Chuẩn bị cho một tiết học giải phẫu
Chuẩn bị cho một tiết học giải phẫu

E-magazine Xác hiến - người thầy vĩ đại của tất cả các bác sĩ

VietTimes – Bất cứ một nhà phẫu thuật tài danh nào cũng đều trưởng thành từ người thầy đầu tiên là những thi thể người ở phòng giải phẫu - những người thầy vô danh, điểm tựa cho rất nhiều bác sĩ bước lên bục vinh quang.

Giáo sư Nguyễn Quang Quyền - Trưởng Bộ môn Giải phẫu Đại học Y Dược TP.HCM - từng nói: “Người thầy thật sự hi sinh cuộc đời mình cho y học..., đó là những thi thể người thả mình trong formol ở phòng giải phẫu. Các bác sĩ trẻ và các em sinh viên đừng quên rằng từng dây thần kinh, mạch máu,… các anh lục tìm trong những thi thể ấy đã giúp mang đến tên tuổi cho nhiều nhà phẫu thuật tài danh”.

Giải Phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên y khoa bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của Y học. Những cơ quan trong cơ thể sẽ không bao giờ được khám phá nếu không có “những người thầy thầm lặng” đã dũng cảm hiến thân mình cho Y học sau khi mất. Vì vậy, việc hiến thân thể cho môn giải phẫu là vô cùng cần thiết.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa - Phó trưởng Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết, từ lâu, trên thế giới, thi thể người đã là học cụ rất quan trọng và không thể thay thế đối với sinh viên trường y, giúp họ học tốt hơn, nên ngành y gọi đó là những người thầy thầm lặng. Nếu thiếu những “người thầy” này, các bác sĩ tương lai sẽ không thể hình dung hết cấu trúc cơ thể người, để có thể điều trị, đặc biệt là phẫu thuật, cho bệnh nhân.

PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối tạng Quốc gia và là chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật thần kinh sọ não - chia sẻ: Với bác sĩ, việc học trên thi thể người đã quan trọng, nhưng với những bác sĩ phẫu thuật thần kinh thì càng cực kỳ quan trọng. Việc hiểu biết về cấu trúc cơ thể người từ những thi thể này quyết định sự thành công những ca mổ trên người bệnh sau này. Học lại trên giải phẫu khi có những cái chẩn đoán mới, bệnh mới dựa vào xác của người hiến không may qua đời, mới giúp cho việc nghiên cứu chữa bệnh được tốt.

Suốt gần 100 năm qua, Bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội đã gánh vác trọng trách cao cả và thiêng liêng là giữ gìn, nâng niu và chăm sóc cả phần tâm linh và thân thể những người thầy hiến thân thể cho Y học, để giảng dạy môn Giải phẫu cho biết bao nhiêu thế hệ sinh viên, học viên sau đại học.

Bộ môn Giải phẫu nằm ngay mặt đường Tăng Bạt Hổ, Hà Nội, dưới những tán cây xanh mát, được xây dựng khang trang. 10 năm gần đây, Trường Đại học Y Hà Nội quan tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác vận động hiến xác cùng cơ sở vật chất của Bộ môn Giải phẫu, với mong muốn nhiều người biết và ủng hộ hoạt động hiến xác.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa cho biết cơ sở vật chất của Bộ môn giờ đáp ứng được 100 thi thể hiến, đặc biệt, Trường mới đầu tư hệ thống tủ lạnh hiện đại trị giá 15 tỷ đồng để bảo quản xác tươi. Mặc dù hoạt động vận động hiến xác được tổ chức nhiều những năm qua, song số đơn đăng ký hiến chưa đến 2.000, mới có 23 thi thể được hiến.

Trong khi đó, mỗi năm, nhà trường tuyển khoảng 700-800 sinh viên. Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, con số lý tưởng nhất là 6-8 sinh viên được học trên/thi thể. Nhưng do số xác hiến ít nên hiện ở Trường Đại học Y Hà Nội, tới 18-20 sinh viên cùng thực hành trên 1 xác, ảnh hưởng nhiều đến kết quả học của sinh viên. Mà cũng chỉ hệ bác sĩ mới được học trên xác, còn hệ cử nhân chỉ học trên mô hình.

Khoảng chục năm qua, Bộ môn Giải phẫu chỉ tiếp nhận được hơn 10 xác hiến, bằng 10% so với số xác hiến ở Đại học Y dược TP HCM. Mới đây, có 1 trường hợp được Trung tâm điều phối tạng Quốc gia giới thiệu sang, nhưng sau đó, một người trong gia đình người hiến không đồng ý nên cũng không thể tiếp nhận được.

Năm 2021 có 5 xác hiến tại bộ môn Giải phẫu, còn năm 2022 thì không có ai hiến, trong khi có hàng chục trường đại học y với hàng chục nghìn sinh viên và hàng ngàn bác sĩ cần xác để học mỗi năm, nên thật sự là khó khăn. Còn nguồn xác vô thừa nhận thì đã rất lâu, bộ môn Giải phẫu không nhận được, cũng vì vấn đề pháp lý giữa các địa phương và cơ quan chức năng.

Khác với phía Bắc đang khan hiếm người hiến xác, thì một số trường đại học y ở TP.Hồ Chí Minh đã tạm ngưng tiếp nhận xác hiến vì không còn chỗ chứa. Đại học Y dược TP. HCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch luôn sẵn sàng chia sẻ với các trường y phía Bắc về số xác hiến, tuy nhiên, do còn nhiều thủ tục pháp lý, hoặc do người thân của không đồng ý chuyển thi thể hiến ra Bắc vì sợ xa xôi không hương khói được.

Quy trình từ khi tiếp nhận xác hiến đến khi sử dụng mất khoảng 1-2 năm, vì công đoạn xử lý, bảo quản rất kỹ lưỡng mới đưa ra sử dụng được. Nhưng do khi sử dụng thi thể sẽ được phẫu tích, bộc lộ hết cấu trúc ra để giảng dạy nên thường chỉ sử dụng được khoảng một năm. Khi không sử dụng được nữa, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ làm tang lễ rồi hỏa thiêu để địa táng hoặc bàn giao cho gia đình người hiến. Chi phí kể từ khi tiếp nhận đến khi bàn giao tro cốt cho người thân ước chừng khoảng 100 triệu.

Theo PGS.TS. Đồng Văn Hệ, có 2 phương pháp bảo quản thi thể: Bảo quản bằng hóa chất (còn gọi là bảo quản xác khô); thứ 2 là bảo quản bằng nhiệt độ (sử dụng đông lạnh). Phương pháp bảo quản thứ 2 rất quan trọng cho đào tạo nâng cao, như phẫu thuật thần kinh sọ não. Vì chỉ trên cơ thể chưa bị biến màu, bác sĩ mới có thể biết rõ được từng dây thần kinh, mạch máu, để thực hành phẫu thuật chính xác. Nhưng xác tươi bỏ ra khỏi tủ lạnh chỉ sử dụng tối đa 2 ngày, nên hiện các trường y phía Bắc chưa có để giảng dạy.

Nhiều bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phải ra nước ngoài đào tạo để nâng cao trình độ, học tập qua xác tươi. Cũng vì không có xác tươi để học, nhiều nghiên cứu sinh từ phía Bắc phải vào TP. HCM để học mổ xác.

Vì thế, PGS.TS. Đồng Văn Hệ đưa ra giải pháp là Trung tâm điều phối tạng Quốc gia sẽ hợp tác chặt chẽ với bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội để tiếp nhận hiến xác qua đường dây nóng và sẵn sàng tiếp nhận xác hiến bất cứ lúc nào, ở trong cả nước.

Bên cạnh đó, trước tâm nguyện của một số thân nhân người hiến xác là được thắp hương, thăm nom vào các dịp quan trọng, PGS.TS. Đồng Văn Hệ cho biết Trung tâm điều phối tạng Quốc gia sẽ trả chi phí đi lại nếu có người ở phía Nam đồng ý hiến tạng cho bộ môn Giải phẫu Trường Đại học Y Hà Nội. Sự phối hợp này nhằm giải quyết nguồn xác hiến để phục vụ cho việc học tập, nâng cao trình độ của sinh viên và học viên. Sau 6 tháng hoặc 1 năm, bộ môn Giải phẫu sẽ chịu trách nhiệm làm tang lễ, hỏa thiêu và mai táng xác hiến theo đúng phong tục.

PGS.TS. Đồng Văn Hệ đánh giá nguyên nhân khiến việc hiến xác còn rất ít có thể là do thông tin tới người dân hạn chế, mối liên hệ giữa hiến tạng với hiến xác chưa gắn bó lắm. “Tôi không nghĩ mong muốn đóng góp vào khoa học của người miền Bắc khác người miền Nam, mà có thể cách tiếp cận vấn đề chưa thực sự để mọi người hiểu đúng về hiến xác” - Giám đốc Trung tâm điều phối tạng Quốc gia chia sẻ.

Vì thế, PGS.TS. Đồng Văn Hệ cho rằng, để triển khai tốt hơn việc hiến xác trong thời gian tới, cần tăng cường truyền thông để mọi người hiểu được ý nghĩa của việc này, đặc biệt là sự phối hợp của nhiều cơ quan liên quan như hệ thống bệnh viện, các trường y, Trung tâm điều phối tạng, chính quyền địa phương, v.v… Điều này rất quan trọng trong việc cứu sống người bệnh và phát triển nền y học nước nhà.

“Tôi mong muốn mọi người hiểu để đăng ký hiến mô, tạng và nếu không may người thân qua đời thì hiến xác cho y khoa. Khi hiến xác cho y khoa thì Nhà nước có chế độ để người thân không phải lo việc vận chuyển, bảo quản, an táng thi hài sau khi đã hiến xác…” - PGS.TS. Đồng Văn Hệ bày tỏ./.

Thực hiện: Thanh Hằng

Trình bày: Văn Lâm