Bạo hành, từ hiện tượng tới bản chất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nạn bạo hành trẻ em phải được nhìn từ chiều sâu của nó, và giải quyết từ chiều sâu ấy, chứ không chỉ là bàn luận những sự kiện đơn lẻ với những hành động dã man mà ai nhìn cũng thấy.

LTS: Vụ việc cháu bé 8 tuổi bị bạo hành dã man ở Tp.HCM đang gây phẫn nộ trong dư luận. Nhà giáo Minh Tuấn có bài viết lý giải sâu căn nguyên tâm lý của nạn bạo hành nói chung và hướng ngăn ngừa. Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

Cách đây đã ngót 100 năm (1926) trong bài diễn thuyết cuối cùng được xem như tác phẩm tổng kết tư tưởng của mình, nhà khai sáng Phan Châu Trinh đã cho chúng ta biết một thực tế rằng: “Ta thử xem gia đình của ta bây giờ thì cha mẹ coi con như của, nói rằng của mình đã sinh ra, mình muốn thế nào thì phải thế […]. Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như các nhà nghèo thì dạy con thì tát, thì chửi, thì đánh thì nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy”.*

Phan Châu Trinh, Đạo đức và luân lý Đông Tây

Phan Châu Trinh, Đạo đức và luân lý Đông Tây

Những tổng kết và nhận định trên đây của cụ Phan là rất quan trọng trong việc giúp chúng ta hiểu xã hội, gia đình và con người Việt Nam trong các thế kỷ trước. Hiểu rằng cách người Việt quan niệm và giáo dục con cái sau 100 năm ấy, về cơ bản, đến nay không có nhiều thay đổi.

Chính kiểu gia đình gia trưởng/chuyên chế này, theo chúng tôi, đã sinh ra những thế hệ người Việt mang trong mình cả sự tổn thương tâm lý nặng nề và cả những lệch lạc trong nhân cách, mà nói một cách thẳng thắn thì đó chính là tình trạng mắc bệnh – căn bệnh tinh thần theo đúng nghĩa đen của nó.

Lối chuyên chế gia đình (tất nhiên là có ảnh hưởng hữu cơ từ những đặc điểm của xã hội) đã sản sinh ra hai biểu hiện trái ngược nhau ở mỗi người: vừa mang tính cách nô lệ với kẻ trên nhưng hà khắc với kẻ dưới. Vế thứ hai này có thể tham khảo thêm nhận định của Phạm Quỳnh khi ông dẫn lời Marquet: Mỗi người An Nam là một ông quan ngầm".**

Tâm lý học hiện đại từ nền tảng Phân tâm học của Freud đến các công trình trứ danh của Jean Piaget và hàng trăm nghiên cứu giá trị trên khắp thế giới đã chỉ ra cho chúng ta thấy sang chấn tâm lý, vòng lặp bệnh lý khi những người bị tổn thương luôn có xu hướng gây nên tổn thương tương tự cho người khác mỗi lúc họ có cơ hội. Mà trong thực tế, dường như ai cũng có cơ hội để trở thành cha mẹ. Rồi những di chứng của quá khứ sẽ được họ lặp lại đối với chính con cái mình. Cứ thế, hết thế hệ này đến thế hệ khác, trải qua nhiều trăm năm chưa dứt, tình trạng bạo hành đã làm ra một cộng đồng mang tính cách bạo lực. Từ đây mà nhìn thì thấy tất cả là nạn nhân chung của “lịch sử”.

Cũng xin nói thêm, tình trạng bạo hành trẻ em là một hiện tượng phổ biến trên thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam***. Vấn đề mà chúng ta cần đào sâu ở đây là xem đó là một vấn đề cá nhân hay xã hội, là sự thiếu hiểu biết hay một vấn đề văn hóa, là ngẫu nhiên hay bản chất v.v..

Hai chữ bạo lực đã bị nhiều người hiểu một cách thô sơ khi chỉ gắn nó với chuyện thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Cha mẹ Việt bây giờ đã ít đánh con hơn so với cách đây vài thập kỷ. Tuy nhiên, những chỉ trích, xúc phạm, đe dọa, ra lệnh, áp đặt v.v.. thì vẫn rất nặng nề và phổ biến, ngay cả với những người cha mẹ trẻ được ăn học trong môi trường hiện đại. Nhìn một cách vi tế hơn, bao lực, đó còn là sự bỏ mặc, là ánh mắt giận dữ, là sự sưng sỉa mặt mày đối với con cái, đối với học trò. Nói tóm lại, đó là tất cả những gì gây sức ép một cách tiêu cực lên đứa trẻ như một hình thức trừng phạt. Một câu nói như “con làm mẹ rất buồn” hay “mẹ rất thất vọng” đôi khi còn hơn cả một trận đòn.

Tai hại ở chỗ, những hành xử bạo lực này, theo quan sát của chúng tôi đang khá phổ biến trong xã hội, đang hiện diện trong khá nhiều những ngôi nhà Việt, từ những ngôi nhà tranh tre nứa lá, nhà cấp 4, đến những ngôi biệt thự xa hoa.

Như một nạn nhân của quá khứ, nhiều cha mẹ Việt không đủ kiên nhẫn để làm bạn và trò chuyện với con. Ném cho chúng một chiếc điện thoại, nếu không ra lệnh – đó là cách giải quyết vấn đề của đa số. Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, trẻ em phải được tôn trọng. Cha mẹ hay thầy cô phải thuyết phục bằng sự phân tích, diễn giải cho đến khi nào đứa trẻ hiểu và tự nguyện thực hiện. Không có chuyện dùng sức mạnh để áp đặt ý chí lên những đứa trẻ.

Cái tinh thần bình đẳng và tôn trọng này đã giúp hình thành ở trẻ em tính cách phi bạo lực. Và chúng sẽ tiếp tục di truyền lại cho thế hệ kế tiếp, chúng tôi gọi đó là “di truyền văn hóa”.

Một cách cơ bản, xã hội và gia đình Việt Nam chưa có được những giá trị ấy trên một mặt bằng mang tính đại diện. Chúng ta có thừa tình yêu thương dành cho con trẻ, yêu thương tới mức sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con”, nhưng chúng ta lại thiếu trầm trọng một di sản-văn hóa-của sự tôn trọng. Điều này tạo thành một kiểu ứng xử tự mâu thuẫn: vừa thương yêu, vừa dữ dằn; vừa nuông chiều, vừa khắc nghiệt… Và cứ thế, những đứa trẻ không sao lớn lên một cách lành mạnh được.

Những hiện tượng bạo hành trở thành vụ án hình sự chỉ là sự “kết tinh” và là biểu hiện ra bên ngoài một cách tất yếu của một khí quyển bạo lực tinh thần bàng bạc trong khắp xã hội. Pháp luật và cách thức quản lý xã hội có thể giúp giảm thiểu, thậm chí ngăn chặn tình trạng bạo hành theo kiểu ấy; tuy nhiên, để gột sạch căn bệnh bạo lực trong tâm hồn và tính cách thì hơn hết, phải xóa bỏ được nạn chuyên chế, cả trong gia đình, nhà trường và xã hội bằng con đường của khai minh văn hóa kết hợp với thiết chế quản trị khoa học.

Và tất nhiên, đó không phải chỉ là lối để giải quyết mỗi vấn đề bạo hành trẻ em, nó cũng là con đường giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thật nhanh, là điều kiện cần để đưa đất nước tiến nhanh tới chỗ hạnh phúc, hùng cường.

(ảnh minh hoạ)

(ảnh minh hoạ)

* Nguyễn Văn Dương (biên soạn), Tuyển tập Phan Châu Trinh, NXB Đà Nẵng - Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 1995

** Phạm Quỳnh, Phụ mẫu dân hay công bộc dân, Nam Phong số 102 (tháng 1 và 2 năm 1926)

*** https://cand.com.vn/Muon-mau-cuoc-song/Nhung-con-so-gay-soc-ve-nan-bao-hanh-tre-em-toan-cau-i451157/

http://hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1145/56056/bao-luc-xay-ra-voi-tre-em-tren-toan-the-gioi