám trụ ở thành phố thôi”, chia sẻ của Tuấn làm tôi ám ảnh mãi.

Gương mặt khắc khổ vì mỗi ngày ngược xuôi hàng trăm cây số trong thành phố đầy bụi bặm và kẹt xe, mỗi ngày Tuấn dậy từ 5h sáng ăn vội cái bánh mì rồi ráng chạy xe cho tới nửa đêm mới lê tấm thân mệt mỏi về nhà trọ. Tấm bằng đại học ngành kế toán- tài chính giấu sâu đâu đó trong vali quần áo, như cất giấu một ước mơ thời trẻ.

Giáo dục không bắt kịp nhu cầu thị trường

Những Tuấn, Thanh, Yến… mà tôi đã gặp không phải là câu chuyện cá biệt. Họ cũng giống như rất nhiều bạn trẻ đang rong ruổi ngoài đường kia, những người đại diện cho con số gần 200 nghìn cử nhân thất nghiệp mỗi mùa ra trường.

Trong số hơn 60% cử nhân tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, chỉ có 40% tìm được việc liên quan đến chuyên môn đã được đào tạo, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2018.

Trong số gần 1 triệu “xe ôm công nghệ”, có tới 80% là sinh viên và cử nhân.

Trong khi đó, ở phía bên kia của bức tranh, việc tuyển dụng nhân sự đủ trình độ theo yêu cầu là nỗi ám ảnh không kém của các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành Navigos Search, công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự hàng đầu ở Việt Nam kể rằng hàng tháng công ty nhận hàng trăm yêu cầu tuyển dụng nhân sự từ các công ty ở Việt Nam nhưng vô cùng chật vật để tìm được người như ý.

Nhiều người thường quy kết thực trạng cử nhân thất nghiệp do lỗi của công tác dự báo cung – cầu lao động, dẫn đến việc trường đại học đào tạo ra những ngành, nghề mà thị trường không cần. Thế nhưng, ngay trong những ngành rất hot hiện nay như công nghệ thông tin, doanh nghiệp vẫn “kêu trời” vì không tuyển được nhân sự đạt yêu cầu.

Báo chí hay viện dẫn trường hợp Intel Việt Nam muốn tuyển 500 kỹ sư, nhưng chỉ có 90 ứng viên trong số 2000 sinh viên công nghệ thông tin vượt qua được vòng kiểm tra, trong đó chỉ có 40 người đạt chuẩn tiếng Anh như một minh chứng nổi bật về sự bất cân xứng giữa nhu cầu thị trường và chất lượng đào tạo.

Các nhà quản lý giáo dục luôn khẳng định trước công luận tỉ lệ cử nhân thất nghiệp ở Việt Nam là hoàn toàn bình thường trong ngưỡng của thế giới. Nhưng những con số không biết nói dối. Bảng xếp hạng chất lượng giáo dục đào tạo của 140 quốc gia và nền kinh tế của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng Việt Nam đứng thứ 128/140 về kỹ năng của lao động khi ra trường và thứ 115/140 về chất lượng dạy nghề.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM xếp hàng tham dự sự kiện tư vấn tuyển sinh của Đại học Fulbright Việt Nam.
Học sinh lớp 12 tại TP.HCM xếp hàng tham dự sự kiện tư vấn tuyển sinh của Đại học Fulbright Việt Nam.

Nhiều năm làm tư vấn chiến lược và quản lý đội ngũ nhân sự đến từ nhiều quốc gia, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng giám đốc PricewaterhouseCoopers Việt Nam thẳng thắn chỉ ra thực tế các nhân sự người Việt, mặc dù có kiến thức chuyên môn khá vững nhưng thường thua kém so với đồng nghiệp quốc tế về các kỹ năng mềm.

Trong khi đó, đây lại là những nhân tố quyết định đến khả năng thăng tiến và thành công lâu dài trong sự nghiệp.

Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng giáo dục đại học đã không làm tròn trách nhiệm trong việc chuẩn bị cho sinh viên thích nghi với những yêu cầu công việc ngoài thị trường, đặc biệt là những ngành đòi hỏi kỹ năng cao.

Học gì để không thất nghiệp?

Đó là câu hỏi đầy ưu tư mà tôi thường nhận được trong mỗi mùa tư vấn tuyển sinh của Đại học Fulbright Việt Nam. Câu hỏi mà ngay cả những chuyên gia tư vấn nhân sự đầy kinh nghiệm cũng không thể trả lời một cách chắc chắn bởi hầu hết những dự báo xu hướng ngành nghề, công việc có thể lạc hậu chỉ trong vòng 3 năm sau, bởi sự thay đổi đến chóng mặt của thời đại công nghệ.

Dù muốn hay không, chúng ta đều phải thừa nhận một thực tế rằng: cho dù bạn có làm nghề gì đi chăng nữa thì những kiến thức cụ thể mà bạn học ở trường đại học sẽ ít nhiều trở nên lạc hậu với công việc hàng ngày mà bạn sẽ làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Những người theo học kĩ thuật lập trình máy tính cách đây hơn 10 năm giờ đang phải đương đầu với một thế giới mới của các ứng dụng và thiết bị di động. Những người học ngành quảng cáo, marketing đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của AI, với những công cụ có thể phân tích, dự báo thị trường nhanh và chuẩn xác gấp hàng chục lần.

Tương lai càng khó đoán hơn nữa khi mọi dự báo đều cho rằng trong 10 năm tới, gần 2/3 công việc hiện tại sẽ biến mất và cũng ngần đó công việc mới sẽ được sinh ra!

Đối mặt với một thế giới bất định như vậy, có lẽ câu hỏi “học gì?” không còn quan trọng bằng câu hỏi “bạn có thể làm được gì?”. Giới trẻ của ngày hôm nay cần nhiều hơn một điểm xuất phát. Họ cần một khung kỹ năng toàn diện để định hướng trong một thế giới mới đầy phức tạp và biến động.

Dẫn chứng câu chuyện về một bạn trẻ học ngành hóa thực phẩm, mới ra trường được 6 tháng và được Navigos giới thiệu thành công cho một doanh nghiệp Mỹ, với mức lương 80 triệu/tháng và làm công việc phân tích dữ liệu, vốn hoàn toàn không liên quan gì đến chuyên ngành đã học, bà Mai cho biết:

“Trừ một số ngành đặc thù, hầu hết các doanh nghiệp đều không quan tâm nhân sự xuất phát điểm học gì vì họ sẵn sàng đào tạo lại. Về căn bản, doanh nghiệp chú trọng tìm kiếm nhân sự có khả năng thích ứng, ham học hỏi, thái độ tích cực, kỹ năng giải quyết vấn đề…”.

Hơn lúc nào hết, đã đến lúc, giáo dục cần thay đổi căn bản cách tiếp cận truyền thống. Thay vì chăm chăm vào việc “dạy chữ”, dạy kiến thức, nhà trường cần trang bị cho sinh viên nền tảng tư duy, kĩ năng và thái độ đúng đắn để họ có thể thích ứng với cuộc sống vốn đầy áp lực, biến động và bất định bên ngoài cánh cửa trường đại học.

Khi đó, chúng ta mới mong bớt đi những bạn trẻ như Tuấn,…phải ngậm ngùi xếp xó tấm bằng đại học để vật lộn trong cuộc mưu sinh cực nhọc hàng ngày.