Thống kê số ca nhiễm COVID-19: cần nghiêm túc, nhìn thẳng sự thật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đại dịch Covid-19 giờ không nguy hiểm như năm 2021 nhờ chúng ta kịp tiêm phủ vắc xin trên diện rộng, song nó vẫn chưa phải là một bệnh cúm thông thường và để bảo đảm dập dịch hiệu quả, việc thống kê ca mắc cần làm thực chất.

LTS: Có thống kê đúng mới hiểu đúng được tình hình, từ đó mới vạch ra được giải pháp đúng để cải thiện tình hình. Bất kỳ lĩnh vực KT-XH nào cũng vậy và việc dập dịch Covid-19 cũng không thể là ngoại lệ. VietTimes trân trọng đăng tải bài nêu quan điểm của nhà báo Hoà Bình.


Số ca mắc mới liên tiếp lập đỉnh

Trước Tết nguyên đán Nhâm Dần, số ca nhiễm mới trên toàn quốc chỉ ở mức trung bình 15.000 một ngày. Nhiều chuyên gia chống dịch uy tín như bác sĩ Trương Hữu Khanh – Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1 TP.HCM), PGS.TS.BS Lê Minh Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM; BS. Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy… đều lên tiếng khẳng định chắc chắn sau Tết số ca mắc mới sẽ tăng.

Song ít người có thể hình dung số ca mắc mới lại liên tiếp lập kỷ lục, và chạm mức gây "chóng mặt" như những ngày gần đây. Con số mắc mới cả nước đã nhanh chóng vượt mức 100.000 F0 sau mỗi 24 giờ; hiện tại đang là mức trên 130.000 F0/một ngày.

Rất khó hiểu là lần lượt nhiều tỉnh, thành phố đang phải cập nhật bổ sung số ca mắc mới, mỗi tỉnh đều ở mức vài chục ngàn F0.

Cụ thể, ngày 28/2, tỉnh Quảng Ninh đăng ký bổ sung 28.000 F0. Ngày 4/3/2022, Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 29.074 ca, Sở Y tế Quảng Ninh tiếp tục đăng ký bổ sung 18.970 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Mới nhất, ngày 5/3, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 131.817 ca Covid-19, có hai tỉnh là Phú Thọ và Thái Nguyên bổ sung tới hơn 41.000 ca.

Test COVID-19 được thực hiện liên tục, khi số ca mắc mới ở nhiều tỉnh thành đang tăng lên chóng mặt. Ảnh: HCDC

Test COVID-19 được thực hiện liên tục, khi số ca mắc mới ở nhiều tỉnh thành đang tăng lên chóng mặt. Ảnh: HCDC

Thống kê nếu sai thiếu, không thể viện dẫn bất cứ lý do nào

Bài học về sự cố TP.HCM xin bổ sung 150.000 F0 nhưng không được Bộ Y tế chấp nhận hồi đỉnh dịch tháng 9/2021 không lẽ không có ý nghĩa gì đối với các tỉnh đang ở đỉnh dịch hiện tại?

Với TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – lý giải, ở đúng cao trào đỉnh dịch, tính từ tháng 8/2021 đến tháng 9/2021, Thành phố chưa thông báo số ca test nhanh dương tính mà chỉ đăng ký mã số cho bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR dương tính. Chính vì thế, TP.HCM xin bổ sung số ca F0 được xác định qua test nhanh kháng nguyên, cộng dồn lên đến 150.000 ca.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, 150.000 người bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với COVID-19 chưa được Bộ Y tế cấp mã số đều có trong danh sách của TP.HCM, được ngành y tế tiếp nhận, lập danh sách được theo dõi quá trình điều trị tại nhà.

Hồi cuối tháng 12/2021, tỉnh Tây Ninh cũng bổ sung hơn 18.000 F0, vì lý do giai đoạn này số lượng F0 phát sinh lớn, tuy đã có sự chi viện y tế từ các tỉnh nhưng việc truy vết F0 diễn ra liên tục, số lượng lấy mẫu cần xét nghiệm mỗi ngày rất lớn, nguồn thiết bị, nhân lực y tế bị quá tải. Do đó, việc nhập mã số bệnh nhân bị chậm trễ.

Tuy nhiên, bất luận vì đang ở cao trào đỉnh dịch, hay vì cách tính của cơ quan chức năng khác nhau thế nào, quyền lợi của tất cả người bệnh là được điều trị và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật, của nhà nước và chính quyền sở tại từng địa phương. Để dẫn đến thiếu sót, không cập nhật đầy đủ, không thống nhất về phương pháp đều là lỗi của cơ quan chức năng, có thể khiến người dân chịu thiệt hại, thiếu thuốc điều trị, không được cấp cứu kịp thời nếu chuyển nặng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Còn nhớ giai đoạn đỉnh dịch 2021 với số ca nhiễm mới hàng ngày cực lớn, TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã phải trải chịu nhiều hệ luỵ nghiêm trọng như thiếu lương thực, thực phẩm, cạn kiệt thuốc men và vật tư y tế, thiếu máy thở, không đủ bác sĩ và giường bệnh để cấp cứu kịp thời, đa phần người dân lại chưa được tiêm đủ vaccine, hệ quả là đã phải trả giá rất đắt về sức khoẻ và sinh mạng.

Còn giai đoạn hiện tại, đa số người dân đã được tiêm đủ 2-3 mũi vaccine; thực hiện tự cách ly điều trị tại nhà cho nên ngành Y không bị quá tải; chính vì thế, không thể nêu bất cứ lý do gì dẫn đến sự chậm trễ, sai sót trong công tác cập nhật số liệu F0 những ngày này.

Trong lúc TP.HCM ở đỉnh dịch, lực lượng sinh viên tới từ nhiều tỉnh thành đã hỗ trợ nhập liệu số ca F0 mới ngay tại hiện trường test COVID-19

Trong lúc TP.HCM ở đỉnh dịch, lực lượng sinh viên tới từ nhiều tỉnh thành đã hỗ trợ nhập liệu số ca F0 mới ngay tại hiện trường test COVID-19

Trong thời điểm hiện nay, theo quan điểm của người viết, nếu có việc sai thiếu về con số thống kê, thì không phải do ngành y đang bị quá tải, mà do đó đây vẫn còn có quan điểm cho rằng việc thống kế là không cần thiết, và vì không cần thiết mà vẫn phải làm theo quy định thì cứ làm cho có để đối phó chứ chưa thật sự nghiêm túc, nhìn thẳng sự thật.

Xin nhắc lại, so với trước Tết nguyên đán, thì hiện tại số ca mắc mới đã tăng gấp hơn 10 lần. Đặc biệt là trên địa bàn “nóng” – thủ đô Hà Nội nhiều ngày gần đây có số ca nhiễm tăng "chóng mặt". Chỉ riêng ngày 5/3, số F0 mắc mới tại Hà Nội đã là trên 25.000 ca sau 24 giờ.

Đáng bàn là rất nhiều người dân Hà Nội đã lên các diễn đàn, mạng xã hội than phiền sau khi tự test nhanh cho kết quả dương tính COVID-19, để mời được y tế phường sở tại đến test khẳng định cũng phải mất vài ngày, khiến không thể có xác nhận kịp thời, không được bác sĩ phù hợp kê toa để đi mua thuốc đặc trị Molnupiravir, trong khi thực tế loại thuốc này đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị và đã được phép bán kê đơn tại các nhà thuốc. Tác dụng chính của loại thuốc này là ức chế sự phát triển của virus trong các ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 kể từ khi có các triệu chứng rõ rệt. Vậy chỉ vì sự chậm trễ, hoặc thiếu nghiêm túc trong công tác thống kê, chắc chắn một số lượng lớn F0 đã bị bỏ qua cơ hội giảm nhẹ bệnh tình.

Mặc dù những ngày này, đối lập với số ca nhiễm tăng “chóng mặt”, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 đã khá thấp, nhưng xin hãy nhớ rằng với một tỷ lệ nhỏ hơn nhưng nhân với một tổng số ca lớn hơn gấp bội thì tích số vẫn có thể là một con số gây nhức nhối, đau xót. Thật vậy, giả sử 2/3 dân số sẽ nhiễm bệnh trước khi đại dịch suy tàn thì con số sẽ là 60-70 triệu, lấy con số này nhân với tỷ lệ trở nặng hay tỷ lệ tử vong ước lượng ta sẽ có những con số gây giật mình với hầu hết mọi người.

Vậy nên thống kê nếu thực sự thấy không cần thiết thì hãy thẳng thắn và trách nhiệm nói "dừng", còn khi nó vẫn là tiền đề giúp chúng ta hiểu đúng và hành động đúng để nhanh chóng vượt qua đại dịch thì cần phải được thực hiện nghiêm túc, thẳng thắn và thực sự trách nhiệm!